Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Thước Đo Cuộc Sống


"Chúng ta thử bình tâm ngồi lại, quán xét một ngày trôi qua, liệu chúng ta có được bao nhiêu niềm vui? Có được bao nhiêu hạnh phúc...?"





Kava Nguyễn - Bài gửi từ trong nước
 
Xã hội bây giờ khác xưa nhiều lắm, nó chẳng giống cái xã hội mà bố tôi hay kể vào mỗi buổi trưa để cho chúng tôi ngủ chút nào. Tụi con nít chúng tôi chẳng bao giờ chịu ngủ trưa, cứ chạy nhông nhông ngoài đường chơi bắn bi, bắt chuồn chuồn giữa trưa nắng chang chang. Để dụ tụi tui vào nhà bố tôi lại kể ra một xã hội ngày xửa ngày xưa, nơi mà lòng can đảm, trung thực, thật thà, của chàng Thạch Sanh được tôn vinh, nơi mà cái ác, sự tham lam được kể ra như một sự thất bại và xấu xa cần phải dẹp bỏ.Thật hay phải không các bạn? Bố tôi chỉ kể có vài câu chuyện vòng qua vòng lại, ngày nào cũng kể mà chúng tôi cứ im thin thít mà nghe say xưa. Nghe về chàng Thạch Sanh thật thà dũng cảm; Nghe về cô Tấm đảm đang hiền dịu; Nghe về lòng thủy chung của sự tích trầu cau…
Chúng tôi đã lớn lên từ những câu chuyện cổ tích đó, và luôn lấy những điều hay lẽ phải, những đức tính tốt đẹp của các nhân vật chính trong truyện làm thước đo, mục đích cuộc sống cho chính mình.

Nhưng xã hội ngày nay khác xưa nhiều lắm, bởi hình như mọi người chỉ biết lấy tiền tài, danh vọng làm thước đo cuộc sống cho mình.

Gần đây, những ngày lễ, tết về quê gặp mọi người, bà con cô bác, bạn bè thân thiết. Gặp 10 người thì 10 người đều hỏi: Làm ăn sao rồi? Lương tháng bao nhiêu? Lên chức gì rồi? Mua nhà chưa?...v.v. Đại loại là những câu hỏi hệt như “thẩm vấn” như vậy. Mình thì rất chân tình, có sao nói vậy, và thật thà khai báo hiện trạng của bản thân… Những người có thu nhập cao hơn thì có vẻ hơi đắc ý, và dường như còn có phần  muốn thể hiện, khoe khoang sự thành đạt của mình… Với những có thu nhập thấp hơn một chút, khi được hỏi họ cũng liền kể ra anh này, chị kia… tui biết cũng làm ngành nghề đó nhưng có thu nhập cao hơn nhiều… Ngồi nghe mọi người kháo chuyện, tôi chỉ còn biết cười cười cho phải đạo. Duy chỉ có mấy cụ già thấy tôi  khỏe mạnh vui cười, tay bắt mặt mừng.

http://media.tinmoi.vn//2011/11/21/47_16_1321866705_65_anh-doanh-nhan-thanh-dat.jpg
Cứ ngỡ những chuyện hỏi thăm nhau suồng sã như vậy chỉ có ở những vùng quê, nhưng vào thành phố cũng vậy. Gặp lại các bạn học, những người quen cũng lại là những câu hỏi tương tự, thật chán phèo. 
Đã nhiều lần tôi tự hỏi: Phải chăng cuộc sống bây giờ người ta chỉ còn biết nhìn, đánh giá nhau bằng những bộ quần áo đẹp, những chiếc xe sang trọng, hay những căn biệt thự, vila đắt tiền… và họ lấy những thứ đó làm thước đo cho hạnh phúc, rồi mê mải lao vào những cuộc kiếm tiền bất tận, để rồi họ họ không còn một chút thời giờ nào rảnh rỗi, hay nghỉ ngơi để ngắm trăng mà suy tư về những điều mình đang làm…

 Cổ nhân từng nói: Tiền của chỉ là vật ngoài thân! Nhưng cũng vì những vật ngoài thân đó mà giới trẻ bây giờ làm những chuyện nhiều khi không thể hiểu nổi. Những chuyện cướp giật, giết hại người thân, đồng loại… để có chút tiền tiêu chơi với bạn bè, hay mua sắm, tân trang cho mình … không còn là những chuyện hi hữu nữa.

http://tusachphathoc.com/gallery/images/hinh-cac-duc-phat/hinh-phat-di-lac/dilac10.jpg

Nên chăng chúng ta phải bình tĩnh mà quan sát, đừng ráng chạy đua theo các trào lưu xã hội, rồi không kể lợi, hại, đánh mất bản thân mình. Xem xung quanh chúng ta, những gia đình giàu có, ngoài những của cải, vật chất hào nhoáng mà họ có, đang tiêu sài đó liệu họ có những khó khăn gì không? Họ có đau khổ, buồn phiền gì không? Nếu họ thực sự sống trong hạnh phúc thì đó là thành công, đáng ngưỡng mộ. Nhưng thực tế là dẫu họ có tiền của cao như núi họ vẫn không tránh khỏi những đau khổ, muộn phiền, bất hạnh. Nhìn theo góc độ người đời thì đó là thất bại, hay bất hạnh, nhưng chiếu xét theo nhãn quang của đạo Phật thì những bất hạnh, đau khổ của thế gian đều có cội nguồn của nó. Vấn đề đặt ra là: Ai có thể tự mình hay dũng mãnh tìm ra cội nguồn của sự khổ đau đó? Rất nhiều phim ảnh, báo chí… cũng nói lên điều này: Người giàu cũng khóc! Nhưng chắc tại những thứ vật chất khác có sức quấn hút mãnh liệt quá nên tâm trí chúng ta đã bị lu mờ mà chúng ta không thấy được điều đó mà thôi.

Chúng ta là những người có phước lành được học, được nghe giáo lý của đạo Phật, nên chăng chúng ta hãy chung lòng xây dựng và chia sẻ những giáo lý ấy để xây dựng một xã hội mà ở đó, xung quanh chúng ta chỉ còn sự vui tươi, chân thành, hạnh phúc… Dẫu biết đó là việc nan khó, nhưng đó là con đường mà chúng ta nên hướng tới và làm theo.

Trong kinh Bát Đại Nhân Giác Đức Phật đã dạy:
“… An bần thủ đạo
Duy tuệ thị nghiệp” .

Có nghĩa:
Cam nghèo giữ đạo là hơn,
Lầu cao trí tuệ chẳng khờn dựng lên.

Câu kệ trên như một lời nhắc nhở: Trong cuộc sống đời thường cũng như tu đạo, dẫu cho thân lâm cảnh nghèo khó cũng phải giữ đạo (cốt cách-tâm đạo) và chúng ta nên lấy trí tuệ làm nên sự nghiệp chứ không nên lấy sự giàu sang, phú quý, cuộc sống sa hoa hay chùa to, chùa lớn làm sự nghiệp; nên lấy sự an vui hạnh phúc (an lạc tâm) làm thước đo trong khi làm việc hay tu tập, chứ không phải lấy số lượng, thành tích (như niệm bao nhiêu câu Phật hiệu; ngồi thiền bao nhiêu lâu…) hay thành quả mà làm việc, mà làm công đức… và dùng những điều đó làm thước đo, làm chuẩn mực hay sự thành công trong quá trình làm việc và tu tập của mình.

Chúng ta thử bình tâm ngồi lại, quán xét một ngày trôi qua, liệu chúng ta có được bao nhiêu niềm vui? Có được bao nhiêu hạnh phúc?... Nhận biết được điều đó, bạn sẽ thấy một ngày qua đi với tôi - với bạn - với chúng ta là một ngày thành công hay thất bại???
Kava Nguyễn 21.03.2013


4 Kommentare:

cảm ơn bạn đã đăng bài, chúc mọi người an lạc

cảm ơn bạn đã đăng bài chúc mọi người an lạc

cảm ơn bạn đã đăng bài chúc mọi người an lạc

A Di Đà Phật

Cảm ơn bạn đã hồi âm. Cầu chúc bạn cùng gia đình cuộc sống luôn được an lành và hạnh phúc.
BBT

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites