"Ta từ
bụng mẹ chui ra, sinh ra đời để sống như bao nhiêu người khác và chết
thì trở về với cát bụi. Thế là hết cuộc đời!" Mới nghe thấy xuôi tai
nhưng thực tế không phải đơn giản như vậy..."
Phần I
Thích Trí Siêu
1.
Như mọi người
Một ngày đầu Xuân năm nào, tôi
[1]
mang tiếng khóc oa oa chào đời, ngơ ngác trong thế giới loài người. Được
cha mẹ thương yêu nuôi nấng, suốt quãng đời ấu thơ, tôi chỉ biết cắp
sách đến trường rồi về nhà. Lớn lên lo học lấy bằng cấp để đi làm kiếm
ăn. Học xong bằng kỹ sư, tìm được sở làm chắc chắn, tôi nghĩ đến chuyện
lập gia đình. Theo tôi đây là tiến trình tự nhiên của mọi người trong xã
hội. Nhìn xung quanh anh em, bạn bè ai nấy đều có công ăn việc làm và
lập gia đình nên tôi cũng phải mau mau lập gia thất. Khổ thay cái thời
gian dễ cặp kè yêu đương nhất là ở học đường, nhưng lúc đó cha me tôi
thường nhồi vào đầu tôi là con phải lo học thành tài, đừng có lăng nhăng
trai gái, không đi đến đâu rồi thân tàn ma dại. Vì thế tôi lo cặm cụi
vào sách vở, không dám ngóc đầu để ý tới các cô, các chị. Bây giờ trong
sở làm đâu phải là chỗ đi tìm vợ. Túng thế tôi phải cầu cứu tới bà con
bạn bè mách bảo làm mai. Nhờ trời thương, cuối cùng tôi cũng cưới được
một cô vợ. Cưới vợ thì cưới như bao nhiêu người chứ thực sự tôi không
biết thế nào là tình yêu. Ai làm sao, tôi làm vậy!
Hồi xưa lúc còn độc thân tôi chỉ có
hai chân. Cưới vợ xong tôi có thêm hai chân nữa là bốn chân. Đáng lý ra
có bốn chân thì phải đi nhanh hơn hai chân, nhưng loài người không giống
như loài vật khác. Nay có bốn chân nhưng đi đứng lại ngượng ngạo, khó
khăn hơn, hai chân muốn đi phía này, hai chân muốn đi chỗ khác, giằng co
bên này kéo bên kia. Rồi vợ chồng bắt đầu hục hặc khó chịu với nhau.
Thấy thế cha mẹ hai bên khuyên nhủ: thôi ráng có mụn con đi thì vợ chồng
sẽ vui vẻ hòa thuận lại với nhau. Là con hiếu thảo, nghe bề trên nói có
lý nên chúng tôi đồng ý cho sinh ra một đứa con trai đầu lòng. Và như
thế tôi lại có thêm hai chân nữa, tức là sáu chân. Cứ mỗi lần có thêm
hai chân là tôi đi đứng chậm hẳn lại. Hồi trước có bốn chân thì giằng co
hai chiều, bây giờ có sáu chân thì giằng co ba chiều. Chồng muốn một
đàng, vợ muốn một nẻo, con muốn một ngả. Tưởng đâu có con thì gia đình
êm ấm, ai dè náo loạn hơn. Đi làm cực nhọc kiếm tiền nuôi vợ con, tưởng
họ biết ơn và thương mình hơn, nhưng vợ không bao giờ hài lòng, hết than
phiền lại trách móc, còn thằng con hết khóc lại phá. Nhiều lúc chịu hết
nổi, đầu óc tôi căng thẳng như sắp nổ phải to tiếng quát tháo. Mỗi lần
như vậy vợ tôi lại giận hờn, không thèm nói chuyện cả tuần, còn con thì
sợ hãi lánh xa, không khí gia đình trở nên ngột ngạt khó thở.
"Phước bất trùng lai, họa vô đơn
chí". Kinh tế xã hội xuống dốc, hãng của tôi phải thải nhân viên, không
may có tôi ở trong đó. Thế là hôm trước hôm sau tôi trở thành kỹ sư thất
nghiệp. Từ lâu tình cảm giữa hai vợ chồng đã không tốt đẹp gì, không ai
hiểu ai. Nay tôi thất nghiệp ở nhà, đi ra đi vào chạm mặt nhau lại càng
khổ sở khó chịu hơn nữa. Vợ tôi thường kiếm cớ đi ra ngoài để tránh mặt
tôi. Bỗng một hôm nàng báo cho tôi một tin sét đánh: nàng đang làm đơn
ly dị! Vừa buồn vừa giận, tôi há hốc miệng không nói nên lời, không ngờ
nàng tàn nhẫn chơi tôi một vố đau quá!
Vài ngày sau, cha mẹ tôi đi nghỉ hè
bị tai nạn xe cộ qua đời. Thất nghiệp, vợ bỏ, cha mẹ chết. "Trời ơi! Lúc
đó tôi chỉ biết kêu trời mà thôi. Trời ơi! Ông
trời có mắt hay không? Sao ông để cho tôi khổ quá vậy nè Trời"! Tôi bị
khủng hoảng tinh thần, mất ăn mất ngủ, mặt mày bơ phờ hốc hác đi lang
thang bất định trên đường phố, đầu óc như ngây như dại. May thay gặp
được thằng bạn cũ, nó kéo tôi vào quán cà phê ngồi nhâm nhi trò chuyện.
Hỏi han biết được nỗi khổ của tôi, nó liền rủ tôi đi chùa giải khuây.
Sau này tôi mới biết anh ta là một Phật tử thuần
thành. Mỗi cuối tuần nó lái xe ngang nhà đón tôi lên chùa, ban đầu chưa
quen nên tôi đi theo cho đỡ buồn. Đến chùa tôi vào chánh điện xá chào
Phật vài cái qua loa lấy lệ rồi tìm một góc trò chuyện hoặc ngắm nhìn bà
con cô bác. Dần dà nó dụ tôi vào nghe thầy thuyết pháp. Trời ơi! (lại
kêu trời nữa) từ xưa đến nay tôi cứ nghĩ chùa chiền là chỗ mê tín dị
đoan để cho mấy ông bà già đến cúng vái cầu xin, nhưng sau vài lần nghe
pháp, tôi thấy thấm thía như được nước cam lồ rót vào tim xoa dịu vết
thương lòng. Sau vài tháng tới lui cảnh chùa, tôi xin quy-y tam bảo và
bắt đầu tu học. Được thầy giảng đạo Phật là đạo cứu khổ, nguyên nhân của
khổ là vô minh và ái dục. Muốn hết khổ thì phải tu, phải sửa, cái gì hư
hỏng thì sửa lại cho tốt đẹp. Tu sửa như vậy còn được gọi là chuyển hóa,
chuyển phiền não thành bồ đề, khổ đau thành hạnh phúc. Trong cái họa
ngầm có cái may, nhờ gặp cảnh khổ thất nghiệp, vợ bỏ, cha mẹ chết, xui
xẻo đủ chuyện nên tôi mới có duyên biết đến đạo, chứ nếu không khổ như
vậy chắc tôi không bao giờ để ý đến đạo Phật và tiếp tục cho đó là một
loại mê tín thờ cúng.
2. Đi tìm ý
nghĩa
Ta từ đâu đến, sinh ra đời để làm
gì và chết sẽ đi về đâu? Một người bình dân như tôi sẽ trả lời: "Ta từ
bụng mẹ chui ra, sinh ra đời để sống như bao nhiêu người khác và chết
thì trở về với cát bụi. Thế là hết cuộc đời!" Mới nghe thấy xuôi tai
nhưng thực tế không phải đơn giản như vậy.
Sinh ra đời để sống như bao nhiêu
người là sao? Là ăn, ngủ, đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, lớn tuổi về
hưu, già bệnh rồi chết! Ăn ngủ cho sướng cái thân, đi làm kiếm tiền cũng
để nuôi thân và nuôi những người thân. Nhìn kỹ một chút thì bản tính tự
nhiên của con người là đi tìm sung sướng hạnh phúc, không ai dại gì đi
tìm khổ đau. Tôi làm theo bao nhiêu người khác vì tôi tin rằng làm như
thế sẽ có hạnh phúc. Trên đời này ai cũng đi tìm hạnh phúc, từ kẻ
cùng đinh hạ tiện cho tới quốc vương, tổng thống, ngay cả những người từ
bỏ cuộc đời đi tu cũng vì muốn tìm một sự an lạc hạnh phúc chân thật.
Cái bản năng đi tìm hạnh phúc này hình như đã có từ kiếp nào rồi. Một
đứa trẻ sơ sinh, khi đói nó biết khóc đòi ăn, được mẹ cho bú thì yên
ngay. Con nít nào cũng thích kẹo bánh, ngay cả người lớn cũng hảo ngọt,
được ai ăn nói dịu dàng khen ngợi thì sung sướng hoan hỷ.
Trở lại câu hỏi: Ta từ đâu đến?
Sinh ra đời để làm gì? Chết đi về đâu? Câu hỏi đầu và câu hỏi cuối đa số
chúng ta không để ý và nhiều lúc không muốn nghĩ tới vì nó có vẻ siêu
hình. Nhưng sinh ra đời để làm gì thì chắc bạn sẽ đồng ý với tôi là sinh
ra đời để sống và trong lúc sống mọi người đều đi tìm hạnh phúc.
Làm sao có được hạnh phúc? Trở lại
câu chuyện hồi nãy, tôi nghĩ rằng khi có được bằng kỹ sư thì tôi sẽ hạnh
phúc. Nhưng khi đậu xong bằng kỹ sư tôi chỉ sung sướng được hai ngày rồi
hết. Sau đó tôi nghĩ chuyện đi kiếm việc làm. Có việc làm rồi tôi nghĩ
đến chuyện cưới vợ để xây dựng mái ấm hạnh phúc. Nhưng sống với vợ một
thời gian không thấy hạnh phúc, tôi nghĩ nếu có con thì chắc sẽ đem lại
hạnh phúc. Có con rồi thì ôi thôi, còn tệ hơn nữa! Cuối cùng hạnh phúc
đâu không thấy mà thấy toàn chuyện buồn phiền, thất vọng. Nhưng còn may
cho tôi là gặp được bạn lành biết đạo, cứu tôi ra khỏi cơn khủng hoảng.
Trong xã hội hiện nay có rất nhiều người lâm vào hoàn cảnh như tôi và họ
xuống dốc luôn, rơi vào nghiện ngập, rượu chè, hút sách hoặc tự tử. Đi
tìm hạnh phúc mà chỉ thấy khổ đau!
Cuộc đời thật là oái ăm! Nói vậy
thì hơi oan cho đời, vì oái ăm hay không là do mình tạo chứ không phải
tại người hay hoàn cảnh bên ngoài. Vì không hiểu biết (vô minh) nên ta
lầm tạo nghiệp xấu và phải lãnh chịu quả khổ. Muốn hết khổ thì phải học
hỏi và tu sửa.
3. Tu cái gì?
Khi được hỏi: Anh tu cái gì? Đa số
thường trả lời: "Tôi tu Thiền hoặc tu Tịnh Độ". Theo nghĩa đen, tu có
nghĩa là sửa, như thế thì tu Thiền là sửa Thiền, tu Tịnh Độ là sửa Tịnh
Độ. Nhưng Thiền và Tịnh Độ đâu có gì cần phải sửa vì đó là những pháp
môn của Phật để lại. Nếu vậy bạn sẽ đáp: "Tôi tu theo pháp môn
Thiền, hoặc tu theo pháp môn Tịnh Độ". Nói như thế rõ nghĩa hơn nhưng
vẫn chưa trả lời "tu cái gì". Tu cái gì tức là sửa cái gì? Bạn sửa cái
gì theo pháp môn Thiền, sửa cái gì theo pháp môn Tịnh Độ? Bạn chọn theo
những pháp môn đó để sửa cái gì ?
Tôi có tánh tham lam, nóng giận, lo
sợ, những tánh này làm tôi khổ sở, bất an. Tôi tu để sửa những tánh xấu
này (tu tâm sửa tánh). Do đó nếu được hỏi tu cái gì thì tôi sẽ đáp là
tôi tu tánh tham, tu tánh sân, tu tánh sợ.
Tu chuyển hay diệt?
Có người nghĩ tu là phải diệt trừ
(đoạn) phiền não. Người khác lại quan niệm tu là chuyển phiền não thành
bồ đề. Hãy lấy thí dụ về mưa. Khi sắp mưa, mây đen kéo đến phủ đầy trời
rồi sấm sét nổi lên và cơn mưa bắt đầu trút xuống. Tạnh mưa bầu trời trở
lại quang đãng không còn một bóng mây đen. Như thế ta có thể nói mây đen
đã biến mất (hay được diệt trừ). Nhưng thật ra mây đen đã chuyển thành
nước mưa rơi xuống đất. Sau cơn mưa, ánh nắng chiếu soi, những vũng nước
mưa kia sau vài giờ lại biến mất. Nhưng kỳ thật những vũng nước đó đã
chuyển thành hơi bay lên không trung tụ lại thành mây.
Khi phiền não không còn thì ta nói
phiền não đã được diệt trừ, nhưng theo tinh thần Đại Thừa thì phiền não
đã chuyển thành bồ đề. Vì thế trong Duy Thức học có một danh từ gọi là
Chuyển Y, có nghĩa là khi tất cả những chủng tử được chuyển từ bất tịnh
thành tịnh rồi thì A Lại Gia Thức chuyển thành Bạch Tịnh Thức hay Đại
Viên Cảnh Trí. Và khi đó chúng sinh kia trở thành Phật, thái tử
Siddharta chuyển thành Phật Thích Ca.
Tu chạy trốn
Tu là sửa và cũng có nghĩa là
chuyển. Muốn vậy phải có trí huệ, trí huệ giống như mặt trời, phiền não
giống như sương mù và mây đen. Khi mặt trời mọc thì sương mù, mây đen
đều tan biến. Nơi nào có ánh sáng thì bóng tối không thể hiện hữu. Chư
Bồ Tát nhờ có trí huệ nên ra vào sinh tử độ sinh không mệt mỏi chán nản
(vô quái ngại), không có sợ hãi (vô hữu khủng bố). Nhưng có người lại
tưởng tu là tránh né cuộc đời, chạy trốn phiền não nên họ tìm một chỗ
yên thân sống qua ngày, không muốn ai quấy rầy. Ban đầu tu hành rất cần
thầy lành bạn tốt, cần một hoàn cảnh thuận tiện, một nơi yên ổn thanh
tịnh nhưng đó là thời gian đầu để tập luyện tu tâm sửa tánh chứ không
phải để chạy trốn. Sau một thời gian tu học, ta cần phải đối diện tiếp
xúc với cuộc đời để quán chiếu phát triển trí huệ, khai mở tâm từ bi.
Hoa sen không thể nở trong lâu đài cẩm thạch
mà mọc ở trong ao bùn.
Phương tiện và mục đích
Mục đích của tu là sửa những
tánh xấu (phiền não) cho nên ta cần những phương tiện pháp môn như
Thiền, Tịnh, Mật, tụng kinh, trì chú, v.v... Nhưng nhiều người hay lầm
lẫn giữa phương tiện và mục đích (cứu cánh), họ nghĩ tu là phải ngồi
thiền, hoặc niệm Phật, tụng kinh, trì chú cho nhiều. Tu như vậy gọi là
tu luyện. Luyện tức là làm tới làm lui, làm thật nhiều cho
quen giống như luyện võ, một thế võ được tập dợt cả trăm lần suốt ngày
cho thuần thục. Dĩ nhiên tu cần phải luyện, nhưng sự luyện tập đó phải
có ích lợi và hiệu quả. Sau một thời gian tu luyện ta phải thấy tánh xấu
giảm đi và tánh tốt tăng trưởng. Ngược lại nếu tu luyện nhiều mà tánh
xấu không bớt thì phải kiểm lại pháp môn có thích hợp không? Mải lo
luyện pháp môn mà không nghĩ tới sửa tánh thì không phải
là tu. Có người chuyên trì chú Đại Bi, tụng mấy trăm biến một ngày, tụng
đến nỗi hết hơi kiệt sức và cho đó là tu. Đây là luyện chú
Đại Bi giống như trường hợp thiền sư Từ Đạo Hạnh[2]
nhập thất luyện chú Đại Bi để có phép trở về đánh pháp sư Đại Điên trả
thù cho cha. Sau khi giết được Đại Điên, Từ Đạo Hạnh mới ăn năn và bỏ đi
tu thực sự. Phương tiện là trì Đại Bi mà mục đích là để giết người. Tất
cả thần chú (mantra) hay đà la ni (dharani) đều xuất phát từ Kinh, chúng
ta không học kinh để hiểu nghĩa tu hành mà muốn tu tắt, lấy riêng những
bài chú làm thành khóa tụng, biến pháp tu thành một việc thần quyền.
Thần chú linh thiêng bất khả tư nghì nhưng phải được áp dụng một cách
thông minh đúng đắn, ta phải tu tâm sửa tánh thì tha lực của thần chú
mới giúp ta mau thành tựu. Hành giả mật tông Tây Tạng trước khi tu luyện
một pháp quán tưởng nào đều phải đầy đủ ba điều: phát bồ đề tâm, xa lìa
tham lam chấp ngã, và hiểu rõ tánh Không[3].
Nếu không đầy đủ ba điều trên thì dù tu luyện có thần thông phép tắc
cũng thành ma đạo.
Có người chuyên trì tụng kinh
Pháp Hoa và cho đó là tu. Trì tụng nhiều như thiền sư Pháp Đạt nhưng tâm
ngã mạn đảnh lễ Lục tổ Huệ Năng đầu không chấm đất, hoặc "một ni cô tụng
kinh Pháp Hoa 30 năm, nhưng tâm chưa dứt niệm sắc thinh nên kiếp sau đọa
làm thân ca kỹ, tiếng thanh sắc đẹp thường bay ra mùi thơm như hoa sen"[4].
Trì tụng kinh chú là tụng để lời kinh thâm nhập vào tâm nhưng đó chưa
phải là hành. Trì tụng là bước đầu, kế tiếp phải thực hành theo lời kinh
để tu sửa. Trì Đại Bi mà không sống từ, bi, hỷ, xả; tụng Pháp Hoa mà
không hiểu và sống với tinh thần Pháp Hoa, đó không phải tu theo nghĩa
sửa mà là luyện với tâm mong cầu sở đắc.
Càng niệm Phật, tâm ta càng
thanh tịnh vắng lặng không bị phiền não xao xuyến thì nên niệm nhiều
hơn. Càng tụng kinh ta càng hiểu đạo, bớt chấp trước đắm nhiễm cuộc đời
thì nên tụng nhiều hơn. Nhưng nếu nghe thầy dạy tụng nhiều, tâm ta không
hoan hỷ, càng tụng càng mệt, càng khó chịu thì nên xin thầy một pháp môn
khác thích hợp với căn cơ và thể tạng của mình. Kinh chú hay pháp môn
giúp ta tu sửa chứ không phải để nhồi sọ hay luyện phép. "Như Lai thuyết
pháp như chiếc bè để qua sông chứ không phải để đội lên đầu hay vác trên
vai mà đi[5]".
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Đăng nhận xét