Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Ngày Phật Đản Sanh - Thực Hành Biết Đủ


Thực ra quý vị cứ mê mải lăn lộn, nhọc thân tìm cách để kiếm sống, làm giàu nhưng có một cách làm giàu thực tiễn nhất, dễ nhất, nhanh nhất mà ai trong quý vị đây đều có thể làm được, nhưng quý vị không chịu làm. Quý vị có biết làm bằng cách nào không? Đại chúng im lặng. Thượng Toạ Thích Minh Quang đáp: Cách làm giàu nhanh nhất đó là quý vị thực hành lối sống biết đủ.



Hoà cùng niềm vui của các Tăng chúng tín đồ Phật tử khắp nơi trên toàn thế giới nhân ngày đức Phật đản sanh lần thứ 2638, ngày 31.05.2014 vừa qua chùa Phật Huệ đã tổ chức Đại Lễ Phật Đản, PL.2558.

Ngay từ sáng sớm Phật tử khắp mọi miền nước Đức và một số nước lân cận đã nô nức về chùa để cùng phụ giúp các Chư Tăng làm Phật sự cũng như tham dự sự kiện trọng đại này.
Đại Hùng Bảo Điện chùa Phật Huệ mùa Phật Đản vốn trang nghiêm, khác lạ, nhưng trong ngày Đại lễ khung cảnh nơi đây dường như càng trở nên trang nghiêm và huyền diệu hơn. 

 

















 

Một hồ nước nhỏ  vắt trong cùng nhấp nhô những cánh sen hồng chao liệng xung quanh tôn tượng đức Phật đản sanh, tay chỉ trời, tay chỉ đất; trong lấp loá ánh sáng muôn màu rọi xuống mặt hồ là hai làn nước cũng vắt trong chẳng kém, không ngừng phun lên cao tượng trưng cho hai làn nước nóng-lạnh của hai vị Long Vương đã tuôn phun tắm Phật trong ngày Ngài đản sanh. Ý nghĩa của hai dòng nước phun nóng-lạnh tượng trưng cho sự thuận-nghịch của vũ trụ và cũng là tượng trưng cho sự sướng-khổ của cuộc đời mà con người từ khi sinh ra cho đến khi già chết ai ai cũng phải gánh chịu và trải qua; Những đoá sen hồng tươi được kết đan nhấp nhô dưới chân tôn tượng Phật đản sanh là biểu trưng cho sự thanh tịnh của tự tánh, sự thuần khiết không gì có thể pha trộn được, nó giống như đoá sen dẫu sống trong bùn đen nhơ bẩn, nhưng vẫn vươn lên, toả hương sắc thanh tao giữa đất trời. Ý tưởng này của BTC như muốn gợi lên cho các phật tử hiểu được: cuộc đời của mỗi con người từ lúc sanh ra cho đến khi lìa đời là bể khổ trầm luân; trong những nỗi khổ đó nếu người Phật tử luôn luôn giữ được tâm ý thanh tịnh thì cũng giống như đoá sen sống giữa bùn đen nhưng vẫn vươn mình toả sắc vậy…

10.30 giờ – Khai mạc Đại lễ Phật Đản 2558

Đúng 10.30 giờ, các Phật tử đã cùng nhau quy tụ nơi Đại hùng Bảo điện rồi cùng nhau cất vang bài hát Kính mến Thầy để cung nghinh phái đoàn Chư Thượng Toạ, Chư Đại Đức, Tăng Ni vào Đại Hùng Bảo Điện để khai mạc đại Lễ.
Thượng Toạ Trụ Trì Thích Từ Trí cùng các Tăng khách và Tăng đoàn chùa Phật Huệ đã đảnh lễ, dâng hương trước tôn tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, kế đó đã hướng dẫn các Phật tử tụng kinh cầu an để cầu nguyện cho tổ quốc Việt Nam và thế giới cùng chúng sanh muôn loài luôn được chung sống trong hoà bình an lạc.














11.30 giờ – Chư Tăng Khất Thực

Nhằm làm sống lại khung cảnh sinh hoạt thời Phật còn tại thế và tạo thêm nhân duyên cho các Phật tử có được cơ hội để tri ơn công đức và cúng dường Chư Tăng, phái đoàn Chư Thượng Toạ, Chư Đại đức, Chư Tăng Ni đã làm một biểu pháp hành hương khất thực ngay trước khu vực cổng chùa Phật Huệ. Nơi đây các Phật tử từ khắp mọi nơi, trong đó có cả những Phật tử người Đức đã hoan hỉ sắp hàng rồi dâng cúng những tài vật đã được chuẩn bị trước để cúng dường khi các Chư Tăng đi khất thực ngang qua. Hình ảnh các Chư Tăng, tay ôm bình bát, thong dong dạo bước giữa thênh thang trời đất là một biểu pháp vô cùng cao đẹp và đầy ý nghĩa, giúp cho các Phật tử thấy được: cuộc sống – bất cứ nơi đâu - dẫu khó khăn, vất vả, đầy thật-giả, thị phi…, nhưng nếu biết thực hiện nếp sống biết đủ, người Phật tử sẽ dễ dàng vượt qua được những cám dỗ thường nhật và luôn được sống trong an lạc, hạnh phúc.

 


 

















12.00 giờ – Cúng dường Trai Tăng

Cúng dường Trai Tăng là một nghi thức không thể thiếu trong các dịp đại Lễ, đặc biệt là Đại lễ Phật đản. Đây cũng là nhân duyên quý báu, giúp cho các Phật tử có được hội biểu tỏ tấm lòng của người con Phật đối với các Chư tăng – Những người đem giáo pháp của Phật để truyền bá, giáo dưỡng, giúp cho các Phật tử thấu hiểu được giá trị trân quý của Phật pháp trong việc ứng dụng vào cuộc sống đời thường, cũng nhờ đó, người Phật tử có thể mau chóng tìm lại được chính mình ngay giữa cuộc đời đầy thác loạn. Vì thế ngay từ những ngày cận kề, các Phật tử Huệ Phú, Diệu Từ… đã nỗ lực hết mình cùng BTC chuẩn bị cho việc cúng dường Trai Tăng thêm hoàn mãn.






14.00 giờ – Đại Lễ Phật Đản PL 2558

Đây là giờ phút thiêng liêng nhất trong ngày. Trong tiếng trống, chuông Bát Nhã trầm hùng vang lên, các Phật tử hàng nối hàng, vai bên vai cùng niệm vang hồng danh đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật để cung đón phái đoàn Chư Thượng Toạ, Chư Đại Đức, Chư Tăng Ni đến từ khắp nơi quang lâm Đại Hùng Bảo Điện để tham dự Đại lễ. Thượng Toạ Thích Minh Phú (Đức quốc), Thượng Toạ Thích Từ Trí (Phật Huệ), Thượng Toạ Thích Minh Quang (USA) đã thay mặt Tăng đoàn cung kính dâng hương lễ Phật. Sau khi nghi thức dâng hương các Chư Tăng đã hướng dẫn các Phật tử trì tụng nghi thức Khánh Đản, kế đó phái đoàn Chư Tăng cùng khai kệ và cung kính làm nghi thức tắm Phật. 























 


















Nghi thức tắm Phật viên mãn, Phật tử Huệ Phú đã thay mặt BTC cung kính giới thiệu sơ lược các vị Khách Tăng đến từ một số quốc gia như: Mỹ, Pháp, Srilanca, Herisau cùng các Tu viện, Thiền viện và các chùa khác ở Đức). 


Để các Phật tử hiểu được ý nghĩa của ngày Phật Đản cũng như sự nghiệp hoằng dương chánh pháp của đấng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật kể từ khi Ngài đản sanh cho tới ngày thành đạo, và trải suốt 49 năm cho tới ngày Ngài nhập Niết Bàn, Ni Sư Thích Nữ Diệu Linh trụ trì chùa Quán Âm Berlin (Đức) đã thay mặt các Chư Tăng khái lược đôi dòng cùng các Phật tử về những sự kiện quan trọng nói trên. 

 

Điệu múa: Hương Sen Kính Dâng Phật do đội múa của chùa Phật Huệ trong những tà áo sen hồng tha thướt, cùng sự phụ diễn của các chàng trai người đức đã tạm khép lại chương trình Đại Lễ vào lúc 15.00 giờ.









15.30 giờ – Quy Y Tam Bảo

Hàng năm chùa Phật Huệ đều thường xuyên tổ chức lễ quy y Tam Bảo cho các Phật tử, đặc biệt trong các dịp lễ lớn (Tết Nguyên Đán; Rằm tháng Giêng; Phật Đản; Vu Lan…). Đại lễ Phật Đản 2558 năm nay cũng là nhân duyên thù thắng để các Phật tử đặc biệt từ nơi xa, không có cơ hội thường xuyên về chùa, nay nhân ngày Phật đản cùng nhau quy tụ về chùa, ngoài việc nghe kinh, thỉnh pháp còn được cùng nhau hướng về ngôi Tam Bảo. 
Thượng Toạ Trụ Trì Thích Từ Trí đã thay mặt BTC khai thị sơ lược cho các Phật tử hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc quy y Tam Bảo và Thọ trì ngũ giới. Sau phần khai thị, các Phật tử đã cùng nhau hoan hỉ đón nhận lễ Quy Y và lễ truyền thọ Ngũ Giới. Thượng Toạ Thích Từ Trí bày tỏ lòng mong mỏi và hy vọng Phật tử khắp nơi cùng khuyến tấn nhau thường xuyên về chùa để tu học, nhờ sự tinh tấn đó các Phật tử mới có được cơ duyên gần gũi Tam Bảo, trau dồi Phật pháp, cũng từ đó mà cuộc sống tâm linh ngày một thêm an lạc.

16.15- Thuyết Pháp

Trong Đại lễ Phật Đản lần này Thượng Toạ Thích Minh Quang, Trụ Trì Tu Viện Quan Âm tại Michelgang đến từ Mỹ Quốc đã dành cho các Phật tử một thời pháp vô cùng quý báu về:
- Ý nghĩa của câu „Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn“ nhân ngày đức Phật đản sanh
- Phương tiện tu học phổ cập của người Phật tử hiện nay
- Xu thế tu hành của hàng Phật tử tại gia trong thế giới hiện đại
- Ý nghĩa và phương thức làm giàu dành cho người Phật tử.




















„Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn“ có hàm nghĩa gì? TT Thích Minh Quang giảng giải: Trong câu nói này chữ „NGÓ được xem là quan trọng hơn cả, bởi nó rất dễ dẫn đến những suy kiến sai lầm. Thiên thượng có nghĩ: trên là cõi trời cao nhất; Thiện hạ: cõ nghĩa: dưới là tầng đất cũng cao nhất; Duy ngã có nghĩa: Chỉ có Ta và Độc tôn: có nghĩa là duy nhất.

TT Thích Minh Quang giải thích: Chữ NGÃ ở đây không phải là cái Ta của xác thân vật lý, bởi xác thân này là vô thường, khi xác thân đó tan rã cũng đồng nghĩa chữ Ta đó cũng hoại diệt theo. Vì thế chữ Ngã mà đức Phật nói đây là Chân Ngã=là Phật tánh=Tự tánh thanh tịnh trong mỗi chúng sanh (cho dù là các loài súc vật nhỏ bé nhất), ai ai cũng đều có sẵn cái Chân Ngã này cả cũng vì thế Chân Ngã đó mới là điều cao quý tối thượng. Nhưng vì sao chúng ta không nhìn thấy, không nhận ra Chân Ngã của mình? TT Thích Minh Quang giải thích: Bởi chúng sanh thời nay mê mờ nhân-quả, luôn sống trong vô minh, tham trước, đầy phiền não nên Chân Ngã đó đã bị che lấp. Làm thế nào để thắp sáng lại Chân Ngã hay còn gọi là Tự tánh Phật của mỗi chúng ta? Đây là câu hỏi người Phật tử luôn phải đặt ra và luôn phải tự mình quán chiếu.

Để giải thích về: „Phương tiện tu học phổ cập của người Phật tử hiện nay“ TT Thích Minh Quang đã dùng một biểu pháp khá hóm hỉnh: Các Phật tử thời  nay đều thích tu qua „loa“. Thượng Toạ hỏi: Trong các vị có ai biết „tu qua loa“ là gì không? Đại chúng im lặng. Thượng Toạ hoan hỉ giải thích: chữ „qua loa“ đây không ngoài gì khác mà chính là Ti vi, Internet; Radio Cassette, DVD, MP3… Trong thời đại thông tin học toàn cầu và hiện đại thời nay, phương tiện để truyền pháp và học pháp đã phát triển đến mức tối cao, nghĩa là mọi nơi, mọi chốn trên hành tinh, chỉ cần có Ti vi, Internet, Radio… là các Phật tử đã có thể tìm hiểu, và xem nghe đủ các loại pháp. Đây là yếu tố tích cực, bởi các Phật tử ở nơi xa xôi, không có cơ duyên về chùa tu học, nay ngay tại nhà mình, các Phật tử đã có thể tìm hiểu và học hỏi cũng như trao đổi Phật pháp một cách thông tiện. Tuy nhiên, Thượng Toạ giải thích: sự thông tiện này (học pháp „qua loa“) sẽ dẫn đến việc chủ quan và xem thường Phật pháp. Nghĩa là: muốn nghe, xem, nhìn, đọc pháp nào chỉ trong tích tắc đã có trước mặt, nhưng để lý giải, hiểu, đi sâu, và nắm vững được những triết lý trong giáo pháp của Phật để áp dụng vào việc tu hành một cách đúng pháp thì người Phật tử cần phải có sự hướng dẫn, khai thị của các Chư Tăng, hay của những Thiện Tri Thức. Do vậy, từ sự xem thường này, một mặt vì vô tình các Phật tử đã đánh mất cơ hội học hỏi chánh pháp của chính mình; mặt khác sự mày mò tự học pháp, nhiều khi dẫn đến những định kiến sai lầm; hiểu sai, hiểu lệch lạc về giáo lý của Phật, từ đó dẫn đến tu học nhưng không đạt được kết quả, lợi ích như mong muốn.

Giải đáp về „Xu thế tu hành của hàng Phật tử tại gia trong thế giới hiện đại“ TT Thích Minh Quang nói lại hóm hỉnh hỏi: Quý vị có biết các Phật tử thời nay thích tu hành tại đâu không? Các Phật tử đáp: Thích tu tại gia! Thượng Toạ, cười, đáp: Điều đó đúng, nhưng chưa chuẩn xác. Thượng Toạ giải thích: Chữ „tại da“ không phải có nghĩa „tu tại gia“ mà ý nói các Phật tử chỉ tu theo bề nổi, nghĩa là: thích đọc, nghiên cứu thật nhiều kinh điển Phật giáo; hay chỉ chú tâm học thuộc thật nhiều kinh, chú. Nói tới kinh, chú nào cũng biết, nhưng đi sâu vào thực hành (dụng công) thì không có. Đây là điều các Phật tử, đặc biệt là hàng tu tại gia cần phải lưu ý. Bởi thuộc pháp nhưng phải biết dụng pháp, bằng không cũng giống như như việc đổ nước trên tàu lá khoai. Đổ tới đâu, nước trôi tuột tới đó…

Giải nghĩa về „Ý nghĩa và phương thức làm giàu dành cho người Phật tử“. Thượng Toạ Thích Minh Quang hỏi: Trong đại chúng có ai thích làm giàu không? Khi thấy đại chúng đồng thanh đáp: Có! Thì TT Thích Minh Quang hoan hỉ cười, đáp: Vậy tôi sẽ chỉ các quý vị, ngay tại đây phương pháp làm giàu nhanh và hợp pháp. Quý vị có muốn không? Đại chúng đáp: Chúng con muốn! Thượng Toạ giải thích: Thực ra quý vị cứ mê mải lăn lộn, nhọc thân tìm cách để kiếm sống, làm giàu nhưng có một cách làm giàu thực tiễn nhất, dễ nhất, nhanh nhất mà ai trong quý vị đây đều có thể làm được, nhưng quý vị không chịu làm. Quý vị có biết làm bằng cách nào không? Đại chúng im lặng. Thượng Toạ Thích Minh Quang đáp: Cách làm giàu nhanh nhất đó là quý vị thực hành lối sống biết đủ. Không tham, không ganh đua, không bon chen. Đó là trong cuộc sống. Trong tu hành thì luôn thực hành 6 căn biết đủ: nhìn đủ, nghe đủ, ngửi đủ, nếm đủ, đụng chạm đủ và tư duy đủ. 
Làm được như thế quý vị sẽ là những người giàu có và sung sướng nhất…

19.00 giờ – Đêm Văn Nghệ Mừng Phật Đản

Nhằm tạo thêm nhân duyên, khuyến khích và bảo tồn và giới thiệu nền văn hoá truyền thống của quê hương với cộng đồng người Đức nói riêng và người nước ngoài đang sống ở Đức nói chung, trong các dịp đại lễ, chùa Phật Huệ vẫn thường tổ chức những đêm văn nghệ để các Phật tử có được cơ hội chung vui và cùng nhau thưởng thức những hương vi văn hoá tâm linh của Việt Nam. Để khai mạc đêm Văn Nghệ mừng Phật Đản 2558, TT Trụ Trí Thích Từ Trí đã hoan hỉ gửi lời chào, lời chúc an lạc và lời nhắn nhủ đến toàn thể quý Phật tử, quý Đồng hương có mặt trong đêm văn nghệ. 

 TT Thích Từ Trí khai mạc đêm văn nghệ Phật Đản 2558









TT Thích Từ Trí cũng hy vọng và bày tỏ lòng mong mỏi, những đêm Văn Nghệ được tổ chức tại chùa Phật Huệ không chỉ đơn thuần mang lại sự thụ hưởng văn hoá thông thường,  mà nó là phương tiện nhằm chuyển tải những nét văn hoá, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc, giúp cho các thệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên nơi quê người hiểu và biết trân quý hơn về nơi cội nguồn dân tộc. Sâu xa hơn là nhằm chuyển tải những giáo pháp của đạo Phật, giúp cho các Phật tử hiểu được tầm quan trọng của Phật pháp để đem ứng dụng vào cuộc sống, từ đó giúp cho mọi người mọi nhà thêm được an lạc và hạnh phúc.

Đêm văn nghệ với sự tham gia, trình diễn bởi nhiều tiết mục ca, múa, hát của nhiều ca sĩ tại Đức quốc và ca sĩ Băng Tâm đến từ Mỹ Quốc, cùng dàn nhạc đệm đến từ Hà Lan và Ban Nhạc quen biết Hiền Năng đã mang đến cho quý Phật tử, quý Đồng hương một không khí vui tươi, lắng đọng nhưng không kém phần thanh tao mang theo những âm hưởng của đạo Phật…

Cũng trong đêm Văn Nghệ Mừng Phật Đản Sanh 2558, các Phật tử đã hoan hỉ quyên góp tài vật để giúp cho Quỹ Từ Thiện Chance to Grow thuộc Cô nhi Viện Từ Đàm Huế.

Chương Trình Văn Nghệ đã được khép lại hoàn mãn vào lúc 12.30 giờ ngày 01.06.2014.

Lược ghi: Thiện Lợi

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites