"Người đời, không biện biệt được tốt xấu cát hung họa phước, thần trí
ngu muội, lại theo các giáo điều khác, liên tiếp điên đảo, nguồn gốc vô
thường mê mờ không chịu suy xét, chẳng tin kinh pháp, không biết lo xa,
say mê giận hờn, tham đắm tài sắc, trọn chẳng ngừng nghỉ, thật đáng
thương thay!"
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Nguyên Hán bản: Ngài HẠ LIÊN CƯ (hội tập)
Việt dịch: HT. Thích Đức Niệm & Cư sĩ Minh Chánh
PHẨM BA MƯƠI
BỒ TÁT TU TRÌ
Lại này A Nan! Thiền định, trí tuệ, thần thông, oai đức các vị Bồ Tát
trong cõi Phật đó đều viên mãn. Mật tạng chư Phật rất sâu xa rốt ráo
sáng tỏ, điều phục các căn, thân tâm nhu nhuyến, thâm nhập chánh huệ ,
không còn dư tập, thật hành theo lời Phật dạy, hành thất giác chi, tu
ngũ nhãn rõ biết chơn đế đạt cả tục đế. Nhục nhãn thì so đo, thiên
nhãn thấy thông suốt, pháp nhãn thấy biết thanh tịnh, huệ nhãn biết rõ
chơn không, Phật nhãn đầy đủ công năng, biết rõ pháp tánh, biện tài tổng
trì tự tại vô ngại, biết rõ vô biên phương tiện ở thế gian, nói đúng
chơn đế, hiểu sâu nghĩa lý, cứu độ các hữu tình, diễn nói chánh pháp, vô
tướng vô vi, vô phược vô thoát, vô phân biệt, xa lìa điên đảo, đối vật
thọ dụng không có tư tưởng chiếm giữ, đi khắp cõi Phật không ưa không
chán, không mong cầu cũng không chấp trước, cũng không có tưởng oán hận
đây kia. Vì sao vậy?
Các vị Bồ Tát đối với chúng sanh có tâm đại từ bi đại lợi ích, xa lìa
chấp trước, thành tựu vô lượng công đức, dùng chơn thật trí thấu rõ các
pháp là như như, biết rõ phương tiện giảng giải về tứ đế, không thích
học thuyết thế gian, thích luận chánh pháp, biết tất cả pháp đều không
tịch, tập khí phiền não chướng và sở tri chướng đều dứt sạch, ở trong ba
cõi bình đẳng siêng tu cứu cánh nhứt thừa đến bờ giải thoát, quyết dứt
lưới nghi chứng vô sở đắc, dùng phương tiện trí tăng trưởng hiểu biết,
an trụ thần thông được nhứt thừa Phật quả, không nhờ vào người khác.
PHẨM BA MƯƠI MỐT
CÔNG ĐỨC CHƠN THẬT
Trí huệ uyên thâm như biển cả, Bồ Đề cao rộng như Tu di, thân sáng
chói như nhật nguyệt, tâm trong trắng như tuyết sơn, nhẫn nhục như đất
bằng, bình đẳng tất cả, thanh tịnh như nước rửa sạch trần cấu, hừng hực
như lửa đốt hết phiền não, không chấp trước như gió không gì chướng
ngại, pháp âm như sấm vang thức tỉnh kẻ chưa giác, mưa pháp cam lồ thấm
nhuần chúng sanh, thênh thang như hư không bao dung tất cả, thanh tịnh
như hoa sen lìa xa ô nhiễm, như cây ni câu che khắp rộng rãi, như chùy
kim cang phá tan tà chấp, như núi Thiết vi tà ma ngoại đạo không lay
chuyển được, tâm chánh trực khéo giỏi quyết định, luận pháp không chán,
cầu pháp không mỏi mệt, giới như lưu ly trong ngoài sáng sạch, phàm nói
điều gì đều làm cho người vui tín phục, đánh trống pháp, lập pháp tràng,
sáng huệ nhựt, phá si ám, thuần tịnh ôn hòa, tịch định an nhiên, làm
đại đạo sư, điều phục tự tha, dắt dẫn quần sanh, xả bỏ ái trước, xa hẳn
ba độc, thung dung tự tại, nhân duyên nguyện lực phát sanh thiện căn,
phá dẹp ma quân, tôn trọng cúng dường chư Phật, đèn sáng cho thế gian,
ruộng phước tối thắng, an lành tột bậc, kham thọ cúng dường, hiển hách
hoan hỷ, mạnh bạo không sợ sệt, thân tướng đẹp đẽ, công đức biện tài đầy
đủ trang nghiêm không ai sánh được. Thường được chư Phật khen ngợi. Bồ
Tát rốt ráo các Ba La mật, an trụ vào Tam ma địa bất sanh bất diệt, giáo
hóa khắp nơi khác với hàng nhị thừa.
A Nan! Ta nay lược nói chơn thật công đức các hàng Bồ Tát ở thế giới
Cực Lạc kia tất cả đều như vậy. Nếu nói rộng ra trải trăm ngàn vạn kiếp
cũng không hết được.
PHẨM BA MƯƠI HAI
THỌ LẠC KHÔNG CÙNG TẬN
Phật bảo Di Lặc Bồ Tát và thiên, nhơn: “Công đức trí huệ của Thanh
Văn, Bồ Tát ở cõi đức Phật Vô Lượng Thọ không thể nói hết được. Cõi
nước Cực Lạc kia vi diệu an lạc thanh tịnh như vậy, há còn phương pháp
nào hơn niệm Phật cầu sanh tịnh độ, tự nhiên thành tựu, xuất nhập cúng
dường, quán kinh tu đạo, pháp hỷ vẹn toàn, trí huệ sáng suốt, tâm không
thối chuyển, ý không giải đãi, ngoài hiện an nhàn, trong lại tinh tấn,
dung cách trùm cả thái hư, đạt đến trung đạo, trong ngoài tương ưng, tự
nhiên nghiêm chỉnh, hành động chánh trực, thân tâm khiết tịnh, không
tham nhiễm ái, chí nguyện cương định, không tăng chẳng giảm, cầu đạo hòa
chánh, không bị tà tâm khuynh đảo, tuân lời Phật dạy quyết không trái
phạm , nếu đã quyết tâm thì phải kiên trì không nghĩ gì khác, không lo
nghĩ ưu buồn, an nhiên vô vi, tâm rỗng như hư không không lập một pháp,
bình thản không tham dục, trọn thành thiện nguyện, dốc lòng cầu tiến, từ
bi ai mẫn, lễ nghĩa gồm đủ, sự lý viên dung, đạt đến giải thoát, tự
tánh bản nhiên hoàn toàn thanh tịnh, chí nguyện vô thượng, thân tâm tịch
định an lạc. Hốt nhiên tâm khai đạt lý giác ngộ triệt để, thấy được
thật tướng các pháp, bản thể vũ trụ, quang sắc xen nhau tất cả chỉ là
như như, biến chuyển vô cùng. Uất đơn việt thành thất bảo, nắm rõ vạn
vật, sáng sạch hiển lộ tột đẹp vô cùng không gì sánh được, rõ ràng không
trên dưới, thông suốt không ngằn mé. Vậy phải hết sức siêng năng tinh
tấn tu tập quyết chắc được vãng sanh về cõi vô lượng thanh tịnh Phật A
Di Đà, chấm dứt năm thú, đóng kín ác đạo, đạt đạo không khó, vãng sanh
há lại không được sao! Cõi kia không trái lẽ, thuận theo tự nhiên, bỏ
tất cả như hư không, siêng năng niệm Phật cầu sanh quyết đến Cực Lạc,
thọ mạng an lạc không cùng, há lại tham đắm thế sự, toàn là vô thường,
sầu khổ cả?
PHẨM BA MƯƠI BA
KHUYẾN DỤ SÁCH TẤN
Người đời vì sự tranh đua nên sống trong cảnh thô bạo khổ cực nhọc
thân làm lụng để tự cung cấp. Tôn quí ti tiện, nghèo khổ giàu sang, lớn
nhỏ trai gái phải lao tâm khổ trí, suy nghĩ lo toan. Không nhà lo nhà,
quyến thuộc tài vật, có hoặc không cũng lo, có rồi còn thiếu, muốn sao
cho bằng người. Nên ít muốn vừa đủ. Lại còn lo sợ vô thường, nước lửa
trộm cướp, oan gia trái chủ, lửa thiêu nước chìm, tiêu tan sạch sẽ, tâm ý
khư khư không chịu buông xả, mạng chung hết thở, không ai tránh khỏi,
nghèo giàu như nhau, sầu khổ trăm mối. Thế nên ở đời cha con anh em, vợ
chồng thân thuộc nên thương kính nhau, không nên ghét giận nhau, có
không nên thông cảm nhau, không nên tham tiếc, nói năng hòa nhã đừng
chống đối nhau. Hễ có tranh cãi liền sanh giận dữ, thành oán thù nhiều
kiếp về sau, sự việc ở đời đem nhiều khổ lụy, tuy chưa gặp phải, phải
gấp có ý tưởng ngăn trừ. Con người vì ái dục nên phải sống chết qua lại
sáu nẻo tự chịu khổ vui không ai thay thế được, lành dữ biến hóa theo đó
đi thọ sanh không đồng, tụ họp không hạn kỳ. Lúc còn cường tráng sao
không nỗ lực tu tập đợi đến lúc nào?
Người đời, không biện biệt được tốt xấu cát hung họa phước, thần trí
ngu muội, lại theo các giáo điều khác, liên tiếp điên đảo, nguồn gốc vô
thường mê mờ không chịu suy xét, chẳng tin kinh pháp, không biết lo xa,
say mê giận hờn, tham đắm tài sắc, trọn chẳng ngừng nghỉ, thật đáng
thương thay!
Đời trước ngu muội, không biết đạo đức, không ai chỉ bảo đâu có lạ
gì? Sanh tử luân hồi, thiện ác báo ứng đều chẳng tin tưởng cho là không
có. Tự thử nhìn lại: Nào cha khóc con, con khóc cha, anh em vợ chồng
than khóc lẫn nhau, một đời sanh tử tiễn đưa thương tiếc, buồn thương
trói buộc không sao giải nổi, nghĩ nhớ ân sâu không ngoài tình dục, sao
chẳng suy cùng xét kỹ chuyên tâm hành đạo, khi tuổi già mạng hết không
biết làm sao?
Kẻ mê thì nhiều, người ngộ đạo rất ít, phần nhiều ôm lòng giết hại,
ác khí tràn đầy làm điều hư dối, trái ngược trời đất mặc tình tạo tội,
khi mạng sống hết, đọa vào ác đạo không biết ngày ra. Các ngươi phải
nghĩ kỹ, xa lìa điều ác siêng làm việc lành, ái dục vinh hoa không thể
giữ mãi, đều phải ly biệt chẳng có vui gì! Nên phải siêng năng tinh tấn
cầu sanh về cõi An Lạc được trí huệ sáng suốt công đức thù thắng, đừng
theo tâm tham dục, cô phụ kinh giới, uổng phí đời sau.
PHẨM BA MƯƠI BỐN
TÂM ĐƯỢC MỞ SÁNG
Ngài Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Lời Thế Tôn răn dạy
rất sâu rất đúng, nhờ ơn đức từ bi giải thoát ưu khổ. Phật là đấng Pháp
vương tôn quí siêu việt trong hàng Thánh, quang minh vô tận trí huệ
không cùng, Đạo sư khắp cả trời người, ngày nay được gặp Phật lại được
nghe hồng danh Vô Lượng Thọ, tâm trí được sáng tỏ rất là vui mừng”.
Phật bảo Di Lặc Bồ Tát: “Kính Phật là điều đại thiện, niệm Phật quan
trọng hơn, giúp cắt hết lưới nghi, dứt hết ái dục, lấp hết nguồn ác, đi
khắp ba cõi không bị chướng ngại, khai thị chánh đạo, độ người chưa độ.
Các ngươi phải biết chúng sanh mười phương nhiều kiếp đến nay luân
chuyển trong năm đường, sầu khổ không dứt, sanh đã là khổ, già cũng khổ,
bệnh càng khổ hơn, chết rất là đau khổ, hôi thúi bất tịnh không có gì
vui, nên quyết cắt đứt, tẩy trừ tâm xấu, nói năng hành động thành tín
trong ngoài hợp nhất, trước tự độ mình, lại ra độ người, hết lòng cầu
nguyện, chứa nhóm căn lành, chỉ cần tinh tấn khó nhọc một đời ngắn ngủi,
về sau được sanh về cõi Vô Lượng Thọ an vui vô cùng, vĩnh viễn dứt sạch
sanh tử không còn khổ hoạn, thọ mạng ngàn vạn kiếp tự tại tùy ý. Nên
phải tinh tấn cầu đạt, tâm nguyện không được nghi ngờ. Như còn chút nghi
hoặc sẽ sanh về cung điện thất bảo ở biên địa của nước Cực lạc, chịu
các tai ách trải qua năm trăm năm”.
Ngài Di Lặc bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Chúng con xin vâng lời Phật
dạy chuyên cần tu học, y giáo phụng hành, không dám có lòng nghi ngờ”.
PHẨM BA MƯƠI LĂM
TRƯỢC THẾ ÁC KHỔ
Phật bảo Di Lặc: “Các ngươi sanh trong đời này, tâm ý chánh trực không làm điều ác, đó là có đức hạnh lớn.” Vì sao vậy?
Mười phương thế giới của chư Phật thiện nhiều ác ít rất dễ khai hóa.
Chỉ có thế gian năm ác trược này rất là cực khổ. Ta nay thành Phật ở đây
để giáo hóa quần sanh bỏ năm điều dữ, dứt năm sự thống khổ, lìa năm sự
thiêu đốt, điều phục tâm ý khiến làm năm điều lành, phước đức được thành
tựu.
Những gì là năm?
Điều thứ nhất: Các loài chúng sanh ở thế gian thích làm điều ác, mạnh
hiếp yếu, chèn ép nhau, tàn sát tổn hại ăn nuốt lẫn nhau, không biết
làm lành để chịu hậu quả, nên có kẻ cùng khổ, cô độc, câm điếc đui
ngọng, si ác ngông cuồng là do đời trước không tin đạo đức, không chịu
làm lành. Những hạng tôn quí, hào phú, hiền minh, trưởng giả, trí dõng
tài cao là do biết từ ái hiếu thuận, tu thiện tích đức từ đời trước.
Khi còn sanh tiền đã làm sai trái, sau khi mạng chung vào chốn u minh
chuyển thọ thân hình sanh vào các nẻo, nên có địa ngục, súc sanh – ví
như lao ngục ở thế gian có cực hình kịch khổ – thần thức tùy tội đã tạo
mà thọ mạng có dài ngắn theo nhau trả báo, tội ác chưa hết lại tiếp tục
chịu tội, xoay vần nhiều kiếp không thôi rất khó giải thoát, khổ thống
không thể nói hết được! Ác đạo tuần hoàn cảm ứng tự nhiên, tuy không báo
ứng tức thời, nhưng thiện ác chung qui vẫn phải chịu quả báo.
Điều thứ hai: Nhân loại thế gian không theo pháp luật, hoang dâm thái
quá mặc tình phóng túng, trên thì không minh, tại vị không chính, hãm
hại oan uổng, tổn hại trung lương, tâm miệng khác biệt, mưu toan nhiều
bề, trong ngoài dối trá, giận dỗi ngu si, muốn lợi về mình, tham lam
không chán, lợi hại được thua, oán giận thành thù, tan nhà mất mạng,
không xét trước sau, giàu có keo kiệt không chịu bố thí, chất chứa cho
đầy, nhọc tâm khổ thân, đến khi mạng chung không đem được gì, thiện ác
họa phước tùy nghiệp thọ sanh, hoặc sanh vào nơi sung sướng hay vào chốn
khổ độc. Thấy người làm lành lại còn hủy báng không chịu bắt chước,
thường nghĩ trộm cắp, rình đoạt của người, tiêu phá hết rồi lại đi tìm
nữa. Chết đọa vào ba đường ác chịu vô lượng khổ, xoay vần nhiều kiếp rất
khó ra khỏi, đau khổ vô cùng.
Điều thứ ba: Người đời nương nhau mà sống còn trong trời đất, thọ
mạng chẳng được là bao? Kẻ bất lương tâm không chính đính, ôm lòng tà
ác, luôn nghĩ dâm dục, phiền não tràn hông, thái độ tà ngụy buông lung,
hao tổn tài sản, làm điều phi pháp, ai cầu xin gì cũng không chấp thuận,
lại còn tụ bè kết đảng, hưng binh gây chiến đánh cướp giết hại, chiếm
đoạt bức hiếp chu cấp cho vợ con, no thân hưởng lạc, khiến người chán
ghét, lo lắng khổ cực, tạo nhiều tội ác, chết vào tam đồ chịu vô lượng
khổ, qua lại nhiều kiếp, khó được giải thoát, khổ đau khôn xiết.
Điều thứ tư: Người ta ở đời không chịu tu thiện, nói dối, nói lời
hung dữ, nói đâm thọc, nói thêu dệt, ganh ghét người lành, hãm hại người
hiền, bất hiếu với cha mẹ, khinh mạn sư trưởng, chẳng thành tín với
bằng hữu, tự cao tự đại, cho mình có lý, cậy mình ỷ thế, lấn hiếp mọi
người mong người kính nể, không biết hổ thẹn, ôm lòng kiêu mạn, khó thể
giáo hóa. Nhờ chút phước đức từ đời trước, đời này làm ác phước đức mất
hết, thọ mạng hết rồi, các điều ác bao vây, oán cừu dẫn dắt không sao
tránh khỏi, chỉ việc tiến vào vạc lửa, thân thể tan nát, tâm thần thống
khổ, bấy giờ nghĩ lại ăn năn thì đã muộn rồi!
Điều thứ năm: Người đời phóng túng lười biếng không chịu làm lành, tu
sửa thân tâm; cha mẹ khuyên bảo, ngang trái chống đối như là oan gia,
phụ bạc ân nghĩa không chút báo đền, phóng túng lêu lổng, rượu chè xa
hoa, đần độn bướng bỉnh, chẳng chút lễ nghĩa, không thể can gián, giao
tiếp lục thân quyến thuộc không chút ân tình, không nhớ ơn cha mẹ, không
đoái nghĩa thầy trò bằng hữu, chỉ lo cho tự thân, không được một điều
lành, không tin Phật pháp, không tin sanh tử thiện ác, muốn hại hiền
nhân, phá hoại Phật pháp, ngu si mông muội tự cho thông minh, không biết
từ đâu sanh đến, chết sẽ đi về đâu, bất nhơn bất thuận lại muốn trường
thọ. Thương xót khuyên bảo lại không chịu nghe, khô hơi khản tiếng cũng
thành vô ích. Tâm ý cố chấp không chịu thấu hiểu. Mạng chung cận kề hối
tiếc đã không tu thiện, đến khi nhắm mắt ăn năn hối hận sao còn kịp nữa!
Trong vũ trụ, năm đường phân minh, thiện ác báo ứng họa phước đành
rành, thân tự chịu lấy không ai thay được. Người thiện làm lành thì từ
cảnh sướng đến cõi sướng, từ sáng vào sáng. Người ác làm ác từ cảnh khổ
vào cõi khổ, từ tối vào chỗ tối. Ai hay biết được? Chỉ có đức Phật biết
rõ khai thị chỉ dạy, người tuân hành rất ít, nên sanh tử không thôi, ác
đạo không dứt. Người đời tạo ác như thế, nên tự nhiên có ba đường ác,
chịu vô lượng khổ, xoay vần nhiều kiếp không có hạn kỳ ra khỏi, khó
được giải thoát đau đớn không thể nói được. Do vậy nên có ngũ ác, ngũ
thống, ngũ thiêu, như lò lửa lớn thiêu đốt thân người.
Nếu tự nhứt tâm giữ ý, đoan thân chánh niệm, ngôn hành tương xứng,
chí tâm làm lành không làm việc ác, thì được độ thoát, đầy đủ phước đức
được trường thọ đến đạo Bồ đề. Đây là năm điều đại thiện.
PHẨM BA MƯƠI SÁU
BAO LƯỢT KHUYÊN LƠN
Phật bảo Di Lặc Bồ Tát: “Những ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu đó chuyển
tiếp cho nhau, nếu phạm tội tất phải vào ác đạo, hiện đời sẽ bị bệnh
hoạn tai ương, cầu sống không được cầu chết không xong, để cho người đời
thấy sự chiêu cảm đó, mạng chung đọa vào ba đường ác, thống khổ quá
lắm, tự bị thiêu đốt, cùng kết oán thù tàn hại lẫn nhau.
Tạo một tội nhỏ lần thành to lớn, do tham đắm tài sắc không chịu
bố thí, muốn khoái lạc bản thân không chịu phản tỉnh, si ám thúc dục
tranh lợi về mình, phú quí vinh hoa đương thời vừa ý, không chịu nhẫn
nhịn, không chuyên tu thiện, không bao lâu uy thế theo đó tiêu diệt,
nghiệp lực an bài báo ứng tự nhiên, dù có lo lắng hoảng hốt cũng phải
vào ba ác đạo, xưa nay như vậy. Đau khổ lắm thay!
Các ngươi được giáo pháp của chư Phật chỉ dạy phải suy nghĩ chín chắn tự ghi nhớ kỹ, trọn đời không được biếng trễ.
Kính Phật trọng hiền, lương thiện từ bi, cầu thoát ba cõi , dứt sạch gốc sanh tử, lìa hẳn lo sợ thống khổ tam đồ.
Thế nào gọi là hành thiện bậc nhất?
Phải tự tịnh tâm chánh thân, tai mắt mũi miệng đều phải đoan chánh,
thân tâm thanh tịnh cùng thiện tương ưng, đừng theo thị dục, không phạm
điều ác, ngôn sắc hòa diệu, thân hành chuyên cần, hành vi cử chỉ bình
tĩnh từ tốn, vội vàng hấp tấp không suy xét chính chắn sẽ hư hỏng hối
hận về sau, uổng phí một đời”.
PHẨM BA MƯƠI BẢY
NHƯ NGHÈO ĐẶNG CỦA BÁU
Các ngươi đã trồng nhiều căn lành, phải nhẫn nhục tinh tấn, đừng phạm
cấm giới, từ tâm chuyên nhứt, thanh tịnh trai giới, tu một ngày một
đêm ở cõi Ta bà hơn làm lành ở cõi Vô Lượng Thọ cả trăm năm.
Tại sao vậy?
Cõi nước của đức Phật đó đều hành thiện tích đức, không có một chút
ác. Tu thiện ở Ta bà mười ngày đêm hơn làm lành ngàn năm ở các cõi Phật
khác.
Tại sao vậy?
Vì cõi nước Phật ở phương khác thì phước đức tự nhiên có, không có
duyên để làm ác, chỉ có thế giới Ta bà này thiện ít ác nhiều, toàn là
khổ độc chưa từng ngừng nghỉ.
Ta vì thương các ngươi nên đã hết lòng chỉ dạy trao cho kinh pháp,
vậy phải nhớ giữ tuân hành. Tôn ti nam nữ quyến thuộc bằng hữu chỉ bảo
lẫn nhau, cùng nhau kiểm điểm, hòa thuận đạo nghĩa, hoan hỷ từ hiếu, nếu
có sai phạm phải tự hối cải, bỏ ác làm lành, sáng nghe tối sửa, phụng
trì kinh giới, như nghèo được của, sửa xưa tu nay, gột rửa thân tâm, tự
nhiên cảm ứng được như sở nguyện. Khi Phật còn tại thế quốc ấp thôn
trang đều được hoá độ, thiên hạ hòa thuận, nhật nguyệt trong sáng, mưa
thuận gió hòa, tai dịch không khởi, quốc thái dân an, binh đao vô dụng,
nhân đức hưng vượng, giữ gìn lễ nghĩa, nước không trộm cướp, không có
oán tặc, mạnh không hiếp yếu, đều được an lành. Ta thương các ngươi còn
hơn cha mẹ thương con. Ta nay làm Phật ở đời này chỉ rõ điều lành điều
dữ, dứt khổ sanh tử, được năm điều thiện, lên chốn an lạc vô vi.
Khi ta nhập Niết bàn, kinh điển lần lần diệt mất, nhân dân gian trá,
làm nhiều điều ác, ngũ thiêu ngũ thống, về lâu sau càng làm ác nhiều
thêm nữa, các ngươi nên khuyên bảo nhau như lời Phật dạy không được tái
phạm”.
Ngài Di Lặc Bồ Tát chấp tay thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Người đời
ác khổ như vậy, Phật đều từ bi thương xót độ thoát tất cả. Con xin nghe
lời ân cần dạy bảo của Thế Tôn không dám sai trái”.
PHẨM BA MƯƠI TÁM
LỄ PHẬT HIỆN ÁNH SÁNG
Đức Phật bảo tôn giả A Nan: “Nếu ngươi muốn thấy đức Vô Lượng Thanh
Tịnh Bình Đẳng và các Bồ Tát A la hán v.v… ở cõi nước đó, nên đứng dậy
quay mặt về phương Tây hướng mặt trời lặn, cung kính đảnh lễ xưng niệm:
Nam Mô A Di Đà Phật”.
Tôn giả A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy mặt hướng về phương Tây, chấp
tay đảnh lễ bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Con nay nguyện được thấy đức
Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc, cúng dường phụng sự, vun trồng các căn
lành.
Khi vừa đảnh lễ liền thấy đức Phật A Di Đà, dung nhan nguy nguy, sắc
tướng trang nghiêm quang minh rực rỡ, cao lớn vượt trên tất cả thế giới.
Lại nghe chư Phật Như Lai khắp mười phương thế giới xưng dương tán thán vô lượng công đức vô ngại vô cùng của đức Phật A Di Đà.
Tôn giả A Nan bạch Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Cõi Phật thanh tịnh kia rất hiếm có, con nguyện mong được sanh về cõi đó”.
Đức Thế Tôn nói những người được sanh về cõi đó đã từng thân cận vô
lượng đức Phật, nhiều thiện căn phước đức, ngươi muốn sanh về cõi đó thì
phải nhứt tâm quy y mong cầu.
Vừa nói lời ấy xong, trên tay đức Phật A Di Đà liền phóng ra vô lượng
tia sáng chiếu khắp thế giới chư Phật, cõi nước chư Phật thảy đều hiện
rõ như ở trước mắt, do quang minh thanh tịnh thù thắng của đức Phật A Di
Đà, nên ở thế giới này như hắc sơn, tuyết sơn, kim cang, thiết vi các
núi lớn nhỏ… sông suối, rừng cây, cung điện của trời, người, tất cả cảnh
giới đều sáng rõ, như mặt trời mọc chiếu sáng khắp thế gian, cho đến
địa ngục, ngạ quỷ, hang hố, thảy đều sáng rõ, đồng một màu sắc, như thời
kiếp thủy tai nước tràn đầy cả, vạn vật chìm ngập, thăm thẳm mênh mông,
chỉ toàn là nước; quang minh của Phật cũng chiếu khắp như vậy, tất cả
quang minh của Thanh văn, Bồ Tát đều bị lu mờ bởi ánh hào quang sáng
chói rực rỡ của đức Phật.
Hàng tứ chúng trong đây, Thiên long, Bát bộ, người và phi nhơn v.v… đồng thấy các sự trang nghiêm của thế giới Cực Lạc.
Đức Phật A Di Đà ở trên tòa cao, oai đức nguy nguy, tướng hảo quang
minh. Các hàng Thanh văn, Bồ Tát cung kính vây quanh, như núi Tu Di đứng
giữa biển cả. Thân Phật sáng rõ chiếu diệu thanh tịnh bình chánh, không
có tạp uế và hình loại quái dị, chỉ có các thứ báu trang nghiêm, Thánh
Hiền chung ở.
Tôn giả A Nan và các chúng Bồ Tát v.v… đều rất vui mừng hớn hở đảnh
lễ năm vóc sát đất xưng niệm Nam mô A Di Đà Tam Miệu Tam Phật Đà. Chư
Thiên và chúng nhơn cho đến loài bò bay xuẩn động đều thấy hào quang ấy
cả. Những kẻ bệnh khổ được hết bệnh khổ. Những kẻ sầu não được giải
thoát, thảy đều có từ tâm làm lành, vui mừng sung sướng. Những nhạc khí
như chuông, khánh, cầm sắt, không hầu không đánh tự trổi.
Chư Thiên và nhân dân trong các cõi Phật khác đều đem hoa hương đến giữa hư không rải xuống cúng dường.
Bấy giờ thế giới Cực Lạc ở phương tây cách xa cả trăm ngàn vô lượng
ức cõi nước, nhờ oai lực của Phật mà thấy rõ như ở trước mắt, như được
tịnh thiên nhãn thấy như khoảng tám thước. Đại chúng ở cõi Cực Lạc cũng
lại như vậy, đều thấy đức Thích Ca Như Lai ở thế giới Ta bà này và chúng
Tỳ kheo vây quanh nghe pháp.
PHẨM BA MƯƠI CHÍN
TỪ THỊ THUẬT CHỖ THẤY
Bấy giờ đức Phật bảo tôn giả A Nan và Từ Thị Bồ Tát rằng: “Các ông có
thấy cung điện, lầu các, ao hồ, rừng cây khắp cả vi diệu trang nghiêm ở
thế giới Cực Lạc không? Các ông có thấy chư Thiên ở cõi Dục cho đến cõi
trời Sắc Cứu Cánh đem hoa hương cúng dường khắp cõi Phật không?”.
Tôn giả A Nan bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Chúng con nhìn thấy”.
“Các ông có nghe tiếng lớn của đức Phật A Di Đà truyền khắp tất cả thế giới để giáo hóa chúng sanh không?”
Tôn giả A Nan bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Chúng con có nghe”.
Đức Phật bảo: “Các ông có thấy chúng tịnh hạnh ở cõi Cực Lạc
nương nơi cung điện đi khắp mười phương cúng dường chư Phật mà không bị
trở ngại không? Và thấy họ liên tục niệm Phật không? Lại có các loài
chim bay giữa hư không, tiếng hót thánh thót, đó là do đức Phật biến hóa
ra không?”
Ngài Từ Thị Bồ Tát bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Như lời đức Thế Tôn nói, chúng con đều thấy cả”.
Đức Phật bảo Di Lặc rằng: “Nhân dân ở nước đó có thai sanh nữa, ông có thấy chăng?”
Ngài Di Lặc bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Con thấy người thế giới Cực
Lạc ở trong thai như ở trong cung điện cõi Dạ Ma Thiên. Lại thấy chúng
sanh ngồi kiết già ở trong hoa sen tự nhiên hóa sanh. Do nhân duyên gì
nhân dân ở cõi đó có hạng thai sanh, hạng hóa sanh?”
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Đăng nhận xét