"Lão Hoà Thượng Tịnh Không luôn thường nhắc nhở những hành giả niệm Phật phải Nhìn Thấu-Buông Xả. Tại sao phải Nhìn Thấu? Tại sao phải Buông Xả? Nhìn Thấu điều gì? Buông Xả những gì?.vv... xin giới thiệu cùng quý đạo hữu bài viết: Nhìn Thấu Là Trí Huệ Chân Thật của Lão Hòa Thượng Thượng Tịnh Hạ Không dưới đây, với lòng mong mỏi sẽ bù lấp vào hành trang niệm Phật mà chúng ta còn đang thiếu, vướng..."
Trích lục từ giảng ký của Lão Hòa Thượng Thượng Tịnh Hạ Không
Minh Trí và Mẫn Đạt chuyển ngữ
Như Hòa nhuận văn
Dẫn nhập
Trong
một buổi giảng trước khóa lễ Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm tổ chức tại
quận Cam (Orange County, Los Angeles) ngày 22 tháng 10-2012, pháp sư
Trang Trí đã giới thiệu cuốn sách Nhìn Thấu Là Trí Huệ Chân Thật. Nói về
nhân duyên biên soạn cuốn sách ấy, pháp sư cho biết: Trước kia, Ngài đã
thấy rất nhiều người niệm Phật vô cùng tinh tấn nhưng tới phút cuối
cùng không buông xuống nổi, vẫn còn lo lắng, chẳng nỡ xa lìa con cái nên
không thể vãng sanh, vô cùng đáng tiếc. Vì muốn giúp cho các hành nhân
Tịnh nghiệp có đôi chút tư lương hòng khắc phục nan đề này, pháp sư và
một vị cư sĩ ẩn danh đã sưu tầm và trích tuyển những lời khai thị trọng
yếu nhất của lão hòa thượng Tịnh Không đối với vấn đề Nhìn Thấu và Buông
Xuống, soạn thành tập sách mỏng ấy, tạm đặt tên là Nhìn Thấu: Chân Trí
Huệ, ấn hành với khổ chữ cỡ lớn để các vị cao tuổi dễ đọc. Chúng tôi hữu
duyên, được đọc tác phẩm này, cảm thấy rất hữu ích đối với những người
niệm Phật sơ cơ như mình nên chẳng nề hà sức học kém cỏi, gắng gượng
chuyển dịch sang Việt ngữ hòng chia sẻ pháp nhũ với các bạn đồng tu.
Sách
này gồm hai mươi sáu đoạn, đoạn thứ ba trích nguyên văn từ sách Liễu
Phàm Tứ Huấn. Nhận thấy Liễu Phàm Tứ Huấn đã được chuyển ngữ và ấn hành
khá nhiều, chúng tôi lược bớt đoạn này, và thay đoạn ấy bằng một đoạn
khai thị khác của hòa thượng. Đoạn thứ hai mươi lăm và hai mươi sáu
chính là lời khai thị của tổ Ấn Quang.
Ngưỡng
mong bản dịch này sẽ góp phần giúp cho các hành nhân sơ cơ Tịnh Độ tín
nguyện kiên cố, nhất tâm nhất ý cầu nguyện vãng sanh, ngõ hầu chẳng cô
phụ đại nguyện của A Di Đà Phật, đại ân tiếp độ của đức Bổn Sư Thích Ca
Mâu Ni Phật, ân đức miệt mài giảng dạy tứ chúng suốt hơn năm mươi năm
qua của lão hòa thượng Tịnh Không, cũng như ân đức sưu tập và biên tập
của pháp sư Trang Trí và vị cư sĩ ẩn danh.
Minh Trí và Mẫn Đạt hòa-nam cẩn bạch.
NHÌN THẤU LÀ TRÍ HUỆ CHÂN THẬT
Trích lục từ giảng ký của Lão Hòa Thượng Thượng Tịnh Hạ Không
Minh Trí và Mẫn Đạt chuyển ngữ
Như Hòa nhuận văn
1.
Điểm thù thắng nhất trong Phật pháp làm cho chúng ta khâm phục đến năm
vóc sát đất là Phật pháp chỉ dạy một cá nhân tôi chứ chẳng dạy ai khác,
đây là điều tôi hiểu rất rõ ràng. Phần đông các đồng tu học Phật cả đời
chẳng đạt được lợi ích, vẫn phải trôi lăn trong lục đạo luân hồi y như
cũ vì họ nghĩ rằng Phật pháp là nhằm dạy người khác. Học Phật pháp rồi
mà cứ luôn xét nét người khác, họ quên quay lại nhìn bản thân mình, đó
là hoàn toàn trái ngược với tinh thần của Phật pháp. Tinh thần của Phật
pháp là nhằm xét đoán chính mình, chứ không xét đoán người khác, người
khác đều là người tốt, đều là Phật, Bồ Tát, những gì người khác làm đều
đúng đắn, đều chính xác. Người khác tạo ác nghiệp là tạo cho ta coi; họ
đọa địa ngục cũng là đọa để răn nhắc ta, làm cho ta cảnh giác. Bất luận
duyên bên ngoài là ác duyên hay thiện duyên, là thuận cảnh hay nghịch
cảnh, hết thảy đều là chư Phật, Bồ Tát từ bi thị hiện cho ta thấy, độ
chính ta, [nếu hiểu như vậy] ta sẽ thành công!
Do
vậy học Phật nhất định phải học Thiện Tài đồng tử, trong năm mươi ba
lần tham vấn của Thiện Tài đồng tử, chỉ có một người [là học trò], chẳng
có đồng tham đạo hữu. Nếu có đồng tham đạo hữu thì đó là phàm phu, kẻ
ấy chẳng thể thành tựu, vì sao? “Vì quý vị chẳng khác gì tôi!”, ngày
ngày đều nhìn thấy lỗi lầm của kẻ khác, chẳng thấy lỗi lầm của chính
mình. Trên đường Bồ Đề chỉ có mình tôi là phàm phu, hết thảy người khác
đều là chư Phật Như Lai, tánh đức trong Thập Đại Nguyện Vương “lễ kính
chư Phật, xưng tán Như Lai” tự nhiên sẽ hiện ra, vì sao? Hết thảy bên
ngoài đều là chư Phật Như Lai, chỉ có mình ta là phàm phu. Mười pháp
giới đều là Chư Phật Như Lai đại từ đại bi biến hiện ra cho ta xem, để
cảnh tỉnh ta, để khuyến cáo ta. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ dạy “Nếu thật sự là người tu đạo chẳng nhìn thấy lỗi lầm của kẻ khác”,
thế gian chẳng có lỗi lầm, chỉ thấy lỗi của mình, như vậy mình mới có
thể thành tựu. Sợ nhất là [ý niệm] “chính mình chẳng có lỗi lầm, đều là
lỗi của người khác”, người đó là chúng sanh trong địa ngục, đó chẳng
phải là người thường. Chúng ta nhất định phải biết “tôi có phải là chúng
sanh trong địa ngục hay không?”, học Phật như vậy thì quý vị mới có
tiến bộ, mới có tiến triển, mới không đến nỗi đọa lạc, trên đường Bồ Đề
quý vị mới có thể thật sự đạt được pháp hỷ, mới đạt được lợi ích chân
thật.
2. Cổ nhân Trung Quốc đã nói rất hay: “Ưu phiền khiến con người già nua”,
con người trở nên già nua [nhanh hơn bình thường]. Nói thật ra, ưu tư,
phiền muộn là nhân tố hàng đầu làm cho con người già nua. Chúng ta phải
buông xuống những chuyện phiền bực trong lòng, đó là những chuyện vướng
bận, lo được lo mất, tất cả những chuyện phiền bực trong lòng đều buông
xuống, phải buông bỏ hết. Chúng ta nhất định phải biết trên thế gian này
chẳng có chuyện gì đáng để chúng ta bận lòng hết, vì sao? Người trong
thế gian chẳng thoát ra khỏi vận mạng, vận mạng đã định sẵn, chúng ta
còn phải bận lòng, lo lắng nỗi gì? Khi học Phật, cả đời này đã được
Phật, Bồ Tát an bài rồi, chúng ta cần gì phải lo lắng? Nếu còn lo lắng
thì Phật Bồ Tát sẽ chẳng an bài sẵn, vậy thì chúng ta phải phiền phức
lắm, mọi chuyện đều phải tự mình bận tâm lo lắng, mệt chết luôn. Do vậy,
hết thảy đều giao cho Phật, Bồ Tát, chúng ta chỉ cần ngoan ngoãn nghe
lời dạy, mỗi ngày tụng kinh, mỗi ngày học Phật là được, hãy làm một đứa
học trò ngoan. Phật, Bồ Tát là người đến chăm sóc chúng ta, chúng ta
muôn vàn đừng vượt ra khỏi quyền hạn, đừng lo tới chuyện của các Ngài,
như vậy thì chúng ta sẽ được đại tự tại.
3.
Nói theo luật nhân quả, trong cuộc đời mỗi người chúng ta, nói thật ra,
số mạng quý vị đã được định trước, chẳng có cách nào vượt khỏi vận
mạng! Vì thế, đại đa số con người khi đi xem tướng, quý vị thấy thầy
tướng số đoán mạng rất chuẩn xác, người ta nói rành rọt quá khứ, hiện
tại, vị lai chẳng sai chút nào, có thể thấy là đều đã được định sẵn! Quý
vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, sách Liễu Phàm Tứ Huấn vô cùng hay, có thể
khiến quý vị khai ngộ, mới hiểu vận mạng suốt đời của mỗi người đã định
sẵn, “một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng được định trước”. Khổng tiên sinh đoán mạng cho Viên Liễu Phàm, mỗi năm ông Viên thu nhập bao nhiêu tiền, phê đoán Bát Tự[1]
rành rẽ, kết toán [chi thu] mỗi năm chẳng sai tí nào, chẳng nhiều hơn,
chẳng ít hơn, trong mạng đã định sẵn rồi. Trong mạng đã được định trước
là có, sẽ luôn có. Trong mạng đã định sẵn không có, cầu cách nào cũng
không được. Vì thế, Viên Liễu Phàm tin vào vận mạng, vọng tưởng gì cũng
chẳng cần nghĩ tới, vì sao? Trong mạng đã định sẵn rồi, ta có muốn cũng
chẳng được! Trong mạng là có thì ta chẳng muốn cũng không được luôn! Coi
như xong, đơn giản là chẳng nghĩ tới nữa! Tâm ông ta thanh tịnh, đắc
Định rồi, mà cũng đắc tam-muội. Ông ta và hòa thượng Vân Cốc hai người
ngồi xếp bằng trong Thiền Đường suốt ba ngày ba đêm, trong tâm chẳng dấy
lên một vọng tưởng nào! Hòa thượng Vân Cốc thấy vậy bội phục vô cùng:
Một người có công phu Thiền Định sâu như thế chẳng dễ có, ba ngày ba đêm
ngồi trên bồ đoàn chẳng dấy lên một vọng tưởng nào! Do vậy, hết sức ca
ngợi ông ta. Ông ta mới cho biết: “Mạng tôi đã được Khổng tiên sinh đoán
sẵn rồi, hết thảy đều biết”. Ông ta nói: “Tôi có suy tưởng cũng uổng
công; nên đơn giản là chẳng nghĩ tới nữa”. Nghe xong, thiền sư Vân Cốc
cười ha hả: “Tôi ngỡ ông là thánh nhân, [nào ngờ] vốn là phàm phu”.
Thánh nhân là công phu thành tựu, còn ông ta là phàm phu, tin tưởng nhân
quả, coi như chẳng cần nghĩ tới, có nghĩ tới cũng uổng công, suy tưởng
đều là vọng tưởng, cớ gì chính mình phải chịu khổ? Vì thế, chẳng nghĩ
tới. Vì thế, ông ta chưa phải là định, mà là hiểu rõ nhân quả.
Chúng ta phải tin sâu nhân quả, “một miếng ăn, miếng uống đều đã định sẵn”,
có thể tin sâu chẳng nghi thì tự nhiên có thể buông xuống, sẽ dám buông
xuống. Nhiều người chẳng dám buông xuống vì sợ nếu buông xuống hết tất
cả thì ngày mai phải làm sao đây? Cứ luôn nghĩ trước, nghĩ sau, chẳng
chịu buông xuống triệt để. Ðây là vì chẳng hiểu rõ Sự Lý, chẳng sanh
khởi lòng tin. Nhưng sự thật là buông xuống càng nhiều thì thâu hoạch
càng nhiều. Giàu sang từ đâu đến? Từ bố thí tài vật mà đến, đây là quả
báo. Quả báo của bố thí pháp là thông minh trí huệ, quả báo của bố thí
vô úy là khỏe mạnh, sống lâu, tóm lại càng bố thí thì được càng nhiều.
Nếu
chẳng thay đổi từ tâm lý, hành vi thì niệm Phật sẽ chẳng được vãng sanh.
Trong kinh nói rất rõ ràng, Tây Phương Cực Lạc thế giới là “nơi những người thiện nhất tụ hội”, nếu tâm hạnh của chúng ta chẳng thiện, làm sao có thể vãng sanh! “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”, tâm thanh tịnh là tâm thiện
lành nhất. Hết thảy tai họa đều từ phiền não sanh khởi, đều từ vọng
tưởng, phân biệt, chấp trước sanh khởi; nếu tâm địa thanh tịnh, những
tai nạn này sẽ tiêu trừ. Xa lìa hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp
trước thì tâm mới được thanh tịnh. Trong kinh Kim Cang có dạy: “Chẳng chấp vào tướng, như như bất động”.
“Chẳng chấp vào tướng” tức là khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài
chẳng bị dụ hoặc, đó gọi là “chẳng chấp tướng”. Ðương lúc tiếp xúc ngoại
cảnh, nếu trong tâm chẳng khởi tham, sân, si, mạn, chẳng khởi vọng
tưởng, phân biệt, chấp trước, đó gọi là “chẳng động tâm”. “Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm”
là tiêu chuẩn của tâm thanh tịnh. Ngàn kinh vạn luận, vô lượng pháp môn
đều giảng về việc này, đều hy vọng chúng ta đạt đến mức này.
Nếu thật sự nhìn thấu (thấy thấu suốt), buông bỏ tự tư tự lợi, niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, trong kinh Di Ðà nói: “Niệm từ một ngày đến bảy ngày”
sẽ được thành công. Những người y giáo tu hành xưa nay niệm Phật vãng
sanh rất nhiều, phổ biến nhất là từ hai đến ba năm đều vãng sanh. Tại
sao có người chẳng nhiều hơn bảy ngày, có người lại phải niệm hai ba
năm? Người tin sâu nguyệt thiết, thực sự niệm đến khi mất hết những tâm
niệm tự tư tự lợi thì tự nhiên cảm ứng hiện tiền, công phu thành tựu.
Chúng ta nhìn thấy có nhiều người ra đi rất tiêu sái (tiêu sái nghĩa là nhàn hạ, chẳng vướng bận) tự
tại, chẳng có bịnh khổ, [làm cho người khác] vô cùng hâm mộ. Tôi thường
nhắc nhở mọi người, chúng ta nhất định phải làm được. Nếu làm chẳng
được thì trong lúc bịnh nặng, thân thể chịu sự sắp đặt của người khác,
tự mình chẳng thể làm chủ, sẽ chẳng nắm chắc việc vãng sanh, thế nên bây
giờ phải dự bị cho tương lai. Phương pháp tốt nhất là chẳng cần người
khác chăm sóc, có thể biết trước ngày giờ ra đi, muốn đi lúc nào thì ra
đi lúc đó. Nhất định phải hạ quyết tâm làm việc này cho bằng được thì
đời này mới chẳng luống uổng. Những việc còn lại toàn là giả, chỉ có
việc này là thật mà thôi. Chúng ta nói về “tự lợi”, đây mới thực sự là
tự lợi.
Cho
dù rất thương mến con cái và người thân của mình, cái tâm phàm phu ấy
cũng không thể gọi là từ bi, vì nó có chứa đựng tâm niệm khống chế,
chiếm hữu trong đó. Mỗi khi khởi lên một tâm niệm gì đều muốn điều
khiển, khống chế [muốn người ta làm theo ý mình], muốn chiếm lấy tất cả
người, sự, và vật, như vậy là sai lầm. Sai ở chỗ nào? Ðức Phật dạy chúng
ta: “Năng sở giai không, liễu bất khả đắc” (năng và sở đều là không, trọn chẳng thể lấy được, có được). Trong sáu trăm quyển kinh Bát Nhã, ba chữ “bất khả đắc” (không thể lấy được, có được) đã lập đi lập lại trên ngàn lần, đó là muốn cho chúng ta ghi nhớ kỹ “bất khả đắc”
là chân tướng sự thật, nếu cứ tưởng tất cả có năng đắc, có sở đắc (có
cái làm chủ thể để đạt được, có cái để mình lấy được), đó đều là ngu si,
vô minh.
Nếu
hiểu thấu tất cả pháp đều không thể có được, năng và sở đều không thể
đạt được thì quý vị sẽ giải thoát. Dùng danh từ hiện nay để nói thì
“giải thoát” tức là tâm lý không có ràng buộc, lo lắng, bận bịu, tâm của
quý vị được tự tại, buông xuống hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp
trước. Nguyên nhân khiến cho chúng ta việc gì cũng không buông xuống
được chính là vì ngu si chưa bị phá trừ, vẫn còn cho là “có năng đắc, có
sở đắc”, trong tâm còn bị ràng buộc, còn lo âu, cho nên sống rất khổ
sở, công phu tu học cũng không đắc lực.
Do vậy đừng nên có tâm riêng tư, dục vọng, tâm niệm muốn chiếm hữu (chiếm đoạt),
tâm niệm chiếm hữu này là căn bản của sanh tử luân hồi, là nguồn gốc
của hết thảy tội nghiệp; chúng ta phải nhổ trừ tội căn này. Tại sao chớ
nên chiếm hữu? Phật dạy: “Hết thảy pháp đều không”, ngạn ngữ cũng nói: “Sanh chẳng mang đến, chết chẳng mang theo”, vậy thì tại sao có thể chiếm hữu cho được? Ðây là nói theo hiện tượng thô thiển, xét sâu hơn thì như Phật dạy: “Nhất thiết chư pháp, nhân duyên sở sanh, vô hữu tự tánh, đương thể tức không, liễu bất khả đắc” (Hết thảy các pháp do nhân duyên sanh, chẳng có tự tánh, đương thể tức không, trọn chẳng thể được). Không chỉ các
vật ngoài thân chẳng thể được, mà ngay cả thân thể này cũng chẳng thể
được. Chẳng có tâm chiếm lấy, chiếm hữu những vật ngoài thân, đối với
thân thể cũng chẳng có ý niệm là thân “của mình”, như vậy thì vấn đề sẽ
được giải quyết. Lúc đó “Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”, quyết định sẽ sanh Tịnh Ðộ. Ðó là giải thoát, ra khỏi lục đạo luân hồi, ra khỏi mười pháp giới.
Nguyên nhân khiến cho người đời nay niệm Phật không bằng người xưa cũng là vì không thể “nhìn thấu, buông xả”. Chữ nhìn thấu (thấy thấu suốt)
là trình độ hiểu rõ đối với trạng thái sanh hoạt hiện thực; nếu chúng
ta không hiểu rõ, ham mê luyến tiếc thế gian thì đương nhiên sẽ không
thể buông xuống. Cho nên quá nửa những người niệm Phật vãng sanh là
những người già bảy tám chục tuổi, vì họ nhìn thấy nhiều, từng trải
nhiều, biết hết thảy những việc trong thế gian đều là hư ảo không thật,
bất luận sống trong cảnh thuận hoặc nghịch, trải qua một thời gian dài
sẽ chán chường, cảm thấy chán ghét cuộc sống, không muốn ở lại thêm nữa,
đến lúc ấy sẽ buông xuống hết, đây là một yếu tố rất quan trọng. Nếu
cảm thấy thế gian này còn rất đẹp đẽ, vẫn còn muốn sống thêm vài năm
nữa, thậm chí muốn sống thêm vài chục năm, vài trăm năm nữa, họ không
thể buông xả, buông xuống thì công phu làm sao có thể đắc lực cho được!
Phật pháp nói đến chuyện giác ngộ tức là giác ngộ việc này.
4.
Có một vị đồng tu mới học Phật chưa bao lâu nhìn thấy những người đã tu
lâu năm, niệm Phật mấy chục năm cũng chưa vãng sanh, hỏi họ có nắm chắc
mình sẽ vãng sanh hay không? Họ lắc đầu, cho nên vị đồng tu sơ học này
mới thắc mắc và hỏi lão hòa thượng: “Mỗi ngày niệm Phật tại Niệm Phật
Đường, thậm chí mỗi ngày niệm Phật suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ,
người như vậy có thể vãng sanh hay không?”
Lão hòa thượng trả lời: “Tôi không thể nói người đó không vãng sanh. Tôi cũng không thể nói người đó có thể vãng sanh”.
Nguyên nhân là gì? Vì vãng sanh cần phải có hai điều kiện.
Điều kiện thứ nhất là lòng tin phải chân thật, tâm nguyện phải thiết tha, đó gọi là “chân tín, thiết nguyện”.
Điều kiện thứ hai là: “Buông xuống vạn duyên”.
Đầy đủ hai điều kiện này chắc chắn được vãng sanh! Thiếu một trong hai điều kiện này chưa chắc vãng sanh được.
Tuy
chúng ta có lòng tin chân thật, tâm nguyện thiết tha muốn vãng sanh,
nhưng trên thế gian này vẫn còn nhiều chuyện vướng mắc trong lòng, chưa
buông xuống được, vậy thì không thể vãng sanh. Cho nên chúng ta phải
buông xuống! Người xưa nói “tin sâu, nguyện thiết”, đầy đủ Tín, Nguyện,
Hạnh nghĩa là nói rõ đã buông xuống hết rồi, như vậy thì mới được. Nhưng
đối với con người hiện thời, nhất định phải giải thích rườm rà thêm một
chút, nói rõ thêm vài câu: Nếu chúng ta đối với thế gian này còn lưu
luyến, còn vương vấn, còn dính mắc, còn ân oán, thí dụ như: “Có người
nào đó đối với tôi có ân, tôi còn chưa báo đáp. Người kia có thù hằn với
tôi, tôi chưa trả thù”, như vậy thì có vãng sanh được hay không? Không
lẽ A Di Đà Phật sẽ đợi chúng ta đền ơn, báo thù xong rồi mới trở lại
tiếp dẫn chúng ta hay sao, lẽ nào như vậy? Vì thế nhất định phải buông
xuống hết những thứ thị phi, nhân ngã, danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục
trần, trong tâm phải trống
rỗng, mảy trần chẳng nhiễm. Sau đó, đầy đủ lòng tin chân thật, tâm
nguyện thiết tha, người như vậy nhất định vãng sanh. Niệm Phật nhiều hay
ít không thành vấn đề.
Nếu
chúng ta không buông xuống được, lòng tin không chân thật, tâm nguyện
vãng sanh không thiết tha, dù mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, cũng
là như người xưa nói “hét bể cổ họng cũng luống công vô ích”, không
phải đã nói quá rõ ràng rồi sao? Người như vậy không thể nào vãng sanh.
Đức
Thế Tôn trong kinh điển đã cảnh cáo chúng ta: “tiền tài, sắc đẹp, danh
vọng, ăn uống, ngủ nghỉ là năm gốc rễ của địa ngục”, nếu phạm một trong
năm thứ này chúng ta sẽ không thể nào vãng sanh được. Nếu năm thứ này
trọn đủ không sót một thứ nào, dù A Di Đà Phật muốn kéo cũng kéo không
nổi, chúng ta còn có thể vãng sanh hay sao? Do vậy chúng ta nhất định
phải chặt đứt những gốc rễ này, chướng ngại vãng sanh của chúng ta sẽ
không còn nữa.
5. Trong
kinh có nói Phật không thể chuyển được Định Nghiệp. Định nghiệp là gì?
Tự mình làm tự mình chịu. Có thể không lãnh nhận hay không? Có thể, khi
ngộ rồi không còn phải thọ nữa, khi mê vẫn phải thọ; cũng có nghĩa là
người đã buông xuống thì không còn phải lãnh nhận nữa, chưa buông xuống
được thì phải lãnh nhận. Chúng ta phải tự hỏi chính mình tự tư tự lợi đã
buông xuống chưa? Nếu chưa buông xuống thì vẫn phải thọ! Tham, sân, si,
mạn đã buông xuống hay chưa? Thị phi nhân ngã đã buông xuống hay chưa ?
Chưa buông xuống, những nghiệp chúng ta gây tạo đời này hoặc đời trước,
thiện nghiệp nhất định có thiện quả, ác nghiệp nhất định có ác báo,
chúng ta hết thảy đều phải lãnh nhận hết, chừng nào chúng ta giác ngộ,
vừa giác ngộ, vừa hồi đầu sẽ khác hẳn. Giống như khi chúng ta nằm mơ
vậy, trong mộng chúng ta còn có cảm nhận hay không? Trong mộng gặp
chuyện vui sướng, chúng ta có lạc thọ; trong mộng gặp tai nạn, chúng ta
có khổ thọ. Một khi tỉnh giấc sẽ không còn nữa! Chỉ là như vậy mà thôi,
khi nào chúng ta từ trong mộng tỉnh dậy sẽ không còn phải lãnh nhận nữa.
6.
Ngày nay chúng ta tu hành, phiền phức ở chỗ nào? Ở chỗ chúng ta thật sự
có phân biệt, thật sự có chấp trước, vậy thì phiền quá, chưa buông
xuống phân biệt, chấp trước của chính mình, chưa buông bỏ được. Phật dạy
chúng ta buông xuống là buông xuống những thứ này, buông xuống vọng
tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình, chẳng phải là của người
khác. Người khác thì sao? Của người khác thì chúng ta phải tùy thuận,
phải thuận theo những vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của họ, và buông
xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình. Trong sự tùy
thuận đó, công đức đã thành tựu. Trong tùy hỷ đã có công đức, thành tựu
Định Huệ cho chính mình. Vì sao phải tùy thuận? Vì không tùy thuận, cảnh
giới tu học của chúng ta sẽ không thể nâng cao. Tùy thuận cảnh giới
nhưng không khởi tham ái, vì sao không khởi tham ái? Chính mình không
còn vọng tưởng phân biệt chấp trước, vì không khởi tham ái thì cảnh giới
chúng ta sẽ được nâng cao. Tùy thuận nghịch duyên, đối với ác cảnh
không khởi tâm sân khuể, vì sao không sanh sân khuể? Vì chính mình đã
không còn phân biệt, chấp trước, cảnh giới của chính mình lại được nâng
cao.
7.
Phật dạy: Trí huệ viên mãn rốt ráo không phải chỉ có chư Phật mới có,
mà hết thảy chúng sanh đều đầy đủ, ai nấy đều không thiếu, hết thảy mọi
người đều có. Đã có, vì sao nay chúng ta lại cảm thấy như là hoàn toàn
không có trí huệ, do nguyên nhân nào? Vì tâm lượng nhỏ nhoi, tâm lượng
không rộng lớn, cho nên trí huệ chúng ta không thể hiện tiền. Trí huệ
thuận theo tâm lượng mà mở rộng, tâm lượng chúng ta càng rộng lớn, trí
huệ chúng ta sẽ càng to lớn. Chư thiên so với cõi người chúng ta trí huệ
càng rộng lớn hơn, do đạo lý nào? Vì họ có tâm lượng lớn hơn chúng ta.
Chư thiên Sắc Giới ngoại trừ tu Thiền Định, còn phải tu Tứ Vô Lượng Tâm,
[tức là] Từ Bi Hỷ Xả, cho nên tâm lượng của họ đương nhiên to lớn hơn
chúng ta, trí huệ rộng lớn hơn chúng ta. Tâm lượng Thanh Văn lớn hơn
[chư thiên trong] cõi trời Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Tâm lượng Bích Chi
Phật lớn hơn A La Hán. Tâm lượng Bồ Tát lớn hơn hàng Nhị Thừa. Tâm lượng
càng lớn thì trí huệ từ trong bản tánh chúng ta lại càng tỏ lộ nhiều
hơn. Vì thế, chớ nên có tâm lượng nhỏ hẹp, tâm lượng hạn hẹp là mê! Cho
tới hàng Đẳng Giác Bồ Tát vẫn còn một phần pháp chấp chưa phá bỏ, vì
thế, tâm lượng của họ không bằng Phật, tâm của Phật mới thật sự đạt đến
viên mãn rốt ráo. Nếu hiểu rõ sự thật này, chúng ta mới hiểu rõ việc mở
rộng tâm lượng rất quan trọng! Bồ Tát tu hành dạy chúng ta xả, bảo chúng
ta buông xuống, xả những gì? Nói thật ra, chính là xả cái tâm lượng nhỏ
nhoi ấy, xả phân biệt, chấp trước. Hễ còn phân biệt, chấp trước thì tâm
lượng không lớn; khi xả hết rồi mới là viên mãn Bồ Đề, tức là đạt đến
vô thượng.
8. Thông
thường mỗi khi có tranh chấp, nhất định là do chấp trước thành kiến của
mình, tự cho mình là đúng. Nếu hai người đều cho là mình đúng nên mới
có sự tranh chấp, nếu anh ấy cho là đúng, tôi không tự nghĩ mình là
đúng, sẽ không có chuyện gì xảy ra. Họ tranh còn tôi nhuờng, tranh cãi
chẳng còn dấy lên. Đánh nhau thì phải do hai người đánh đấm, nếu một
người đánh, một người nhường, chẳng còn đánh nhau nữa! Mắng chửi cũng
vậy, hai người chửi mắng nhau thì mới ầm ĩ, một người mắng, một người
nhịn thì người kia không thể tiếp tục chửi mắng nữa. Từ đây cho thấy,
hai người đánh lộn hoặc chửi mắng nhau, chứng tỏ hai người ngang hàng;
nếu một người cao, một người thấp sẽ chẳng thể cãi nhau được. Người ở
trình độ cao hơn sẽ nhường, sẽ không tranh cãi nữa. Chỗ này chúng ta
phải học hỏi, hễ học được thì trong đời này sẽ có nhiều hạnh phúc. Khi
chúng ta muốn cùng người khác cãi vả, tự mình phải sanh lòng hổ thẹn. Vì
sao? “Tôi cũng giống như họ vậy”, không giống nhau thì làm sao cãi vả
cho được!
Vì
thế, đừng cho mình là đúng, đừng nghĩ rằng mình rất tài giỏi, chớ nghĩ
mình là thông minh nhất, [nếu nghĩ] như vậy sẽ dẫn đến thị phi, sẽ dính
vào nhiều việc phiền phức. Giống như trong xã hội hiện thời thường nói,
chúng ta phải giữ lấy náu mình, như vậy mới là tốt! Chớ nên tranh cãi
với kẻ khác. Nhất là khi học Phật, khởi sự từ đâu? “Chẳng tranh với người, chẳng cầu nơi đời”.
Vô tranh vô cầu là buông xuống hết thảy, hết thảy đều không chấp trước,
niệm Phật vãng sanh không còn chướng ngại. Niệm Phật không thể vãng
sanh là vì chúng ta vẫn còn có tranh giành, chúng ta vẫn còn đòi hỏi,
còn tranh còn cầu thì chính mình chịu thiệt thòi, thiệt thòi quá lớn!.
Không thể vãng sanh thì, vẫn phải tiếp tục trôi lăn trong lục đạo luân
hồi, vậy thì phiền phức to lớn hay không? Thiệt thòi quá to lớn, vì thế,
trước hết phải học “vô tránh” (không tranh). Một đệ tử đức Phật là tôn
giả Tu Bồ Đề đối với hết thảy người, sự, vật đều chẳng tranh giành, đức
Phật Thích Ca Mâu Ni thường khen ngợi Ngài, Ngài đã đắc Vô Tránh
Tam-muội. Thế Tôn tán thán Ngài, biểu dương Ngài là khuôn mẫu, dạy chúng
ta nên học theo Ngài, dụng ý là ở chỗ này.
9.
Bát Nhã đích thực là phải đích thân chứng, chứng như thế nào? Tức là
buông xuống. Khi buông xuống, chúng ta sẽ biết rõ, sẽ hiểu rõ. Nếu không
buông xuống, dù hết thảy chư Phật có dạy chúng ta thì vẫn như “gãi ngứa
ngoài giày”, không dễ gì thấu hiểu được. Chúng ta buông xuống một phần
sẽ thấu hiểu một phần; chúng ta buông xuống hai phần sẽ thấu hiểu hai
phần; buông xuống càng nhiều, thấu hiểu càng nhiều hơn nữa. Vì thế, nhất
định phải từ buông xuống mới thấy được hiệu quả, đấy gọi là Phật pháp
chân chính. Ví như chúng ta đọc trọn khắp Tam Tạng mười hai bộ kinh, đọc
đến thuộc lòng, có thể đọc làu làu từ phần cuối đến phần đầu, nhưng
không thể buông xuống thì vẫn vô dụng, sự hiểu biết về Phật pháp của
chúng ta chỉ là văn tự ngoài da. Thật ra, có hiểu rõ văn tự hay không?
Vẫn là chẳng hiểu văn tự! Cần phải thật sự đích thân chứng đến cảnh
giới, sau đó, xem văn tự trong các kinh do đức Phật đã giảng, chúng ta
mới thật sự hiểu được. Đây chính là chỗ khó khăn trong Phật pháp. Chỗ
khó khăn này cũng chính là chỗ dễ dàng của Phật pháp, vì Phật pháp là
pháp môn Bất Nhị, khó và dễ không hai. Vì sao nói là khó? Không buông
xuống sẽ khó. Học hơn mấy trăm năm, đọc thuộc Tam Tạng mười hai bộ kinh,
nhưng chẳng lãnh hội, không hiểu, không phải là khó hay sao? Tại sao
nói là dễ? Buông xuống sẽ dễ dàng, đã thật sự buông xuống, dẫu chưa đọc
một bộ kinh nào, như Lục Tổ Huệ Năng đại sư chưa từng đọc một bộ kinh
nào, nhưng kinh gì Ngài cũng đều hiểu hết, [nên nói] là dễ. Do vậy khó
hay dễ là ở chỗ nào? Chỉ là chịu buông xuống hay không mà thôi.
10. Kinh Vô Lượng Thọ có nói: “Ái bảo tham trọng, tâm lao thân khổ”
(Tham ái sâu nặng, tâm mệt nhọc, thân khổ sở), chữ “ái” ở đây là tham
ái, chúng ta tham ái vàng bạc, tiền tài, của cải thế gian, tâm tham lam
rất sâu nặng, luôn tưởng rằng có thể giữ lấy, giữ chặt, thật ra, cái gì
cũng không có được, đó chỉ là khởi vọng tưởng mà thôi. Người thế gian
thường nói: “Sanh chẳng đem đến, chết chẳng mang theo”,
vì chúng ta chưa chết nên vẫn còn muốn giữ chặt. Thật ra mỗi người
chúng ta, mỗi buổi tối đều phải chết một lần. Khi ngủ say, cái thân này
có bị khiêng đi, chúng ta đều chẳng biết, huống chi còn muốn giữ lấy
vàng, bạc, châu báu! Thế gian không có một thứ chi là của mình, vì thế,
không có một thứ chi có được, bao gồm cả thân thể chính mình đều không
có được. Ngay cả thân thể còn không có được, huống chi vật ngoài thân!
Do vậy chúng ta phải giác ngộ, nhất định phải mở rộng tầm nhìn, phải
nhìn thấu, khi chúng ta thật sự buông xuống sẽ được đại tự tại, đó mới
hạnh phúc khoái lạc thật sự. Vì thế, buông xuống là lẽ đương nhiên, phải
buông xuống, vì sao? Chẳng thể có được [thứ gì]. Nếu đã là [thứ gì cũng
đều] không thể được, vì sao không chịu buông xuống? Nếu có được, dù ta
không buông xuống đi nữa, Phật cũng vẫn gật đầu, vẫn tán thành, nhưng dù
chúng ta có nghĩ tưởng như thế nào đi nữa, tất cả đều là không, đều
chẳng thể được, đều là trống rỗng! Vì thế, Phật dạy chúng ta buông
xuống, tuyệt đối là đúng đắn. Vì sao Ngài dạy chúng ta buông xuống? Vì
thật sự chúng ta không thể nào có được. Do vậy, người mê hoặc rất tội
nghiệp, “tâm nhọc nhằn, thân khổ sở”, những thứ chúng ta không thể có
lại muốn có cho được, cho nên mới khổ! Thân lẫn tâm đều khổ.
11. Buông xuống rất khó. Tại sao chúng ta không thể buông xuống? Nguyên nhân là vì không nhìn thấu. Nhìn thấu là như thế nào? Chúng ta không thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật của nhân sinh, chân tướng là gì? Kinh Kim Cang dạy: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Đức Phật dạy chúng ta phải thường quán như vậy. Nói đơn giản, Quán nghĩa là “nghĩ tưởng”. Chúng ta phải thường nghĩ gì? Tất cả hết thảy các pháp đều là không, đều là giả. Chúng ta hãy nghĩ về ngày hôm qua, hôm qua đã trôi qua, vĩnh viễn chẳng trở lại nữa. Nói tới hôm nay thì hôm nay cũng đã qua mất, thật sự là một giấc mộng. Đời người mấy mươi năm ngắn ngủi, chớp mắt đã trôi qua mất. Trẻ nhỏ còn ngây thơ, không biết gì, đến Tết rất vui mừng, náo nhiệt, chúng nó thường mong Tết đến, nhưng mỗi năm phải rất lâu mới đến Tết. Còn người lớn, làm việc cực nhọc, hy vọng ngày tháng trôi qua chậm một chút, nhưng lại cảm thấy mỗi năm đều trôi qua rất nhanh.
Đời người đúng là một giấc mộng, lão hòa thượng
thường dạy các bạn đồng tu quán tưởng, phải quán như thế nào? Trước lúc
đi ngủ và lúc thức dậy, chúng ta hãy suy nghĩ cặn kẽ lúc ngủ mê có khác
gì đã chết rồi hay không? Lúc chúng ta ngủ mê, nếu người ta khiêng thân
thể chúng ta đi, chúng ta cũng không hay biết gì hết. Do vậy trên thế
gian này có một vật gì là vật của chúng ta hay không? Đúng là ngay cả
thân thể này cũng không phải của mình, còn thứ gì là của mình nữa? Có
vật gì chúng ta có thể giữ chắc được, có thứ gì chúng ta có thể cất giữ
được? Tất cả đều là giả tạm, đều là nhọc lòng lo lắng uổng công! Chúng
ta thường gọi đó là “dụng tâm sai lầm”. Khi tỉnh giấc nghĩ lại giấc mộng
đêm qua, nghĩ về những cảnh giới trong mộng, sau đó lại nghĩ tới cảnh
giới hiện tại có khác gì không? Nếu thường nghĩ như vậy, mỗi ngày đều
nghĩ về chuyện này, đối với vạn sự vạn vật trong thế gian này tự nhiên
chúng ta sẽ hiểu rõ, sẽ cảm thấy lợt lạt, sẽ chẳng chấp trước nặng nề
nữa, sẽ chẳng tranh chấp nữa. Từ đó, sẽ có thể tùy duyên sống qua ngày,
thật thà niệm Phật.
[Trong
một buổi giảng khác, lão hòa thượng có dạy quán tưởng trước khi ngủ như
sau: “Khi đức Phật đến tiếp dẫn, trước hết Phật sẽ phóng quang gia trì
quý vị, giúp quý vị nâng cao công phu lên gấp đôi. Quý vị hoàn toàn
không có công phu sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ, chuyện gì cũng không buông
xuống, nhưng khi lâm chung phải buông xuống tất cả. Lúc lâm chung nếu
không buông xuống thì Tây Phương Cực Lạc thế giới quý vị sẽ không có
phần. Dù có nhiều người trợ niệm, nhưng quý vị không chịu đi, quý vị còn
lưu luyến [con cái hoặc tài sản trên thế gian này], quý vị vẫn sẽ tiếp
tục luân hồi trong lục đạo, sẽ bỏ lỡ cơ hội vãng sanh trong đời này. Chớ
nên không biết chuyện này. Do vậy lâm chung phải buông xuống!
Chuyện
lâm chung này thật sự là rất khó, lúc bình thường phải luyện tập. Luyện
tập như thế nào? Mỗi tối lúc đi ngủ phải quán tưởng. Quán tưởng như thế
nào?
Đêm nay tôi ngủ trên giường này sẽ vãng sanh, tôi còn việc gì chưa buông xuống được?
Cái
gì cũng không mang theo được, ngay cả thân thể này cũng không mang theo
được. Mỗi đêm đều phải quán tưởng như vậy, dần dần sẽ trở thành một
thói quen, đến lúc lâm chung nhất định sẽ có hiệu quả.
Chẳng
có gì có thể mang theo được hết. Tài sản chẳng mang theo được. Quyền
thế, địa vị chẳng mang theo được. Danh vọng, tiếng tăm, lợi dưỡng chẳng
mang theo được. Tình thân chẳng mang theo được. Trong tâm quý vị phải
hiểu rõ. Những thứ quý vị lưu luyến hoàn toàn là vọng tưởng. Nếu quý vị
có thể tưởng, nếu tưởng là thiệt, quý vị còn có thể mang theo, vậy thì
cũng nên tưởng. Đằng này tưởng cũng vô dụng, hà tất phải tưởng! Thời
thời khắc khắc phải nghĩ Phật sẽ đến tiếp dẫn, tôi sẽ đi theo Ngài, hết
thảy mọi chuyện trên thế gian này tôi không màng tới, những chuyện đó
chẳng liên can gì với mình. Một khi tới Tây Phương Cực Lạc thế giới,
muốn gì được nấy, chẳng cần phải bận tâm gì hết. Vật gì tốt đẹp trên thế
gian này quý vị cũng mang theo không được. Vật xấu nhất ở Cực Lạc thế
giới cũng tốt hơn vật ở đây, không biết là tốt hơn bao nhiêu lần; do vậy
Cực Lạc thế giới đích thật rất hấp dẫn, quyến rũ.”]
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Đăng nhận xét