Người phát tâm niệm Phật, trong thời gian hành trì, đừng quá lo ngại
về vọng tâm khởi lên, việc này đương nhiên là có. Điều lo ngại nhất là
chúng ta có chuyên tâm tinh tấn niệm hay không? Chúng ta hãy nhìn vào
đại dương không lúc nào là không có sóng gió, nhưng sóng gió ấy không
thể ngăn cản được những chuyến thuyền từ hải cảng này đến hải cảng khác;
chỉ trừ những trận bão tố lớn mới làm cho những chuyến thuyền tạm dừng
trong chốc lác rồi thuyền cũng sẽ lướt sóng ra khơi
(Tiếp theo - Nguồn: www.daophatngaynay.com.vn)
Đoạn nghi ngờ sanh tín tâm cầu vãng sanh
Phật, tâm, chúng sanh tuy ba nhưng đồng nhứt thể, vì chúng sanh mê
muội vọng tâm, chạy theo trần cảnh tạo nhiều nghiệp lực đau khổ sanh tử
luân hồi trong lục đạo. Tâm chúng sanh vọng tưởng nên tạo: sát, đạo,
dâm, vọng; tham, sân, si các thứ nên gọi là tâm địa ngục. Chúng sanh một
niệm giác thấy được tự tánh bản tâm ấy là tâm Phật. Mê ngộ tuy hai
nhưng tựu trung là một, khi mê tâm tạo nên địa ngục, lúc ngộ tâm tạo nên
thế giới Cực Lạc.
Trong Kinh Địa Tạng có nói đến các cảnh giới riêng biệt của địa ngục
là do nơi sự chiêu cảm nghiệp lực tạo tác của tâm chúng sanh mà ra. Như
tạo tác: sát, đạo, dâm, vọng, phá hoại những người làm việc thiện, tiếp
tay những người tạo nghiệp ác, thấy ai làm việc thiện hay nói lời chê
bai, chia rẽ sự hiểu biết hạn hẹp ích kỷ riêng mình; những tâm tưởng ác
nghiệp này sẽ chiêu cảm trở thành quả báo nơi địa ngục. Địa ngục do nơi
tâm tạo, cảnh giới đau khổ buồn vui lẫn lộn ở nơi trần gian cũng do tâm
tạo; tâm tạo tác, tâm dẫn đầu. Tâm nghĩ xấu thì hành động xấu, tâm nghĩ
tốt thì hành động tốt. Tâm chúng sanh phiền não đau khổ thì tạo nên cảnh
giới đau thương sầu muộn. Cảnh giới súc sanh, chúng sanh ở đây tâm độc
ác, ngu muội tự ăn thịt đồng loại với nhau; cảnh giới địa ngục ngã quỷ
tâm chúng sanh chứa đầy thù hận tranh đấu, giết hại lẫn nhau; cho đến
trong loài người tuy tâm có chút thiện nghiệp; nhưng chúng sanh đa phần
đang hướng tâm về cảnh giới đau khổ ác đạo nên dã sanh tâm thù hận chém
giết lẫn nhau trong cuộc sống.
Chuyển tâm phiền não ác độc của địa ngục ngạ quỷ thành tâm thanh
tịnh của thánh chúng nơi cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, bằng cách ngày
ngày gieo vào tâm thức của ta bằng sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”. Chuyển
tâm phàm thành tâm Thánh, mê thành ngộ, chúng sanh thành Phật. Ta bà
ngũ trược ác thế, phiền não đau khổ, tranh đấu, chém giết, ăn thịt nhau
là do tâm niệm ác độc, cấu trược vô minh của chúng sanh ở đây mà tạo
thành. Bây giờ, chuyển phàm thành thánh bằng câu niệm Phật, tức tâm
chúng sanh giờ này thuần là thanh tịnh, nên tạo thành cảnh giới thanh
tịnh không phiền não đau khổ; đó là cảnh giới Cực Lạc của Phật Di Đà.
Tại sao chúng ta phải niệm Phật? Và niệm phật để làm gì? Chúng ta
niệm phật là để chuyển phàm tâm thành Phật tâm, chuyển đau khổ thành an
lạc, chuyển tâm phiền não địa ngục thế giới Ta Bà thành tâm thanh tịnh
thánh chúng của thế giới Cực Lạc; chuyển tâm mê thành tâm ngộ chuyển tâm
uế thành tâm tịnh, chuyển tâm ưa nói lời thị phi thành tâm ưa niệm
Phật, chuyển tâm nghi thành tâm tín.
Xưa nay chúng ta đem tâm nghi ngờ mọi việc chung quanh, ngay cả nghi
ngờ chính mình; nay phát tín tâm đoạn trừ sự nghi ngờ mà niệm Phật để
cầu sanh Tây Phương. Tâm nghi ngờ hết, tín tâm kiên cường dũng mãnh công
đức niệm Phật mới viên mãn tròn đầy. Thỉnh chư vị dứt trừ nghi tâm,
tinh tấn phát đại tín tâm niệm phật hằng ngày tương tục mà cầu sanh Tây
Phương Cực Lạc..
Đoạn nhân Ta Bà quyết sanh Tịnh Độ
Trong thiền môn vào thời công phu chiều ở phần hồi hướng có đoạn: “ thị nhựt dĩ quà, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư...” có nghĩa: “ngày nay đã qua, mạng sống cũng theo đó mà giảm dần, như cá ít nước...”
chúng ta thử nhìn xem cá mà bị ít nước thì còn khổ nào hơn. Nhưng, mặt
khác, trong đại dương biển nước mênh mông cá đang sống trong đó cũng
chẳng phải vui gì! Kinh Pháp Hoa có dạy:”chúng sanh sống trong tam giới như đang ở trong nhà lửa”.
Cá đang sống trong lòng biển cả nhưng người chẳng tha lại đem lưới vây
bắt. Hưu, nai, cầm thú... đang sống trong rừng sâu người lại không tha
dùng bẩy để sập. Chim, quạ đang bay trên trời cao nhưng người lại dùng
tên đạn để bắn...cho nên nói cuộc sống của chúng sanh ở thế giới Ta Bà
mang nhiều sự đau thương sầu khổ, không có gì là hạnh phúc an ổn.
Người lặn sâu vào biển cả để bắt cá tôm nuôi dưỡng cho thân mình, cá
lớn thì ăn thịt cá nhỏ, cá nhỏ lại ăn tôm, tép, tôm tép thì ăn côn
trùng...trong rừng thú mạnh ăn thịt thú yếu... và, cứ như vậy mà tranh
giành cắn xé ăn thịt lẫn nhau. Cho đến loài người tuy không ăn thịt lẫn
nhau như loài thú; nhưng, lại cũng giết hại lẫn nhau để tranh giành sự
sống. Nước mạnh cướp nước yếu tàn sát giết hại sinh linh. Ngay cả cùng
một quốc gia chủng tộc nhưng khác nhau chủ thuyết, ý thức hệ, văn hóa,
tôn giáo, ngôn ngữ...con người đã không ngần ngại chém giết lẫn nhau
xương chất thành núi, máu chảy thành sông. Như vậy, thì còn khổ nào hơn
mà người học Phật, niệm Phật lại không nhận thức được, không có tâm mong
cầu vượt thoát khỏi thế giới Ta Bà này.
Quý vị hãy nhìn xem chung quanh thế giới chúng ta đang sống; Rwanda
vì khác biệt chủng tộc mà họ đã khởi lên cuộc chiến để tàn sát lẫn nhau
trong cùng một quốc gia hơn nửa triệu người. Bosnia vì khác nhau về
chủng tộc và tôn giáo họ đã giết hại lẫn nhau hàng trăm ngàn người trong
vòng nửa năm. Lebanon vì khác biệt tôn giáo mà họ đã gây cuộc chiến
tranh tàn sát lẫn nhau trên mười năm chưa chấm dứt. Nga, Trung Quốc,
Việt Nam, Cam Bốt vì khác nhau giữa hai chủ nghĩa, giai cấp, ý thức hệ
mà những dân tộc này cũng đã chém giết lẫn nhau làm cho hàng triệu người
phải chết và hàng triệu người trở thành tàn phế. Và, còn rất nhiều việc
xảy ra nữa từ xưa nay mà loài người tự xây dựng quyền lợi cá nhân hay
phe nhóm đã giết hại lẫn nhau không biết bao nhiêu là mạng sống của kẻ
khác. Như vậy, chúng ta thử nhìn xem thế giới này là an vui hạnh phúc
hay đau thương bất an. Cho nên nói thế giới mà ta đang sống không nơi
nào là không bất an; từ đồng bằng cho đến núi cao, từ ao hồ cho đến biển
sâu không nơi nào là thật sự có niềm an lạc. Vì chúng sanh sống chung
một thế giới mà tâm niệm độc ác, tàn sát ăn thịt lẫn nhau nên phải trầm
luân trong cảnh giới đau khổ để đền trả.
Chúng sanh vì mê lầm điên đảo, không nhìn thấy được sự bất ổn và đau
khổ ấy mà, lại bám víu vào chút hạnh phúc tạm bợ, cho rằng cuộc đời là
an lạc rồi mãi đắm chìm trong cuộc sống đầy phức tạp của thế giới Ta Bà,
mà, không mong vượt thoát để cầu sanh về tây Phương. Thỉnh chư vị thiện
hữu, hãy nhìn thấy rõ sự đau khồ tội chướng của thân ta ở thế giới Ta
Bà mà tinh tấn niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Sanh Tây Phương thân thể
không phải cấu tạo bởi sự ô uế dục nhiễm của tinh cha huyết mẹ, mà, từ
nơi hoa sen hóa sanh tinh khiết thanh tịnh. Thân tâm trưởng thành bằng
những thời pháp vi diệu của Phật Di Đà và Thánh Chúng; chứ không bồi đắp
thân tâm bằng những nghiệp: sát, đạo, dâm, vọng nên Phật đạo chắc chắn
mau viên thành. Tại thế giới Ta Bà hãy nhìn riêng quả địa cầu mà chúng
ta đang sống, và, chỉ nói phạm vị nhỏ hẹp của con người; hơn năm tỉ
người nhưng quý vị hãy thử tính có bao nhiêu người đang được nuôi dưỡng
thân tâm bằng những lời Phật pháp, được bao nhiêu người không tạo
nghiệp: sát, đạo, dâm, vọng để khỏi bị trâm luân trong cảnh ác đạo chịu
cảnh khổ đau. Sanh về Tây Phương cùng với các vị Bồ Tát làm bạn hữu,
ngày ngày nghe pháp để nuôi dưỡng thân tâm, phát triển trí tuệ, tín tâm
bất thối cho đến ngày thành đạo. Vì sự lợi ích vô lượng vô biên của
chúng sanh nơi thế giới của Phật A Di Đà như thế, và, cũng vì sự bất ổn
và đau khổ của chúng sanh ở nơi thế giới Ta Bà của chúng ta ngày hôm
nay; chúng ta là người học Phật nên phải nhứt tâm niệm Phật lìa bỏ cảnh
giới Ta Bà để cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Tâm rời Phật hiệu nghiệp ác liền kề
Người phát tâm niệm Phật, trong thời gian hành trì, đừng quá lo ngại
về vọng tâm khởi lên, việc này đương nhiên là có. Điều lo ngại nhất là
chúng ta có chuyên tâm tinh tấn niệm hay không? Chúng ta hãy nhìn vào
đại dương không lúc nào là không có sóng gió, nhưng sóng gió ấy không
thể ngăn cản được những chuyến thuyền từ hải cảng này đến hải cảng khác;
chỉ trừ những trận bão tố lớn mới làm cho những chuyến thuyền tạm dừng
trong chốc lác rồi thuyền cũng sẽ lướt sóng ra khơi. Chúng ta niệm phật
cũng vậy, câu niệm Phật phải thường xuyên, dầu cho vọng tâm có khởi
động, việc này cũng không làm ảnh hưởng đối với sự nhiếp tâm niệm Phật
cầu sanh Tây Phương. Chẳng những vậy mà nếu câu niệm Phật thường xuyên
lại có công năng diệt trừ được vọng niệm; cho đến những thứ tâm tưởng
thô bạo ác xấu như: sát, đạo, dâm, vọng, tham, sân, si cũng đều bị tiêu
diệt bởi câu Di Đà thánh hiệu.
Lúc ác tâm vọng niệm của ta khởi lên, từ nơi tâm ta nhìn thấy và biết
được đem tâm xấu hổ mà ăn năn, đối trước tượng Phật và Bồ Tát mà lễ lạy
và sám hối, càng niệm Phật chuyên cần hơn, tâm tâm niệm niệm không gián
đoạn. Tự mình suy xét ác tâm vọng niệm này từ đâu mà có, nghiệp chướng
sâu dày này ta đã tạo từ bao đời mà nay nó lại đến với ta. Ngay cả những
công đức phước đức lành mà hiện đời này đã mang lại cho ta một vài niềm
an vui hạnh phúc tạm bợ, ta cũng phải suy nghĩ, ta đã làm gì được bao
phước đức mà nay thừa hưởng, không nên tự mãn, tự phụ với thành quả hiện
tại mà khởi tâm đi vào vòng tội lỗi. Vì những phước đức hữu lậu này dễ
đưa tâm người tu đi vào vòng luân lưu của sự sống chết đau khổ ở thế
giới Ta Bà. Chỉ có phát tâm niệm Phật tinh tấn không gián đoạn thì mới
có thể dứt được sự tạo nghiệp sanh, tử luân, hồi, mà nhất là nghiệp nơi
ba ác đạo.
Trong Kinh Địa Tạng có dạy:” Chúng sanh ở nơi cõi Nam Diêm Phù Đề (quả địa cầu mà ta đang ở) mỗi cử chỉ hành động suy nghĩ, không chi là không tạo nghiệp ác.”. duy thức học cũng day:” vạn pháp đều do tâm tạo”.
Tâm ta tưởng Phật niệm Phật thì tâm ta là Phật, thân ta là Phật, thế
giới ta đang ở là thế giới Phật. Tâm ta khởi niệm sát sanh, trộm cắp, tà
dâm, vọng ngữ, thì tâm ta là tâm địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Mang danh
là Phật tử học Phật, niệm Phật thì phải thấu triệt được nhân mà ta đang
làm và, sẽ phải làm đó là nhân gì!
Thỉnh chư vị hãy từ từ từng bước một mà cố công niệm Phật đừng để
nhân của ác đạo xen vào. “Nam Mô A Di Đà Phật” thánh hiệu hãy chuyên
cần.
Niệm phật tức niệm tâm
Tâm chúng sanh với Phật xưa nay vốn đồng nhất thể thanh tịnh, nhưng
vì chúng sanh thả tâm chạy theo trần cảnh nên bị vọng tình làm ô nhiễm;
sự ô nhiễm ấy là do nơi ngũ dục: sắc, tài, danh, thùy, thực lôi cuốn.
Nếu tâm không khởi động tham sân si; thân không khởi tạo sát, đạo, dâm,
vọng; thì nhất định lúc nào cũng thanh tịnh, mà, tâm đã thanh tịnh thì
việc cầu sanh tây Phương Cực Lạc có chi là khó.
Tâm tham, sân, si, nổi lên thì chúng sanh cũng có thể tạo bất cứ
nghiệp ác gì; những hiện tượng thường xảy ra chung quanh ta như: giết
người, cướp của, hãm hiếp.. đó là tâm địa ngục, ngã quỷ, súc sanh của
chúng sanh đó khởi dậy; không phải chỉ có tâm lúc đó là tâm ác đạo mà,
ngay cả tướng mạo thân hình lúc đó cũng là tướng của ác đạo. Tâm ta
tưởng Phật tức ta là Phật, từ ba mươi hai tướng tốt cho đến tám mươi nét
đẹp đều xuất hiện trong ta. Khi ta nhiếp tâm niệm Phật thì cảnh giới
Tây Phương hiện hữu trong tâm tưởng ta; đồng thời tâm ta cũng luôn hằng
thường nghe phật Di Đà thuyết pháp. Hằng ngày tâm ta không niệm ngũ dục,
nên cảnh trần ảo mộng của thế giới Ta Bà đối với tâm ta không in bóng;
cảnh giới lục đạo luân hồi không thể hiện hữu trong tâm ta, dù rằng ta
đang ở trong lục đạo luân hồi. Nhưng ta sẽ sanh về tây Phương vì tâm ta
lúc nào cũng niệm Phật, nghe Phật thuyết pháp và, thật sự tâm ta đang
sống với cảnh giới Cực Lạc Tây Phương của Phật A Di Đà. Tâm chúng sanh
nhiễm ô bởi ngủ dục, nên chúng sanh sống ở thế giới phàm Thánh Đồng cư
độ (có kẻ phàm người thánh); nhưng nếu chúng sanh tâm đã lìa nhiễm luôn ở
trong cảnh thanh tịnh của chư Phật, lúc nào tâm cũng là Phật, cảnh là
cảnh Phật, thì chúng sanh ấy đang ở trong cảnh giới thường tịch quang
tịnh độ (cảnh giới thanh tịnh của chư Phật, thánh nhân không có xen lẫn
phàm nhân); tuy chúng sanh ấy thân còn trụ nơi Ta Bà ô nhiễm nhưng tâm
đã vượt ra ngoài phạm vi tam giới, mà, thể nhận vào thế giới cửa chư
Phật, thế giới của Phật Di Đà.
Phật pháp thường dạy người tu căn bản là phải giữ gìn tâm ý, ý tưởng
buông lung gây ác nghiệp vô lượng; vọng tưởng không an, phiền não khởi
dậy, thiện nghiệp công đức sẽ khó thành tựu. Người thế gian luôn nghĩ
đến tài, sắc, danh, lợi...nên tâm chí cuồng loạn quay cuồng trong khổ
đau, từ trong đau khổ này đi vào trong đau khổ khác mà không nhìn thấy
tự cho là vui; từ đó tạo thêm nhân đau khổ khác để mang tiếp quả đau khổ
mãi mãi không bao giờ dứt.
Là người học Phật, niệm Phật dầu cho tại gia hay xuất gia, ta cũng
phải nhìn thấy vấn đề, đem tâm sợ hãi nghiệp chướng mà tự mình chuyên
cần tinh tấn niệm Phật. Phật là bậc giác ngộ, thanh tịnh tột cùng nên ta
phải đem tâm tưởng nhớ và hằng niệm thường ngày. Từ đó chuyển được tâm
phàm phu mê muội, phiền não để trở thành tâm thanh tịnh, sáng suốt đồng
như chư Phật. Nên biết khi tâm ta suy nghĩ tưởng nhớ ác nghiệp đó là ta
đang tạo niệm nhân ác, thì nghiệp quả chiêu cảm sẽ là ba đường ác; nếu
lúc nào tâm ta cũng suy nghĩ tưởng nhớ đến sự diệu dụng công đức vô
lượng của Phật Di Đà mà hằng niệm danh Ngài, đó là niệm Phật nhân, thì
ta sẽ có Phật quả là vãng sanh về Tây Phương gặp Phật Di Đà, nghe pháp.
Trong Kinh có dạy:”tam đồ bát nạn cu ly khổ” nghĩa là: sanh vào địa
ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, trước Phật sau Phật, Bắc cu lô châu,
trời Vô Tưởng, đui điếc câm ngọng, thế gian trí biện luận; nếu chúng
sanh nào sanh nhằm một trong tám nạn này đều gọi là nạn khổ. Ở đây chúng
ta thấy sanh vào thời kỳ trước Phật hoặc sau Phật là một trong tám nạn.
Hiện tại chúng ta sanh vào thời mạt pháp, Phật Thích Ca đã nhập diệt,
Phật Di Lặc chưa ra đời nên gọi là một trong tám nạn; tuy nhiên vẫn còn
được chút duyên lành là gặp được giáo lý của Phật, biết hướng thiện,
biết tu biết niệm Phật. Từ vô lượng kiếp chúng ta đã trôi theo giòng
sanh tử sống loạn thác cuồng trong sáu nẻo luân hồi, khi làm thân người
trời có lúc lại đi vào địa ngục, ngạ quỷ...đã niếm không biết bao nhiêu
mùi vị cay đắng của cuộc đời. Theo tôi thiết nghĩ những mùi vị cay đắng
của cuộc đời trong lục đạo mà chúng ta đã trải qua như vậy cũng tạm gọi
là đủ lắm rồi. Giờ này, may mắn có chút duyên lành gặp được Phật pháp,
gặp được pháp môn tu thù thắng; vậy, kính xin mời tất cả chư vị cùng
chúng tôi hãy chuyên cần mà niệm danh hiệu của Phật Di Đà, để lìa bỏ
cảnh giới đau thương khổ lụy mà cầu sanh về cảnh Tây Phương. Chúng ta
phát Bồ đề Tâm tu học lục độ vạn hạnh, ngồi thiền giác ngộ sanh lên cung
trời Đâu Suất gặp Phật Di Lặc xuất thế chúng ta xuống theo tu để chờ
ngày thành Phật; hoặc chúng ta nguyện ở lại thế giới này hành đạo Bồ Tát
để chờ Phật Di Lặc ra đời...tất cả tựu trung bây giờ tu để chờ ngày gặp
Phật, hoặc chờ ngày thành Phật. Đều giống nhau ở điểm là muốn đạt được
đạo vô thượng Bồ Đề. Vậy thì tại sao Phật Di Đà đang trụ thế, đang
thuyết pháp tại cõi Tây Phương, mà, ta lại không niệm Phật để cầu sanh
về gặp Phật, nghe pháp liền, lại phải ở lại Ta Bà chờ gặp Phật Di Lặc.
Sau khi sanh Tây Phương gặp Phật Di Đà nghe pháp chứng được bất thối Bồ
Tát, trong một niệm đại bi tâm có thể chu du khắp mươi phương thế giới
Phật sát vi trần quốc độ mà hóa độ chúng sanh trong đó có thế giới ta
bà. Vậy thì pháp môn niệm Phật có gì là khác đối với các pháp môn khác,
chưa nói là thuận tiện và dễ dàng hơn cho mọi tầng lớp tu tập.
Do sự thuận tiện của pháp môn niệm Phật ở thời mạt pháp như thế, nên
khuyên đại chúng ngàn vạn lần không nên mong sanh trở lại thế giới Ta
Bà, làm người có địa vị cao sang mà, hãy quyết tâm chuyển phàm tình lục
dục trở thành thanh tịnh tâm của chư Phật bằng câu Phật hiệu Di Đà.
Chúng ta cũng không nên suy nghĩ vì mang nhiều tội chướng ác nghiệp,
phàm phu hạ liệt mà không có khả năng niệm Phật để thành Phật. Phật
dạy:” ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Trong kinh Pháp Hoa Phẩm Thường Bất Khinh, Bồ Tát Thường Bất Khinh mỗi khi gặp đại chúng đều lễ lạy và nói câu “ tôi không dám khinh quý ngài, vì quý ngài là vị Phật tương lai”
hoặc Phật là tâm, tâm là Phật. Vậy hôm nay ta niệm Phật là niệm tự tâm,
là hiển bày vị Phật tự tánh, là làm cho Phật Di Đà nơi tự tâm được
chiếu sáng, là nghe pháp âm vi diệu phát ra nơi tự tâm, tâm tịnh thì
cảnh tịnh, tâm Cực Lạc thì cảnh Cực Lạc, tâm tâm Phật Phật đồng cư nơi
Tịch Quang Tịnh Độ nên nói niệm Phật cũng gọi là niệm tâm. Vọng tâm diệt
thì chơn tâm hiện. Hiện tại chúng ta là phàm phu, không phải là thánh
nhân không ai là không có tội; có tội mà biết sửa đổi cải thiện, sám
hối thì tội ấy sẽ tiêu trừ; tội tiêu thì phước đức tăng, trí tuệ sanh,
thiện nghiệp lớn; làm được như vậy là chuyền chúng sanh tâm thành Phật
tâm. Thỉnh chư vị tinh tấn niệm Phật để chuyển tâm chúng sanh đau khổ Ta
Bà thành tâm thanh tịnh của Thánh chúng nơi cõi Cực Lạc.
Niệm Phật cầu vãng sanh cần phải ăn chay
Phật thị hiện ra đời là vì nhìn thấy chúng sanh đang sống chết đau
khổ trong lục đạo luân hồi, nên thể hiện tâm đại từ bi. Vì tâm đại từ
đại bi mà Phật Di Đà đã phát bốn mươi tám lời nguyện để tiếp dẫn chúng
sanh muốn đọa lìa sanh tử mà cầu sanh Tây Phương. Phật là đấng cha lành
của chúng sanh nên có tâm đại từ đại bi bao trùm cả mười phương thế giới
không có chỗ ngăn ngại. Chúng ta là con của Phật, miệng ta hằng ngày
niệm danh hiệu của Phật Di Đà vậy ít ra chúng ta cũng phải có chút tâm
từ bi. Chúng ta chưa có khả năng cứu độ chúng sanh thoát vòng sanh tử
như chư Phật, thì ít ra cũng không nên làm cho những chúng sanh khác
chung quanh ta phải chịu đau khổ. Chúng ta không phóng sanh, không giúp
đỡ cho kẻ khác được an vui, thì ta cũng không nên giết hại thân mạng của
chúng sanh khác để nuôi dưỡng thân mình.
Hằng ngày miệng ta niệm Phật cầu sanh Tây Phương, ta lại cũng dùng
miệng này để ăn thịt chúng sanh khác; như vậy miệng ta vừa tạo thiện
nghiệp mà cũng vửa tạo ác nghiệp; nhưng ác nghiệp lại nhiều hơn thiện
nghiệp, vì thì giờ niệm Phật lại ít hơn là tạo ác, nên năng lực sanh về
Tây Phương có điều không dễ. Miệng không ăn thịt là ta đã cắt đức được
nhân ác nơi cõi Ta Bà. Miệng niệm danh hiệu Phật Di Đà là ta đang gây
nhân của cảnh cực Lạc; nên biết rằng ăn chay niệm Phật cầu sanh Tây
Phương, mười người tu mười người vãng sanh.
Thế gian thường nói ăn chay không đủ chất bổ dưỡng làm cho người dễ
sanh bệnh tật; kỳ thật chúng ta hãy vào bệnh viện xem bệnh nhân đủ mọi
bệnh trạng khác nhau có mấy ai là người ăn chay. Những bệnh nan y như:
ung thư , AIDS, gan, tiểu đường..không phải bệnh vì ăn chay mà do ăn
thịt và bia rượu quá độ. Ngày nay khoa học tiến bộ, các nhà nghiên cứu
sinh tố thực phẩm đã cho ta biết; thịt, bia, rượu, thuốc lá mang nhiều
vi khuẩn bệnh tật đến loài người hơn là trái cây, rau củ, ngũ cốc. Các
nhà khoa học khuyên mọi người nên ăn trái cây, rau cải, ngũ cốc nhiều
hơn là thịt để tránh những bệnh nan y như máu cao, ung thư...chúng ta
thử để một ký thịt cá, một ký rau cải vào một nơi nào đó trong vòng vài
ngày, ta thấy rau cải sẽ có mùi hôi rồi sau đó lại khô đi ; nhưng một ký
thịt thì sẽ đi từ trạng thái hôi đến thúi và, sau đó sẽ sanh ra nhiều
con dòi bò chung quanh miếng thịt. Nên ta biết trong thịt có nhiều độc
tố hơn là rau cải. Như vậy, cũng biết rằng ăn chay niệm Phật, hiện tại
thân ít bệnh, tâm trong sạch, sau khi chết được sanh về cảnh giới Phật.
Nhìn lại trong cuộc sống khi chúng ta chạy tị nạn đến các đảo hay
muốn đi di dân qua nước Úc, nước Mỹ chẳng hạn, sau khi chính phủ Úc hay
Mỹ đã nhận, họ bắt chúng ta phải đi khám bệnh; nếu có bệnh thì phải trị
cho đến hết trước khi vào Úc hoặc Mỹ. Ngay khi vào Úc rồi họ cũng phải
thử máu khám nghiệm lại một vài lần nữa để diệt trừ những căn bệnh mà
chúng ta đang có, vì họ sợ lây bệnh đến những người khác trong xã hội
mới mà mình đang ở. Cũng vậy, Tây Phương Cực Lạc là xã hội thuần khiết
thanh tịnh của bậc bất thối tâm Bồ Tát tạo thành, chúng sanh ở đó chỉ
nghe pháp tiến tu, không có đường ác, không ăn thịt, không trộm cắp,
không tà dâm...., thân tâm được nuôi dưỡng bằng thanh lương Phật pháp.
Vì lẽ ấy mà chúng sanh trong thế giới Ta Bà niệm Phật cầu vãng sanh về
Tây Phương, cũng phải dọn rửa thân tâm cho thật sạch trước khi vãng
sanh, để khỏi phải làm ô uế cảnh giới và lây bệnh cho chúng sanh ở Tây
Phương bằng cách ăn chay cho thân tâm mình cũng được thanh tịnh. Ăn chay
cũng là đang chữa những thứ bệnh mà chúng sanh ở thế giới Ta Bà đang
mang lấy: tài, sắc, danh, thực, thùy, những thứ ngũ dục trước khi muốn
di dân về Tây Phương. Chiếc phi thuyền Bát Nhã chở chúng sanh từ Ta Bà
đến Tây Phương sẽ không chuyên chở ở nơi toa hành lý những thứ tài, sắc,
danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ; vì nó là đồ quốc cấm nên hải quan ở Tây
Phương sẽ không cho vào. Người niệm Phật mà còn ăn thịt, còn tham đắm
ngũ dục lại muốn sanh về Tây Phương thì cũng giống như ở đây người muốn
di dân vào Úc nhưng trong người thì đang mang bệnh AIDS, và, hành lý
mang theo lại chứa toàn là cần sa, bạch phiến. Thỉnh chư vị hãy cẩn
trọng ăn chay niệm Phật để cầu sanh tây Phương.
Trồng cà thì được cà, trồng đậu thì được đậu, nhân nào quả nấy. Xưa
kia đất trồng cà thì ta bán cà, nay đổi lại trồng đậu thì ta bán đậu
không thể bán cà. Cũng vậy, xưa ta ăn thịt là gây nhân đau khổ sanh tử
của súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục; nhưng nay đổi lại ăn chay niệm Phật thì
sẽ sanh về cảnh Tây Phương, chứ không thể rơi vào ác đạo được. Thỉnh
chư vị đừng nghi ngờ!
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Đăng nhận xét