"Tai nạn do lửa, nước, gió, quỷ, thiên tai, địa chấn, binh đao,
vương nạn…, gốc vẫn từ nơi tham dục, sân hận, ngu si, chấp ngã của con người mà
sinh ra..."
- kinh Pháp Hoa -
Thích Thái Hòa
II. PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH
Phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa có nêu lên các phương pháp thực
hành như sau:
1- Giới học Phổ Môn:
Bài kệ sau đây là tiêu biểu cho giới học Phổ Môn:
“Bi thể giới lôi chấn
Từ ý diệu đại vân
Chú cam lồ pháp vũ
Diệt trừ phiền não diệm”.
Nghĩa là:
Giới pháp thể đại bi
Khởi thân oai như sấm
Diệu pháp tâm đại từ
Như mây lớn phủ khắp
Rưới mưa pháp cam lồ
Dập tắt lửa phiền não.
Giới pháp của Phổ Môn, giới pháp ấy từ nơi bản thể đại bi do đại
nguyện vô tận của ý, đại thệ vô tận của ngữ và đại hạnh vô tận của thân mà sinh
khởi và thành tựu.
Nên, Giới pháp nầy được gọi là Giới pháp Phổ môn. Giới pháp Phổ
Môn lấy tâm đại bi làm bản thể; lấy tâm đại từ làm dụng, lấy hết thảy các tướng
làm thân tướng cứu độ và sử dụng hết thảy âm thanh làm đối tượng quán âm để diễn
bày diệu pháp.
Do đó, Giới Học Phổ Môn không phải chỉ giới hạn trong một thời mà
tất cả thời. Không phải chỉ giới hạn trong một xứ mà tất cả xứ; không phải chỉ
giới hạn trong một thân mà tất cả thân, không phải chỉ giới hạn trong một chủng
loại mà tất cả chủng loại.
Như vậy, ta hành trì theo Giới Học Phổ Môn, thì bất cứ lúc nào, bất
cứ ở đâu và bất cứ biểu hiện thân gì, ta đều hành động theo bản thể đại bi và
theo tâm ý đại từ, để dập tắt phiền não cho hết thảy chúng sanh, đem lại sự an
lạc cho muôn loài.
2- Định Học Phổ Môn:
Bài kệ sau đây là tiêu biểu cho Định Học Phổ Môn:
“Chân quán, thanh tịnh quán,
Quảng đại trí tuệ quán,
Bi quán cập từ quán,
Thường nguyện, thường chiêm ngưỡng”.
Nghĩa là:
Quán chiếu đúng sự thật
Quán chiếu thật thanh tịnh
Quán chiếu trí tuệ lớn
Quán chiếu bằng đại bi
Quán chiếu bằng đại từ
Thường ước nguyện tu tập
Thường chiêm nghiệm ngưỡng mộ.
Trong bài kệ nầy đã đưa ra năm phương pháp thiền quán hay Định Học
Phổ Môn như sau:
2/1 Chân Quán:
Chân là chân thật, sự thật. Quán là nhìn sâu vào đối tượng. Đối tượng
để cho ta nhìn sâu vào có thể là thân thể, có thể là các cảm giác, có thể là chủng
tử tâm hành, có thể là các pháp ngoài tâm như sắc, thanh, hương, vị, xúc và
pháp, và cũng có thể là các pháp ở nội tâm, như những ảnh tượng của sắc, thanh,
hương, vị, xúc và pháp đang tồn đọng trên tâm, hoặc đã thành chủng tử và đang
chìm sâu vào tàng thức. Và đối tượng để nhìn sâu ấy, cũng có thể là tổng thể của
năm uẩn hay tự thân của mỗi uẩn.
Như vậy, Chân Quán là nhìn sâu vào các đối tượng để phát hiện sự
thật đang có mặt ở nơi những đối tượng ấy.
Sự thật ở nơi các đối tượng mà Chân Quán Phổ Môn phát hiện là:
+ Hết thảy pháp không có pháp nào có tự thể thực hữu.
+ Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, và hạt giống Phật cũng
sinh khởi do duyên.
+ Giáo pháp trong tam thừa là do đức Phật vận dụng, nên chúng là
giả lập.
+ Nhất thừa pháp là pháp cứu cánh, pháp chân thật của chư Phật
giáo hoá.
+ Bản thể chân như ở nơi các pháp đang sinh diệt của thế gian là bất
diệt, nên bản thể tịch diệt của thế gian là bản thể thường trú, do đó đức Phật
nói Nhất thừa để làm cho chúng sanh thấy được bản thể chân như ấy mà ngộ nhập.
Nên, Chân Quán là pháp quán của Phổ Môn, pháp quán ấy làm cho hành
giả Pháp Hoa thường ước nguyện tu tập, thường ngưỡng mộ và thường chiêm nghiệm.
2/2 Thanh Tịnh Quán:
Thanh Tịnh là trong sạch, trong sáng, không còn dơ bẩn.
Thanh Tịnh Quán là sự quán chiếu có nội dung thanh tịnh. Sự quán
chiếu trong suốt, sự quán chiếu không còn bị vô minh, khát ái, chấp thủ và nghiệp
hữu làm vẩn đục. Và thanh tịnh quán là quán chiếu để thấy rõ bản thể vắng lặng ở
nơi mọi sự hiện hữu.
Thanh Tịnh Quán là sự quán chiếu trong suốt, không bị ngã tưởng
ngăn ngại.
Do đó, Thanh Tịnh Quán là sự quán chiếu thấy rõ:
+ Giới thể đại bi là giới thể hoàn toàn thanh tịnh và châu biến
pháp giới.
+ Báo thân và ứng hóa thân từ nơi pháp thân thanh tịnh mà hiện khởi
để hóa độ chúng sanh.
+ Tích môn và hạnh môn từ nơi bản môn mà hiện khởi.
+ Phật tính là bản nguyên tự tánh thanh tịnh của hết thảy chúng
sanh.
+ Và bản thể của các pháp xưa nay thường thanh tịnh và vắng lặng.
Nên, Thanh Tịnh Quán là pháp quán của Phổ Môn, pháp quán ấy là
xuyên suốt mọi pháp quán, khiến cho tâm của hành giả vẫn thường trú trong Niết
Bàn mà thân của hành giả thì phổ biến cùng khắp cả mười phương để hóa độ chúng
sanh mà vẫn không rời đương xứ tịch diệt.
Do đó, pháp quán nầy là pháp quán mà hành giả Pháp Hoa thường ước
nguyện tu tập, thường ngưỡng mộ và chiêm nghiệm.
2/3 Quảng Đại Trí Tuệ Quán:
Quảng Đại Trí Tuệ là trí tuệ rộng lớn. Trí tuệ rộng lớn là Đại Bát
Nhã.
Quảng Đại Trí Tuệ Quán là sự quán chiếu bằng trí tuệ rộng lớn.
Quán chiếu bằng trí tuệ rộng lớn, không những thấy tự tánh của năm
uẩn là không, mà còn thấy tự thân của mỗi uẩn cũng đều là không, vốn không có tự
tánh.
Do đó, Quảng Đại Trí Tuệ Quán là sự quán chiếu thấy rõ:
+ Ngã và pháp đều không
+ Thực tướng của các pháp là tịch diệt tướng, vô tướng, hay là
không tướng.
+ Phiền não và Bồ đề không phải là hai thực thể tách biệt.
+ Niết Bàn và sinh tử, Phật và chúng sanh là hai mặt biểu hiện của
tâm.
2/4 Bi Quán:
Bi là đại bi, là khả năng cứu độ rộng lớn. Khả năng cứu độ ấy,
không phải trong một chủng loại mà hết thảy chủng loại, không phải trong một
phương mà khắp cả mười phương, không phải một pháp giới mà cả thập pháp giới.
Khả năng cứu độ như vậy gọi là đại bi
Như vậy, Bi Quán là khả năng quán chiếu để thực hiện hạnh nguyện cứu
độ rộng lớn, cứu độ toàn diện và cùng khắp.
Nên, Bi Quán là khả năng quán chiếu, để thấy rõ thể tánh chơn như
giữa chủ thể cứu độ và đối tượng được cứu độ không phải là hai, chúng thiệp nhập
vào nhau và nhất thể.
Do đó, Bi Quán là khả năng quán chiếu để xâm nhập vào thể tính bất
nhị của pháp giới; và thường trú trong thể tính bất nhị ấy, mà biểu hiện thân
tướng và bản nguyện để cứu khổ chúng sanh khắp cả pháp giới. Do Bi Quán mà khởi
lên hạnh nguyện: “Tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn và đoạn trừ vô tận phiền
não”.
Nên, Bi Quán là pháp quán của Phổ Môn, pháp quán ấy làm cho hành
giả Pháp Hoa thường ước nguyện tu học, thường ngưỡng mộ và chiêm nghiệm.
2/5 Từ Quán:
Từ là đại từ, là khả năng thương yêu và hiến tặng niềm vui rộng lớn
cho tất cả muôn loài.
Khả năng ấy, không phải chỉ đối với một chủng loại mà hết thảy cả
muôn loài; không phải chỉ đối với một phương mà khắp cả mười phương; không phải
chỉ đối với một pháp giới mà khắp cả mười pháp giới. Khả năng thương yêu và hiến
tặng niềm vui như vậy, gọi là đại từ.
Như vậy, Từ Quán là khả năng quán chiếu để thực hành hạnh nguyện
thương yêu rộng lớn, toàn diện và cùng khắp, đem lại sự an lạc cho hết thảy
chúng sanh.
Nên, Từ Quán là khả năng quán chiếu và ôm ấp nỗi đau và Bi Quán là
khả năng quán chiếu để chuyển bạt nỗi đau thành những chất liệu hạnh phúc an lạc
cho chúng sanh.
Bi Quán là bản thể cứu độ và Từ quán là tác dụng của sự cứu độ; Bi
quán có khả năng đoạn trừ Tập đế, từ quán có khả năng đoạn trừ Khổ đế.
Do đó, Từ Quán là khả năng quán chiếu để xâm nhập vào mọi hiện trạng
khổ đau của toàn thế chúng sanh trong pháp giới, nhằm thấy rõ thể tính chơn như
giữa chủ thể thương yêu và đối tượng được thương yêu không phải là hai thực thể
tồn tại cá biệt, mà chúng tương tác lên nhau và có mặt trong nhau.
Phân đoạn sinh tử và biến dịch sinh tử là những nỗi sợ hãi thâm
sâu, không phải là cá biệt mà là phổ biến cho hết thảy muôn loài, nên Từ Quán
là khả năng mở rộng tấm lòng, mở rộng tầm nhìn và mở rộng vô số cánh tay để ôm ấp
hết thảy chúng sanh đang bị những nỗi sợ hãi ấy vào lòng, vào nơi Từ nguyện của
mình và dùng Từ tâm để xoa dịu và soi sáng; đồng thời dùng Bi quán để chuyển bạt
không những những hạt giống vô minh, khát ái, chấp thủ tự ngã nơi tâm thức
chúng sanh, mà còn chuyển bạt những hạt giống vô minh trụ địa, là những hạt giống
lưu trú và lặn chìm tận đáy sâu tâm thức, nơi gốc rễ chế tác ra những vô minh,
vọng tưởng về những ngã ái và pháp ái của chúng sanh nữa.
Nên, Từ Quán của Phổ Môn là khả năng biểu hiện vô số thân tướng
tươi mát để đối thoại, chia sẻ và cảm thông với vô lượng nỗi khổ đau của chúng
sanh, nhưng Bi quán của Phổ môn lại có khả năng biểu hiện vô số thân tướng hùng
tráng để trực diện và thọc sâu vào tâm thức của chúng sanh, nhằm đánh bạt những
sào huyệt tập khởi của chúng, nơi mà đã chế tác ra những chất liệu khổ đau.
Bi Quán có khả năng xóa sạch mọi vết thương lòng, mọi cấu uế của
tâm và Từ quán lại có khả năng chăm sóc, khiến cho vết thương lòng không tái
phát, và những cấu uế của tâm không còn điều kiện để biểu hiện.
Bởi, Từ Quán và Bi Quán của Phổ Môn là vậy, nên hành giả Pháp Hoa
thường ước nguyện tu học, chiêm nghiệm và ngưỡng mộ pháp quán ấy.
3.- Tuệ Học Phổ Môn:
Tuệ Học Phổ Môn, ta thấy được diễn tả trong bài kệ sau đây:
“Vô cấu thanh tịnh quang
Tuệ nhật phá chư ám,
Năng phục tai hỏa phong
Phổ minh chiếu thế gian”.5
Nghĩa là:
Ánh sáng trong không bẩn,
Mặt trời tuệ phá ám,
Điều phục nạn gió lửa,
Chiếu sáng khắp thế gian.
Bài kệ nầy nói lên Tuệ học của Phổ Môn.
Nói rằng, Tuệ học của Phổ Môn thanh tịnh, không ô nhiễm, nên không
còn bị các phiền não làm chướng ngại và cũng không bị vô minh làm chướng ngại
tuệ giác.
Nên, Tuệ học Phổ Môn có ba tác dụng cùng khắp và toàn diện:
3/1 Toàn diện đối với tâm:
Đối với tâm Tuệ Học Phổ Môn có khả năng phá sạch hết phiền não chướng,
sở tri chướng, đưa tâm trở lại với bản nguyên tự tánh thanh tịnh. Nên hai câu kệ
đầu nói:
“Vô cấu thanh tịnh quang
tuệ nhật phá chư ám”.
“Vô cấu thanh tịnh quang” (ánh sáng trong, không dơ bẩn), là bản thể của tuệ
giác, hay bản thể của tuệ học, và là bản thể của Niết Bàn tịch tịnh.
Do đó, “Vô cấu thanh tịnh quang” là một cách nói khác về Diệt đế.
Còn, “Tuệ nhật phá chư ám”, (mặt trời tuệ phá ám) là tác dụng của
bản thể tuệ giác, hay tác dụng của bản thể tuệ học đối với các loại vô minh phiền
não của chúng sanh trong pháp giới.
Hay nói cách khác, ấy là tác dụng của Diệt đế đối với Tập đế.
3/2 Toàn diện đối với cảnh:
Đối với cảnh, Tuệ Học Phổ Môn có khả năng tác động làm thay đổi cảnh
khổ đau thành cảnh an lạc, cảnh tai nạn thành cảnh an toàn.
Nên, câu kệ thứ ba nói: “Năng phục tai phong hoả” (điều phục nạn
gió, lửa). Chỉ có Tuệ giác Phổ Môn mới có khả năng điều phục và chuyển hóa các
tai nạn ở trong thế gian, mà câu kệ nêu lên hai tai nạn tiêu biểu là gió và lửa,
nhưng tai nạn thâm sâu của thế gian là bị sinh tử, là sự sống chết không có tự
do.
Tai nạn do lửa, nước, gió, quỷ, thiên tai, địa chấn, binh đao,
vương nạn…, gốc vẫn từ nơi tham dục, sân hận, ngu si, chấp ngã của con người mà
sinh ra.
Nên, điều phục và chế ngự các tai nạn ấy, chính là điều phục và chế
ngự tâm xấu ác của con người, bằng Tuệ Giác Phổ Môn.
Với Tuệ Học Phổ Môn, ta điều phục và chế ngự các tai nạn thuộc Khổ
đế bằng cách chế ngự và chuyển hoá những hạt giống gây ra tai nạn đang được
huân tập và sinh khởi từ Tập đế.
Với sự điều phục và chế ngự như vậy, là sự chế ngự và điều phục
tai nạn, điều phục Khổ đế có tính cách xuyên suốt và phổ biến từ nhân tới quả.
Đó là sự điều phục và chế ngự tai nạn của Tuệ Giác Phổ Môn.
Hay nói cách khác, đó là sự điều phục và chế ngự tai nạn của Đạo đế
đối với Khổ đế và Tập đế.
3/3 Toàn diện đối với cả tâm và cảnh:
Tuệ Học Phổ môn soi chiếu cùng khắp tâm và cảnh của hết thảy chúng
sanh trong pháp giới, đem lại lợi ích cho cả thế gian và xuất thế gian. Nên,
câu sau cùng của bài kệ là “Phổ minh chiếu thế gian” (chiếu sáng khắp thế
gian), tuệ giác ấy soi chiếu một cách bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh
trong pháp giới không có kỳ thị, phân biệt, không bị ngăn che bởi cái gì. Và
ánh sáng ấy cũng soi chiếu một cách bình đẳng đối với các bậc Hiền thánh ở
trong các địa vị tu chứng, nhưng chúng sanh và các bậc Hiền thánh, tuỳ theo
nhân duyên của mình, mà tiếp nhận và tiêu thụ ánh sáng tuệ giác ấy để thay đổi
tâm cảnh, chuyển hoá thân tâm, nhằm trở thành và thể nhập hoàn toàn với tuệ
giác ấy.
Do đó, “Phổ minh chiếu thế gian” là tuệ giác soi chiếu cùng khắp,
nên cả chủ thể và đối tượng soi chiếu đã thiệp nhập vào nhau và cùng khắp trong
nhau, không còn có bất cứ một sự ngăn ngại nào.
“Phổ minh chiếu thế gian” là tuệ giác toàn diện, tuệ giác xuyên suốt,
từ bản thế đến hiện tượng, từ tâm đến cảnh, từ pháp thân đến ứng hóa thân, từ
nhân đến quả, từ thể tính nhất như mà xuyên suốt hết thảy vạn tượng.
Bởi vậy, Tuệ Học Phổ môn là tuệ học xuyên suốt và toàn diện cả bản
thể lẫn hiện tượng, cả tâm lẫn cảnh, cả Phàm lẫn Thánh.
Ngoài bài kệ trên, ta còn có bài kệ nói rõ về sự thực tập Tuệ Học
Phổ môn như sau:
“Diệu âm,
Quán Thế âm,
Phạm âm,
Hải Triều âm,
Thắng bỉ
thế gian âm,
Thị cố tu
thường niệm”.6
Nghĩa là:
Tiếng nhiệm, tiếng nhìn đời
Tiếng phạm, tiếng hải triều
Tiếng vượt hẳn thế gian
Nên phải thường quán niệm.
Bài kệ nầy giúp ta năm phương pháp quán chiếu của Tuệ học:
1. Diệu Âm: là âm thanh mầu nhiệm, âm thanh tinh tế và sâu thẳm.
Mọi âm thanh biểu hiện đều do duyên khởi không có tự tánh, và do
không có tự tánh, nên mọi biểu hiện của mọi âm thanh đều là diệu hữu và vì là
diệu hữu, nên âm thanh ấy gọi là Diệu Âm. Và chỉ có Diệu Âm mới diễn xướng diệu
pháp.
Nên, hành giả Pháp Hoa phải lắng nghe mọi âm thanh phát ra từ các
pháp duyên khởi, để thành tựu diệu trí, ngộ nhập diệu âm mà diễn xướng diệu
pháp, và phổ cập diệu pháp đến cả muôn loài, nhằm khai, thị, ngộ, nhập Phật tri
kiến cho họ.
2. Quán Thế Âm: là âm thanh do nhìn cuộc đời mà diễn xướng; do
quán chiếu về duyên khởi, về vô thường, về vô ngã mà nói ra; do quán chiếu về
Khổ đế và Tập đế mà nói ra; do quán chiếu về Diệt đế và Đạo đế mà nói ra; do
quán chiếu tính chất lưu chuyển và hoàn diệt của nguyên lý Mười hai duyên khởi
mà nói ra; do quán chiếu năm uẩn đều không có tự tánh mà nói ra; do quán chiếu
tự tánh thanh tịnh của Lục độ mà nói ra; do quán chiếu Bồ đề hiện khởi từ phiền
não mà nói ra; do quán chiếu Niết bàn có mặt ở trong sinh tử mà nói ra và do
quán chiếu mà thấy hết thảy chúng sanh đều có Phật tính và đều có khả năng
thành Phật mà nói ra. Tiếng nói phát ra từ sự quán chiếu như vậy, gọi là Quán
Thế Âm.
Như vậy, Quán Thế Âm là tiếng nói nhìn vào cuộc đời mà nói, trực
diện với cuộc đời mà nói, nói đúng với tự thân của mọi sự hiện hữu giữa cuộc đời.
Tiếng nói như vậy là tiếng nói của chân trí đã thể nhập chân lý.
Và trí lý bất nhị.
Nên, hành giả Pháp Hoa, phải học tiếng nói nhìn cuộc đời mà nói, để
ngay nơi tiếng nói ấy là tiếng nói của diệu pháp, tiếng nói của Pháp Hoa, tiếng
nói có khả năng khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến cho hết thảy muôn loài.
3. Phạm Âm: là âm thanh giống Phạm thiên. Theo Bà La Môn giáo, Phạm
Thiên là chúa tể sinh ra muôn loài, nên âm thanh của Phạm Thiên là âm thanh
trong sạch và là khởi điểm của mọi âm thanh.
Nhưng, Phạm âm của Phổ Môn không phải hiểu theo nghĩa ấy.
Phạm âm của Phổ Môn là tiếng nói chân thật, tiếng nói đúng với thể
tính chân như, đúng với giới thể đại bi, với thân tướng đại từ, với những hành
động đại hỷ và đại xả.
Do đó, Phạm âm là tiếng nói phát ra từ bản thể đại bi. Ấy là tiếng
nói của bình lặng và hùng tráng, có khả năng khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến
cho hết thảy muôn loài.
Đây là tiếng nói mà hành giả Pháp Hoa phải thường học tập và quán
chiếu để thể nhập, nhằm tuyên diễn diệu pháp, khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến
cho hết thảy chúng sanh.
4. Hải Triều Âm: là âm thanh của sóng biển, tiếng nói của sóng biển,
là tiếng nói sinh động phát ra từ pháp giới trùng trùng duyên khởi. Nên, tiếng
nói nầy, không làm trở ngại tiếng nói kia, tiếng nói kia không làm trở ngại tiếng
nói nầy, chúng tương tác lên nhau mà âm thanh phát ra liên tục và vô tận.
Âm thanh như vậy, là đối tượng của trí quán, để phát hiện ra tính
không, không làm trở ngại hữu, và tính diệu hữu không làm trở ngại không. Chính
tính không là diệu hữu và chính diệu hữu là tính không, chúng tương dung, tương
nhiếp với nhau.
Do tuệ quán đối với âm thanh của sóng biển như thế, mà thành tựu
trí tuệ chân thật, trí tuệ toàn giác.
Đây là tiếng nói mà hành giả Pháp Hoa phải thường học tập, quán
chiếu và thể nhập, để có khả năng diễn xướng diệu pháp nhằm khai, thị, ngộ, nhập
Phật tri kiến cho muôn loài.
5. Thắng Bỉ Thế Gian Âm: là âm thanh vượt hẳn mọi âm thanh ở trong
đời. Ấy là âm thanh xuất thế.
Như đức Thế Tôn nói:
“Đây là Khổ, đây là Tập, đây là Diệt, đây là Đạo. Đây là Khổ nên
biết, đây là Tập nên đoạn, đây là Diệt nên chứng, đây là Đạo nên tu. Đây là Khổ
đã biết, đây là Tập đã đoạn, đây là Diệt đã chứng, đây là Đạo đã tu.
Đây là Mười hai duyên khởi, đây là phần lưu chuyển của Mười hai
duyên khởi, đây là phần hoàn diệt của Mười hai duyên khởi.”
Hoặc nói:
“Ta có sức phương tiện
Khai thị pháp tam thừa
Hết thảy Đấng Thế Tôn
Đều nói đạo Nhất thừa.
Nay trong đại chúng nầy
Hãy loại trừ nghi ngờ
Lời chư Phật giống nhau
Chỉ có pháp Nhất Thừa”.7
Nói bằng âm thanh như vậy, chính âm thanh ấy là âm thanh vượt hẳn
mọi âm thanh của thế gian và xuất thế gian.
Những âm thanh như vậy, được nói lên từ trí tuệ của Bậc Toàn giác
cho hết thảy chúng sanh và Hiền thánh trong pháp giới, nên những âm thanh ấy
hành giả Pháp Hoa cần phải lắng nghe, học tập, quán chiếu để sinh khởi tuệ
quán, nhằm khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến cho hết thảy chúng sanh trong
pháp giới.
Trong năm loại âm thanh: Diệu Âm, Quán Thế Âm, Phạm Âm, Hải Triều
Âm, Thắng Bỉ Thế Gian Âm, là sự phân định âm thanh theo từng loại đối tượng của
tuệ quán.
Nhưng, ta quán chiếu cho thật sâu sắc, thì chúng là những âm thanh
biểu hiện tùy theo mức độ thuần tịnh của tâm và mức độ sâu cạn của tuệ quán.
Ta lắng nghe và quán chiếu cho thật sâu sắc, ta sẽ nhận ra trong
Diệu Âm lại có mặt của Quán Thế Âm, Phạm Âm, Hải Triều Âm và Thắng Bỉ Thế Gian
Âm. Và ta lắng nghe và quán chiếu thật sâu sắc, thì trong mỗi âm đều có đủ các
âm khác.
Do đó, năm loại âm thanh nầy là đối tượng của tuệ quán mà hành giả
Pháp hoa phải luôn luôn ghi nhớ để thực tập, nhằm sinh khởi tuệ giác Nhất thừa,
hoằng truyền kinh Pháp Hoa cho hết thảy căn cơ chúng sinh khắp mọi nơi chốn.
III. TIN, HIỂU VÀ CẢM NHẬN
Đọc tụng, thọ trì và nghiên cứu Kinh Pháp Hoa, ta thấy rõ ở kinh
Pháp Hoa không phải chỉ diễn tả về Bản Môn và Tích Môn, mà còn diễn tả về Hạnh
Môn một cách linh hoạt và sống động nữa. Có những Nhà nghiên cứu Kinh Pháp Hoa
cho rằng, mười bốn phẩm đầu là thuộc về Tích môn và tư tưởng chủ yếu của Tích
Môn được gói trọn ở phẩm Phương Tiện, và mười bốn phẩm sau thuộc về Bản Môn, và
tư tưởng chủ yếu được gói trọn ở phẩm Như Lai Thọ Lượng, nhưng ta đọc tụng, thọ
trì và nghiên cứu kỹ, thì kinh Pháp Hoa không phải chỉ đề cập đến Bản Môn và
Tích Môn mà còn đề cập đến Hạnh Môn nữa.
Phẩm Phổ Môn là một trong những phẩm diễn tả về Hạnh Môn của kinh
Pháp Hoa. Và đọc tụng, thọ trì, nghiên cứu kỹ kinh Pháp Hoa, ta thấy
trong mỗi phẩm của kinh Pháp Hoa đều hàm chứa đầy đủ cả Bản Môn, Tích Môn và Hạnh
Môn. Ngay ở trong phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa, sự có mặt của Đức Phật Đa Bảo
và Bảo tháp của Ngài là sự có mặt của Bản Môn. Và Đức Phật Thích Ca trả lời những
câu hỏi của Bồ Tát Vô Tận Ý về hạnh nguyện và uy lực của Bồ Tát Quán Thế Âm, đó
là sự có mặt của Hạnh Môn ở trong Tích Môn và Bản Môn. Sự có mặt của Đức Phật
Đa Bảo và Tháp của Ngài ở trong phẩm nầy là sự có mặt của Bản Môn, để ấn chứng
cho những gì đang diễn ra và đang được trình bày của Đức Phật Thích Ca ở Tích
Môn là đúng với Bản Môn. Nghĩa là Đức Phật Đa Bảo là Đức Phật Bản Môn đã ấn chứng
cho những gì đức Phật Thích Ca nói với Bồ Tát Vô Tận Ý, về Hạnh Môn của Bồ Tát
Quán Thế Âm là đúng như tự thân và bản thể của chính nó.
Bồ Tát Vô Tận Ý, sau khi nghe Đức Phật Thích Ca nói về Hạnh Môn
Pháp Hoa của Bồ Tát Quán Thế Âm, liền khởi tâm cung kính, cỡi ngay chuỗi ngọc
châu Anh Lạc giá trị trăm ngàn lượng vàng mà cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm,
nhưng Bồ Tát Quán Thế Âm đã một mực từ chối không nhận. Bồ Tát Vô Tận Ý liền
thưa với Bồ Tát Quán Thế Âm rằng: “Thưa Nhân giả! Xin Người hãy thương chúng
tôi mà nhận chuỗi ngọc châu Anh Lạc nầy!”. Và bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
cũng nói với Bồ Tát Quán Thế Âm rằng: “Bồ Tát hãy thương Bồ Tát Vô Tận Ý nầy, cũng
như hãy thương bốn chúng gồm Ưu bà tắt, Ưu bà di, Tỷ khưu, Tỷ Khưu Ni, hãy
thương các Chúng Trời, Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na
la, Ma hầu la già, Nhân và phi nhân…, mà hãy nhận lấy chuỗi ngọc châu Anh Lạc!”
Bấy giờ, Bồ Tát Quán Thế Âm, vì thương tứ chúng, cũng như hết thảy
chúng sanh, mà nhận chuỗi ngọc châu Anh Lạc, và sau đó, Bồ Tát liền chia chuỗi
ngọc châu Anh Lạc làm hai phần, một phần dâng lên cúng dường Đức Phật Thích Ca
và một phần dâng lên cúng dường Tháp của Đức Phật Đa Bảo”.8
Sự cúng dường chuỗi ngọc châu Anh Lạc của Bồ Tát Vô Tận Ý là nói
lên sự tin, hiểu và cảm nhận sâu xa của mình đối với Hạnh Môn Pháp Hoa của Bồ
Tát Quán Thế Âm, sau khi Bồ Tát Vô Tận Ý đã nghe, Đức Phật Thích Ca giảng dạy về
Hạnh Môn Pháp Hoa của vị Bồ Tát ấy. Và Bồ Tát Quán Thế Âm, vì thương Bồ Tát Vô
Tận Ý, cũng như thương hết thảy chúng sanh, mà nhận chuỗi ngọc châu Anh Lạc và
đã đem chuỗi ngọc châu Anh Lạc ấy, phân làm hai, một phần dâng lên cúng dường Đức
Phật Thích Ca, và một phần dâng lên cúng dường Tháp của Đức Phật Đa Bảo. Chính
hành động cúng dường ấy của Bồ Tát Quán Thế Âm, là để khai, thị, ngộ, nhập phật
tri kiến cho Bồ Tát Vô Tận Ý, khiến cho vị Bồ Tát nầy, tin và hiểu rằng: Hạnh
Môn Pháp Hoa của Bồ Tát Quán Thế Âm, Bản Môn Pháp Hoa của Đức Phật Đa Bảo và
Tích Môn Pháp Hoa của Đức Phật Thích Ca là ba mặt của Một Thực Tại Siêu Việt.
Thực Tại Siêu Việt ấy, chính là Nhất Thừa Phật Đạo. Và đồng thời cũng đã nói lên
rằng: Bồ Tát Quán Thế Âm đã nhận chuỗi ngọc châu Anh Lạc từ Bồ Tát Vô Tận Ý, và
Ngài đã dâng chuỗi ngọc ấy, lên cúng dường Đức Phật Thích Ca và Tháp của Phật
Đa Bảo là để khai thị cho Bồ Tát Vô Tận Ý tin và hiểu rằng: Giữa đức Phật Bản
Môn, Đức Phật Tích Môn và Bồ Tát Hạnh Môn chỉ là Một.
Trong Bồ Tát Hạnh Môn có Phật Bản Môn và có Phật Tích môn; trong
Phật Bản Môn có Phật Tích Môn và có Bồ Tát Hạnh Môn, trong Phật Tích Môn có Phật
Bản Môn và Bồ Tát Hạnh Môn, nên từ trong Bồ Tát Hạnh Môn, Bồ Tát Quán Thế Âm
đang biểu hiện Bản Môn và Tích Môn, nhận chuỗi ngọc châu Anh Lạc cúng dường từ
Bồ Tát Vô Tận Ý để dâng lên cúng dường Đức Phật Thích Ca và Tháp Phật Đa Bảo,
nhằm hướng dẫn sự tu tập của vị Bồ Tát nầy hướng đến Nhất Thừa Phật Đạo.
Bồ Tát Vô Tận Ý ở trong phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa là tiêu biểu
cho Bồ Tát Thừa; và Tứ chúng Tỷ khưu, Tỷ Khưu Ni, Ưu bà tắt, Ưu bà
di là tiêu biểu cho Thanh văn Thừa, cũng như hết thảy Đại chúng Trời, Người, A
tu la…, là tiêu biểu cho Thiên Thừa và Nhân Thừa, đều đã được Bồ Tát Quán Thế
Âm hướng dẫn phát tâm hướng đến Nhất Thừa Phật Đạo. Và với Bồ Tát Hạnh Môn, Bồ
Tát Quán Thế Âm đã từ chối nhận sự cúng dường chuỗi ngọc châu Anh Lạc của Bồ
Tát Vô Tận Ý, nhưng đối với Bản Môn và Tích Môn, Bồ Tát Quán Thế Âm đã nhận
chuỗi ngọc châu Anh Lạc để cúng dường Đức Phật Thích Ca và Tháp của Phật Đa Bảo,
nhằm hiển thị rằng, mọi hoạt động của Bồ Tát là đều hướng đến Nhất Thừa Phật Đạo,
mà không bị mắc kẹt ở nơi nhân và pháp của Bồ Tát Thừa. Nên, Bồ Tát Hạnh Môn chỉ
là phương tiện của Phật Môn vậy.
Bởi vậy, Hạnh Môn của Bồ Tát Quán Thế Âm là Hạnh Môn luôn luôn gắn
liền với hai chất liệu của Đại Bi và Đại Trí. Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là
tiêu biểu cho Hạnh Môn Đại Trí của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Bấy giờ, Bồ Tát Quán Thế Âm ở ngay giữa đại chúng, gọi Tôn giả Xá
Lợi Phất mà tuyên thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh với tất cả Đại Trí của
mình. Theo Quảng bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh nói rằng: “Sau khi Bồ Tát
Quán Tự Tại nói thần chú Bát Nhã Ba La Mật Đa xong, liền gọi Tôn giả Xá Lợi Phất
và các vị Đại Bồ Tát mà nói rằng: Đối với Bát Nhã Ba La Mật Đa thâm diệu, nên học
như vậy, nên hành như vậy”.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn từ nơi hạnh phúc an lạc của thiền định mà xuất,
gọi Bồ Tát Quán Thế Âm mà ca ngợi rằng: “Hỡi Thiện nam tử, thật tuyệt vời thay,
thật tuyệt vời thay! Đúng như lời Người nói: Bát Nhã Ba La Mật Đa là rất thâm
diệu, nếu hành trì, thì nên hành trì như vậy, hành đúng như vậy. Và khi ấy các
Đức Như Lai cũng đều hoan hỷ”.
“Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói như vậy xong, Tôn giả Xá Lợi Phất, Bồ
Tát Quán Thế Âm và hết thảy hội chúng Trời, Người, A tu la…, nghe Đức Thế Tôn dạy
như vậy, đều đại hoan hỷ, tín thọ và phụng hành”.9
Và, Thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni, là tiêu biểu cho Hạnh Môn Đại Bi
của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Bấy giờ, ngay giữa Đại chúng ở nơi Núi Phổ Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm
bạch với Đức Thế Tôn rằng: “Con có Thần chú Đà la ni của tâm đại bi, nay muốn
tuyên thuyết: Vì muốn cho hết thảy chúng sanh có được sự an lạc; vì muốn loại
trừ hết thảy bệnh tật cho chúng sanh; vì muốn cho hết thảy chúng sanh được sống
lâu và giàu có; vì muốn diệt trừ hết thảy ác nghiệp và trọng tội cho chúng
sanh; vì muốn cho hết thảy chúng sanh thoát ly chướng nạn; vì muốn tăng trưởng
các công đức của pháp thanh tịnh cho chúng sanh; vì muốn cho hết thảy chúng
sanh thành tựu tất cả thiện căn; vì muốn cho hết thảy chúng sanh xa lìa tất cả
những nỗi sợ hãi và vì muốn cho hết thảy chúng sanh nhanh chóng thành tựu mọi ước
muốn, nên cúi xin đức Thế Tôn từ bi thương xót, chấp nhận cho con tuyên
thuyết thần chú!”.
Bấy giờ, Đức Phật dạy với Bồ Tát Quán Thế Âm rằng: “Hỡi Thiện Nam
Tử! Người vì tâm đại bi, muốn làm an lạc cho hết thảy chúng sanh, nên tuyên
thuyết thần chú, nay là đúng lúc, cần phải nói một cách nhanh chóng, Như Lai
tùy hỷ và Chư Phật cũng vậy”.10
Như vậy, Thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni là Hạnh Môn của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Đại Bi và Đại Trí là hai chất liệu tạo nên Hạnh Môn của Bồ Tát
Quán Thế Âm. Hai chất liệu Hạnh Môn nầy của Bồ Tát Quán Thế Âm là doThần chú Đại
Bi và Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh tạo thành, mà chính bản thân Bồ Tát
Quán Thế Âm trực tiếp tuyên thuyết cho đại chúng lúc bấy giờ và đã được Đức Thế
Tôn trực tiếp ấn chứng. Hai chất liệu tạo nên Hạnh Môn của Bồ Tát Quán Thế Âm nầy,
đã ảnh hưởng toàn bộ lên đời sống tu học của hầu hết Tăng Ni phật tử Á Châu
theo truyền thống Bắc Phạn suốt cả một chiều dài lịch sử.
Hiện nay hầu hết nghi lễ tụng niệm của Tăng Ni Phật tử Việt Nam, mở
đầu là tụng Thần chú Đại Bi và kết thúc bằng Bát Nhã Tâm Kinh, nghĩa là mở đầu
bằng Đại Bi và kết thúc bằng Đại Trí. Đưa Đại Bi đi tới với Đại Trí và đưa Đại
Trí rọi vào trong Đại Bi. Đại Trí và Đại Bi không thể tách rời nhau trong đời sống
tu tập của Tăng Ni Phật tử.
Nên, Đại Bi và Đại Trí không thể nào thiếu trong một thời khóa
nghi lễ, hay một thời khóa công phu tu tập, hoặc nơi mỗi hành động xuất xử của
Tăng Ni phật tử Việt Nam. Nếu thiếu một trong hai, những hành xử của người tu sẽ
nghiêng về một phía, hoặc là quá siêu việt, hoặc là quá thực dụng. Người nào tu
tập mà nghiêng về một trong hai phía, đời sống của người ấy, sẽ mất thăng bằng
và có thể bị gãy đổ. Nên, hai chất liệu Đại Bi và Đại Trí gắn liền với nhau
trong đời sống của một người biết tu tập, giống như đôi cánh chim gắn liền nơi
thân thể của một con chim Đại Bàng.
Thần chú Đại Bi và Bát Nhã Tâm Kinh là Hạnh Môn của Bồ Tát Quán Thế
Âm. Hạnh Môn ấy đã tạo thành những nét văn hóa, đạo đức, tín ngưỡng và phương
pháp tu tập, kết hợp hài hòa độc đáo cho những người con phật. Và đó là Hạnh
Môn tu tập chuyển hóa tâm linh và độ đời một cách thiết thực và thâm diệu của
Tăng Ni phật tử Việt Nam đã trải qua rất nhiều thế hệ, và chính nó cũng đã tạo
thành thể thống nhất, xuyên suốt, linh hoạt và độc đáo của Đạo Phật Việt Nam.
Nên, Hạnh Môn của Bồ Tát Quán Thế Âm được diễn tả ở phẩm Phổ Môn
trong Kinh Pháp Hoa là tiêu biểu cho tính thể và tác dụng của một Đạo Phật
xuyên suốt, thống nhất, sống động, độc đáo, và siêu việt ngay trong thực tế.
Thích Thái Hòa
1 Mười
như thị là căn cứ vào phẩm Phương tiện của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản dịch của
Ngài Cưu Ma La Thập, tr 5, Đại Chính 9. Ở phẩm Thiện Quyền của Chánh Pháp Hoa
Kinh, bản dịch của Ngài Trúc Pháp Hộ, tr 68, Đại Chính 9, không có mười như thị
cụ thể như bản dịch của Ngài La Thập, nhưng chúng được diễn tả qua đoạn kinh
như sau: “Như Lai giai liễu chư pháp sở do, tùng hà sở lai chư pháp tự nhiên,
phân biệt pháp mạo chúng tướng, căn bản tri pháp tự nhiên = Nghĩa là: Như Lai đều
biết rõ nhân duyên của các pháp, thể tính của các pháp do nhân duyên gì mà
biểu hiện, biện biệt rõ ràng các hình tướng, dung mạo và gốc rễ, biết rõ tính
thể của các pháp”. Trong Thiên Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, bản dịch của
Ngài Xà Na Quật Đa, tr 138, Đại Chính 9, cũng có đầy đủ Mười như thị như bản dịch
của Ngài La Thập. Dịch bản Anh ngữ của Burton Watson cũng có đầy đủ cả mười
như thị (The Lotus Sutra, P 24, Columbia University Press New york 1993).Thập
như thị, trong bản Phạn văn hiện có trong Buddhist Sanskrit Texts – No 6, trang
21, như sau: Ye ca te dharmàh, yathà ca te dharmàh, yàdr’sàsca te dharmàh,
yallaksanà’sca te dharmàh, yatsvabhàvà ‘sca te dharmàh, ye ca yathà ca yàdr’scà
yallaksanà ‘sca yatsvabhàvà ‘sca te dharmà iti. Tesu dharmesu Tathàgta
evam pratyakso’ paroksah.
2 Kinh Bi
Hoa, bản Hán dịch của Đàm Vô Sấm, tr 185-186, Đại Chính 3. Tham cứu thêm Đại Thừa
Bi Phân Đà Lợi Kinh, tr 251, Đại Chính 3.
3 Đại Bi Đà
La Ni Kinh, bản Hán dịch của Già Phạm Đạt Ma, tr 106 – 110, Đại Chính 20.
4 Diệu
Pháp Liên Hoa Kinh, tr 56, Đại Chính 9.
5 Những kệ
tụng tóm thâu mọi ý nghĩa của Giới Học Phổ Môn, Định Học Phổ Môn, Tuệ Học Phổ Môn,
được dẫn ra từ kệ tụng Phổ Môn do Bồ Tát Vô Tận Ý toát yếu để trình lên Đức Phật.
Phổ Môn Phẩm, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Bản Hán dịch của Ngài La Thập, tr 58, Đại
Chính 9.
6 Diệu
Pháp Liên Hoa Kinh 7, tr 58, Đại Chính 9.
7 Diệu
Pháp Liên Hoa Kinh, tr 8, Đại Chính 9.
8 Phổ Môn
Phẩm, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, tr 7, Đại Chính 9.
9 Đại
Chính 8, tr 850 – 852.
10 Đại Bi
Tâm Đà La Ni Kinh, tr 106, Đại Chính 20.
*Trích trong www.phatviet.com
0 Kommentare:
Đăng nhận xét