Hận thù thì gặp nhau để đòi nợ, trả nợ nhau trong hận thù. Yêu thương
thì gặp nhau để đòi trả trong yêu thương. Hận thù tạo nghiệp ác thì đọa
lạc nơi ba đường ác. Yêu thương triều mến, hiếu thuận từ hòa lại gặp
nhau để đền trả trong cõi trời, cõi người; tự thân cũng quay cuồng trong
lục đạo luân hồi đau khổ do ái tình chưa dứt.
Niệm Phật sanh Tây đạt tam bất thối
(Tiếp theo - Nguồn: www.daophatngaynay.com.vn)
Chúng sanh đang sống trong thế giới Ta Bà mang thân duyên hợp giả tạm
của ngũ uẩn, luyến ái thân thể, chấp có chấp không, sanh ra phiền não
tà kiến nên lưu chuyển sanh tử trong sáu nẻo luân hồi. Chúng ta muốn
đoạn trừ sanh tử trong sáu đường thì phải quán chiếu ngũ uẩn không, nhìn
thấy thân này do duyên hợp giả tạm mà có, đoạn trừ được phiền não tà
kiến, liễu sanh thoát từ chứng được quả A La Hán, không còn sanh trở lại
trong cõi nhân gian nên gọi là “vị bất thối”. Hoặc thấp hơn là sơ quả
nhập lưu Tư Đà Hoàn; quả vị này còn sanh trở lại trong nhân gian bảy lần
nhưng không bị đọa lạc trong ba ác đạo; ở đây nếu gia công tu tập thì
quả vị A La Hán biết chắc sẽ gần kề, và, không nhất thiết phải chờ đến
bảy đời, mà có khi một, hai, ba, năm đời cũng không chừng tùy theo sự
gia công tu tập nhiều ít.
Không giống như phàm nhân chúng ta một khi phiền não nổi lên thì
liền tọa nghiệp để rồi phải đọa trong vòng ác đạo, và lưu chuyển trong
luân hồi sanh tử.
Sau khi chứng các Thánh quả phải phát Bồ Đề tâm thực hành Bồ Tát hạnh
không rơi vào định kiến Thanh Văn, phá trừ trần sa phiền não vô mình
đạt được: “hạnh bất thối”. Đạt được hạnh bất thối là do nơi phát Bồ Đề
tâm hoằng hóa lợi lạc chúng sanh, trên thì cầu quả vị Phật thừa, dưới
đem giáo pháp giải thoát hướng dẫn chúng sanh phát tâm quay về Phật đạo;
mỗi niệm mỗi niệm an trú trong đại định, phát đại bi tâm đối với mười
phương pháp giới chúng sanh, lấy thân chúng sanh làm thân mình, lấy pháp
giới tánh làm nhà, diệt trừ từng phần vi tế vô minh phiền não chứng
từng phần pháp thân gọi là được “ niệm bất thối”. Điều này, thật sự rất
khó khăn cho chúng sanhh ở thời mạt pháp, phước mỏng, tội dày, phiền não
chồng chất, ác duyên hưng thịnh, nghịch cảnh ngăn che nên khó mà đạt
được ba quả vị bất thối trong thế giới Ta Bà này.
Chúng ta niệm Phật cầu sanh Tây Phương không cần phài đạt được ba quả
vị bất thối trước khi vãng sanh; mà, sau khi vãng sanh về Tây Phương
chúng ta đương nhiên có được ba quả vị bất thối không khó khăn. Hiện đời
chúng ta chỉ lo chuyên tâm niệm Phật với đầy đủ tín, hạnh, nguyện thì
chắc chắn đới nghiệp vãng sanh; vì sáu chữ Di Đà Thánh hiệu có đầy đủ
công năng diệt trừ phiền não, tăng trưởng phước đức trí tuệ, và, chúng
ta trực vãng Tây Phương, ở nơi hoa sen hóa sanh đồng trụ với các bậc bất
thối Bồ Tát làm chúng đồng học, đồng tu; thân tâm thanh tịnh là vì do
nơi liên hoa hóa sanh.nên gọi là đạt được “ hạnh bất thối”. Hoa nở thấy
Phật, mỗi niệm mỗi niệm chuyên câu Phật quả, hằng không có tâm thối
chuyển nơi đạo Bồ Đề nên gọi là được “niệm bất thối”.
Vậy còn gì chần chờ mà liên hữu không chuyên cần niệm Phật cầu sanh
Tây Phương để đạt được ba quả vị bất thối chờ ngày thành Phật; trong khi
ba quả vị bất thối nếu ở thế giới Ta Bà tu tập mà đạt được thì phải
trải qua không biết bao nhiêu kiếp. Trái lại, chỉ một lòng nhứt tâm niệm
Phật trong đời này thì liên hữu sẽ trực vãng Tây Phương được ba quả vị
bất thối và đạo quả Bồ Đề sẽ đến một ngày không xa. Như vậy, nên khuyên
đại chúng hãy cẩn trọng mà chuyên tâm niệm Phật với tín, hạnh, nguyện
đầy đủ.
Di Đà Thánh hiệu tâm bất thối
Chúng ta đã biết niệm Phật tinh chuyên, vãng sanh Tây Phương liền được ba quả vị bất thối; đây nói thêm về tâm bất thối.
Trong lúc niệm phật bất luận là tâm của chúng ta định tâm niệm Phật
hay tán loạn tâm niệm Phật, dụng tâm niệm Phật hay vô tâm niệm Phật đều
được công đức vô lượng vô biên. Trong lúc chúng ta niệm Phật, miệng niệm
tai nghe mấy chữ Phật hiệu in sâu vào tàng thức của chúng ta và trở
thành chủng tử của Phật đạo vĩnh viễn không bị mất. Từ nơi nhân lành này
giả như trong hiện đời không được vãng sanh Tây Phương vì công phu của
tín, hạnh, nguyện chưa tròn; thì dầu cho trải qua trăm đời ngàn kiếp hạt
giống phật này cũng sẽ nằm im khi gặp cơ duyên thuận lợi thì sẽ nẩy mầm
và sanh trưởng trong tương lai, và, con đường Phật đạo sẽ sẵn sàng đón
chờ chúng ta.
Nên biết Thánh hiệu Di Đà công đức vô lượng vô biên, một khi tai đã
nghe, miệng đã niệm thì tấm bất thối đối với đạo quả bồ đề. Lúc Phật
Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, ngày nọ có một ông lão trên 70 tuổi đến gặp
các vị đại đệ tử, đaị diện là ngài Xá Lợi Phất cầu xin xuất gia. Các vị
đại đệ tử này hầu hết đã chứng quả A La Hán, nhìn thấy được chúng sanh
lưu chuyển trong vòng sanh tử của 80 ngàn đại kiếp; liền dùng huệ nhãn
xem xét trong 80 ngàn đại kiếp thấy cụ già này không có một chút thiện
căn nào đối với Phật pháp, nên đã không chấp nhận cho xuất gia. Cụ già
ra về với tâm chí buồn rầu, đến cổng tịnh xá gặp Phật, Phật hỏi căn
nguyên; sau đó Thế Tôn chấp nhận cho cụ già xuất gia, và, bảo cho chúng
hội biết rằng ông già này ở nơi 80 ngàn đại kiếp về trước đã có kết một
chút duyên lành đối với Phật pháp, từ đó đến nay tậm không thối chuyển
dầu cho đã sanh tử bao phen trong sáu đường; nay đủ duyên xuất gia tu
học đạo, đoạn trừ được phiền não và sẽ chứng được quả vị A La Hán.
Nay ta kể lại chủng tử lành ấy cho các ông nghe:” vào thuở 80 ngàn
đại kiếp về trước ông là một gã tiều phu hằng ngày lên núi đốn củi, một
bữa nọ vừa mới vào rừng gặp ngay một con cọp lớn; ông quá sợ nhảy lên
cây cao để tránh, và, vì quá hoảng sợ nên lúc ở trên cây cao ông đã to
tiếng niệm “ Nam Mô Phật”. Do nơi sự niệm Phật nầy mà duyên lành đã kết
tụ làm cho tâm ông bất thối nơi đạo quả bồ đề cho đến ngày hôm nay gặp
ta cầu xin xuất gia học đạo”.
Cũng vậy, trong khinh Pháp Hoa ở phẩm phương tiện thứ hai có đoạn
“Nhược nhơn tán loạn tâm
Nhập ư tháp miếu trung
Nhứt xưng Nam Mô Phật
Giai dĩ thành Phật đạo”.
Có nghĩa:
Giả như có người tâm tán loạn
Khi bước vào trong chùa tháp
Miệng một lần niệm Phật
Tức đã thành tựu phật đạo.
Giống như hiện đời thế gian chúng sanh không do tín, hạnh, nguyện
niệm Phật cầu vãng sanh, mà, chì vì một tai nạn, buồn khổ đưa đến: bão
lụt, chiến tranh, động đất, núi lửa, giặt cướp ....liền to tiếng niệm
danh hiệu “A Di Đà Phật” hay “Quán Thế Âm Bồ Tát” tức
thời chủng tử Phật đạo liền ẩn tàng trong tâm thức đến khi đủ duyên sẽ
sanh trưởng, thành tựu Phật đạo đây gọi là tâm bất thối.
Người không dụng công cầu vãng sanh mà niệm Phật còn đạt được công
đức vô lượng như thế; huống chi nay chúng ta gia công niệm với tín,
hạnh, nguyện đầy đủ. Mỗi ngày hai thời tối sớm từ hai ngàn đến năm ngàn
câu Phật hiệu, hoặc nhiều hơn; kèm theo bên cạnh ăn chay, tụng kinh, giữ
giới, lễ Phật, sám hối, thọ bát quan trai; như thế thì sự tu trì và
công đức của chúng ta không lý do gì mà không sanh về nơi cảnh Tây
Phương để gặp Phật Di Đà. Nếu chúng ta niệm Phật đến khi tâm bất loạn
thì việc vãng sanh chắc chắn là đã có phần. Tâm bất loạn nghĩa là như
thế nào? Nhứt tâm bất loạn gồm có hai: sự nhứt tâm và lý nhứt tâm. Niệm
Phật đạt đến sự nhất tâm bỏ Ta Bà sanh Tây Phương là đạt “vị bất thối”
gọi là phàm Thánh đồng cư Tịnh Độ: tức chúng ta dầu cho lả một kẻ phàm
nhân còn mang nghiệp báo nhưng khi đã đới nghiệp vãng sanh thì liền cùng
với Thánh chúng Bồ Tát cùng ở một quốc độ. Niệm Phật đạt đến lý nhất
tâm tức được “niệm bất thối” là thể nhập được thật báo trang nghiêm quốc
độ, là cùng với chư Phật Bồ tát an trụ trong Pháp thân.
Tuy chúng ta là phàm phu niệm Phật chưa chứng được sự lý nhất tâm,
nhưng tinh chuyên cầu niệm danh hiệu Phật thì nhất định sẽ được tâm bất
thối, nếu cộng thêm tín, hạnh, nguyện thì nhất định sẽ được sanh Tây
Phương gặp Phật Di Đà. Do sự thù thắng này mà chúng ta hãy nên chuyên
tâm thường xuyên niệm Phật. Đừng lo niệm Phật có thể vãng sanh được Tây
Phương hay không? Mà chúng ta hãy lo niệm phật có đầy đủ tín, hạnh,
nguyện hay không mà thôi! Nếu tín, hạnh, nguyện đầy đủ vững chắc thì
việc sanh Tây Phương là điều không khó, hãy tin tưởng mà hành trì, đừng
nghi ngờ!
Tình không dứt khó vãng sanh
Chúng sanh sống trong cõi đời này là do tình ái dục nhiễm mà sanh.
Lục thân quyến thuộc: cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cháu; những sợi dây
tình cảm này luôn luôn cột chặt chúng sanh lại với nhau mà đền trả vay
mượn. Do tình ái lục dục vay mượn từ nhiều đời nhiều kiếp liên tục nên
khó bề mà vượt thoát. Càng yêu thương nhiều thì càng thù hận cao, tình
cha (mẹ) con, tình vợ chồng, thương yêu thì bao bọc che chở lo lắng cho
nhau, nhưng khi thù hận thì thanh toán giết hại lẫn nhau. Vì tâm yêu hận
chưa dứt nên khi chết chúng sanh mang theo những thứ nghiệp lực tình
cảm yêu hận ấy mà sanh qua đời khác gặp nhau để đòi trả thanh toán lẫn
nhau, và, cứ như vậy mà quay cuồng trong ngút ngàn vô tận. Cảnh cha giết
con, con giết gha, vợ giết chồng, chồng giết vợ thường xảy ra hằng ngày
trên thế giới nhiễu nhương này mà ta trông thấy; mọi việc không có gì
là tự nhiên để phát sanh, mà, những thứ vay trả thanh toán nhau như vậy
là do nơi tình ái yêu hận đã kết tụ từ nhiều đời trong vòng oan nghiệp
chưa giải.
Hận thù thì gặp nhau để đòi nợ, trả nợ nhau trong hận thù. Yêu thương
thì gặp nhau để đòi trả trong yêu thương. Hận thù tạo nghiệp ác thì đọa
lạc nơi ba đường ác. Yêu thương triều mến, hiếu thuận từ hòa lại gặp
nhau để đền trả trong cõi trời, cõi người; tự thân cũng quay cuồng trong
lục đạo luân hồi đau khổ do ái tình chưa dứt.
Người niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương mà tình không dứt thì cơ hội
vãng sanh rất khó. Niệm Phật cần có tín, hạnh, nguyện: liên hữu có thể
có tín tâm vững chắc, hạnh tu chuyên cần; nhưng, khó là ở nguyện lực,
hãy cố gắng để vượt qua. Nguyện lực có hai phần: một là nguyện sanh về
nước Cực Lạc gặp Phật A Di Đà, điều này người tu niệm Phật lòng ai không
muốn; nhưng, phần hai là nguyện dứt bỏ mọi thứ ở thế giới Ta Bà không
luyến tiếc mà ra đi, điều này mới là khó. Vì chúng sanh đã bao phen gắn
bó nhau trong vòng sống chết yêu thương thù hận, tình nghĩa vợ chồng,
yêu thương con cháu, cha mẹ, anh em..những thứ tình ái này là sợi dây vô
hình sẽ cột chặt chúng sanh trở lại nơi thế giới Ta Bà. Trong lúc lâm
chung, nếu nguyện chúng ta không tha thiết, nghĩa là lòng mong cầu xả bỏ
thân ngũ uẩn giả tạm, và, vứt hết những thứ tình ái lẩm cẩm ở cõi Ta Bà
để ra đi không dứt khoát; thì lúc ấy những thứ tình yêu thương vợ
chồng, con cháu, và lòng dục nhiễm mong muốn sanh trở lại cõi dục giới
này sẽ hiện ra mà dẫn chúng sanh đi vào. Vậy là cơ hội vãng sanh của ta
sẽ bị trắc trở. Điều này cho ta thấy, nếu như niệm Phật chưa đạt được
“niệm Phật tam muội”, thì cố gắng làm sao phải dứt được chữ tình trong
giờ phút lâm chung. Giờ phút lâm chung mà liên hữu cắt đứt được sợi dây
tình cảm trong gia đình, tâm chí hướng về Phật cảnh thì vãng sanh là
điều chắc chắn. Hãy gắng sức tinh tấn mà niệm Phật hằng ngày, không nên
giải đãi biếng nhác mà luống đi một đời người. Hãy cẩn trọng!
Thiện ác quả báo vô tình
Kinh dạy: “ Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Thật sự các bậc Thánh
nhân Bồ Tát khi hành động, suy nghĩ việc gì luôn kiểm soát và làm đúng
với chánh pháp, lợi mình, lợi người; không bao giờ sợ hãi buồn khổ những
kết quả mà mình đang lãnh; Bồ Tát chỉ sợ tạo nhân không tốt, không bao
giờ sợ quả không lành.
Trái lại chúng sanh, không bao giờ muốn tạo nhân tốt, nhưng lại thích
hưởng quả tốt. Khi tạo nhân, chúng sanh thích hành động theo sự ưa muốn
của dục lạc, phóng xả sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý chạy theo
sáu trần: sắc, thanh, hương ,vị, xúc, pháp mê mờ tạo không biết bao
nhiêu là tội lỗi, trên thì buôn thần bán thánh, mắng chửi cha mẹ, dưới
thì khổ nhục vợ (chồng), anh, em, con cháu, cho đến tham mê danh lợi và
để thỏa mãn dục tánh, đã tạo không biết bao nhiêu nghiệp ác: sát sanh,
trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, làm đau khổ không biết bao nhiêu chúng sanh
đang sống chung quanh ta nhưng không hề để ý. Trái lại, khi nhận lãnh
quả báo đau khổ do nhân xấu nhiều đời đã tạo thì kêu than oán trách Trời
Phật Quỷ Thần không ủng hộ. Một việc thiện nhỏ không làm nhưng muốn
nhận lãnh những kết quả tốt to lớn. Tự mình không muốn làm việc thiện đã
đành; nhưng, thấy người khác làm việc thiện thì lại sanh tâm ghen ghét
đố kỵ.
Chúng sanh vì mê mờ nên không nhận thức được mọi sự xảy ra trong cuộc
đời, không có chi là tự nhiên mà tất cả đều có nhân và quả của nó. Mỗi
hành động tạo tác hoặc thiện hoặc ác cuả ta ngày hôm qua thì chúng ta
lại phải nhận lãnh kết quả ấy ngày hôm nay; và, mỗi hành động tạo tác
tốt xấu của ngày hôm nay, thì ta lại nhận lãnh cái kết quả ấy cho ngày
mai. Tất cả những thứ quả báo thiện ác ấy không có một thứ tình cảm
riêng tư đối với một ai. Thâm tình như cha (mẹ) con, nghĩa nặng như vợ
chồng, cũng không chia sẻ nhau để nhận lãnh những thứ nghiệp lực thiện
ác sau khi chết.
Vì sợ nhân không tốt, chẳng sợ quả không lành; nên đức Thế Tôn của
chúng ta đã lìa bỏ ngôi vị Thái Tử mà vào rừng tu tập để tìm ra chân lý
giải thoát cho mình và cho mọi chúng sanh. Bồ Đề Đạt Ma cũng vì lo nhân
không tốt nên cũng đã lìa bỏ ngôi vị Thái Tử mà đi tu. Cũng thế, Trúc
Lâm Đại Đầu Đà (vua Trần Nhân Tông) tại Việt Nam cũng vì lo nhân không
tốt nên đã bỏ ngôi vua cắt tóc làm vị Sa Môn ẩn tu nơi thâm sơn hẻo
lánh, còn không biết bao nhiêu vị Thánh nhân khác nữa cũng đã làm như
thế là vì sợ nhân không tốt, và, lúc nào cũng vui vẻ để nhận lãnh những
thứ quả báo không vui nếu có.
Còn chúng ta chết trong mê mờ, sống trong cuồng vọng, chỉ lo hưởng
quả mà không biết tạo nhân. Hưởng thụ ở nơi: tiền tài, sắc đẹp, danh
lợi, ăn uống, ngủ nghỉ thì mong muốn đầy đủ sung túc; nhưng không có ý
muốn gây một nhân tốt. Suốt đời phiền hà trách móc tại sao ta lại gặp
những điều không vừa ý; nhưng không biết rằng đó là kết quả mà chính ta
đã tạo nhiều sự không vừa ý đến với những người chung quanh ta trước
kia, mà ta không biết hay cố tình không muốn biết.
Ta tự nghĩ say mê đắm chìm trong dục lạc của ái dục để rồi trầm luân
trong sáu nẻo luân hồi chịu không biết bao nhiêu là sự đau khổ triền
miên không lối thoát, vậy là kẻ trí hay người ngu? Người nhận thức được
nguồn mê nơi tâm, lo bồi dưỡng đức tánh thiện tâm mỗi ngày mỗi sáng,
dũng mãnh phát đại bi tâm cắt đứt tình ái si mê, ích kỷ riêng tư; lấy sự
cứu khổ chúng sanh làm sự nghiệp nhân hạnh xuất thế, người như vậy là
trí hay ngu? Thế gian lấy ngũ dục làm sự vui cho cuộc sống, nên bị đau
khổ trong sự sống mà không thoát ra được. Vì lấy dục lạc làm hạnh phúc
tạm bợ nên khi nhìn thấy một kẻ cắt ái từ thân, cắt tóc xuất gia thì họ
cho là kẻ vô trí ngu si; tại sao lại bỏ đời thơ mộng hạnh phúc mà tìm
nơi khổ xác; nếu trong gia đình có người phát tâm xuất gia họ lại tìm
cách ngăn cản ( có người quan niệm những kẻ đi tu là vì không có khả
năng tạo dựng sự nghiệp ở đời, hoặc vì thất bại tình ái...). Vì sao? Vì
tâm trí mê mờ điên đảo nên lầm tưởng chỉ có tận hưởng dục lạc của ngũ
dục ở thế gian là hạnh phúc nhất. Không tự nhận biết rằng những thứ mà
họ đang hưởng thụ là kết quả cửa sự đau khổ, mà, cũng là nguyên nhân gây
nên sự đau khổ cho ngày mai. Ta hãy nhìn lại chung quanh cuộc đời ở thế
gian này có mấy ai được tạm gọi là hạnh phúc an vui gọi là vừa ý, dầu
rằng thứ hạnh phúc ấy chỉ là tạm bợ vá víu trong nhất thời. Nhận thấy
được mê tâm là cội nguồn của ác nghiệp nên hãy dũng mãnh mà vứt bỏ những
ác duyên, vượt thoát ra ngoài phạm trù đối đãi thường tình thế nhân để
đạt đạo giải thoát; được như vậy mới thật sự là người đại trí, nhận thức
rõ được thiện ác quả báo vốn vô tình cảm.
Niệm Thánh hiệu Di Đà là gây nhân Phật
Chư thiên hữu hành trì pháp môn niệm Phật! Quý vị mỗi ngày thường
xuyên niệm Phật sáng tối hai thời, hoặc có người nhiều hơn nữa từ năm
đến mười ngàn câu. Tự mình nhận biết phước mỏng tội dày, không chút
thiện căn nhưng nhiều ác nghiệp; vì vậy mà hằng ngày nên chuyên cần tinh
tấn niệm phật không gián đoạn. Khi đi đứng lúc nằm ngồi, mỗi giờ mỗi
khắc đều phải nhiếp tâm vào câu Phật hiệu. Ta tự biết tội chướng không
tự nhiên mà tiêu diệt, phước đức thiện căn không nguyên nhân mà phát
khởi. Muốn tiêu diệt ác nghiệp, tăng trưởng phước đức, thì phải gắn công
thường xuyên niệm Phật tinh cần hằng ngày không gián đoạn. Chúng ta
biết lửa đang cháy thì phải cần nước để dập tắt; nhưng một ly nước lạnh
không thể dùng để làm tắt một khu rừng đang cháy. Muốn cho khu rừng hết
cháy thì phải cần đến nhiều đoàn xe cứu hỏa có khi phải dùng máy bay từ
trên không thả bột chữa lửa xuống thì mới có thể làm tắt được lửa. Cũng
vậy, một câu niệm Phật không thể tiêu tan được nghiệp ác nhiều đời, mà
phải chuyên cần tinh tấn niệm Phật hàng ngày thì ác nghiệp mới tiêu,
phước đức từ đó mà tăng trưởng. Chư vị nhìn thấy chỉ vì sợ hãi đem tâm
niệm Phật mà người tiều phu đã gây được nhân hạnh Bồ Đề để sau thời gian
80 ngàn đại kiếp gặp được Phật Thích Ca hóa độ; huống hồ ta chuyên cần
niệm hàng ngày niệm Phật thì làm gì mà vãng sanh Tây Phương không có
phần!
Tùy theo sức niệm Phật chuyên cần hằng ngày của ta nhiều ít, tín,
hạnh, nguyện sâu cạn mà ta được vãng sanh về cõi Cực Lạc trong nhiều
phẩm vị khác nhau; từ thượng phẩm thượng sanh đến hạ phẩm hạ sanh:
thượng, trung, hạ phẩm, mỗi phẩm chia làm 3 phần; thượng, trung, hạ cộng
chung là chín phẩm vị khác nhau từ thấp lên cao để đón chờ người niệm
Phật cầu vãng sanh. Niệm Phật nhập tam muội, đạt được lý nhất tâm lên
thượng phầm; đạt sự nhứt tâm sanh trung phẩm; nương nơi tín, hạnh,
nguyện vững chắc nhưng chưa nhứt tâm sanh được hạ phẩm thượng, trung
sanh. Những người thiện ác sâu dày thiện căn quá ít; nhưng lại được cơ
duyên thiện hữu tri thức hướng dẫn quay đầu niệm Phật, sám hối tội ác từ
trước cầu sanh Tây Phương một lòng tha thiết; tín, nguyện có nhưng hạnh
chưa đủ có thể đới nghiệp vãng sanh về Tây Phương ở hạ phẩm hạ sanh.
Sáu chữa Di Đà có năng lực diệt tan được bao tội lỗi phiền muộn trong
tâm thức của chúng sanh mê mờ vô thủy; xin thỉnh chư vị hãy chuyên cần
niệm Phật. Vãng sanh Tây Phương không cần ở phẩm vị cao; vì tất cả chúng
sanh ở đây không còn dục nhiễm sanh, chỉ toàn hóa sanh nơi liên hoa,
nhục thân thanh tịnh; đồng một thể với Pháp thân Bồ Tát, tâm niệm bất
thối, đạo tâm viên mãn đồng với chư Phật, quả vị chánh giác gần kề không
xa.
Nhân đây nên biết, niệm Phật là Phật nhân, vãng sanh Tây Phương gặp
Phật nghe pháp viên thành đạo quả là Phật quả, thỉnh chư vị hãy niệm
Phật tinh chuyên mà cầu sanh Cực Lạc!
Đoạn trừ sanh tử chơn thật phú quý
Người học Phật cần có chánh tâm, chánh trí để nhìn thấy mọi sự việc
đang xảy ra chung quanh cuộc sống hàng ngày, trong đó có vấn đề tu tập.
Không có chánh kiến thì ta sẽ nhìn sai vấn đề và không đạt được chân
thật lợi ích của sự tu tập. Người học Phật, niệm Phật cầu vãng sanh
không đồng với người thế tục mà hành động, mong cầu: thăng quan tiến
chức, tiền của đầy nhà, vợ đẹp con ngoan… mà mục đích của người học Phật
là mong cầu giải thoát. Nếu học Phật, niệm Phật mà chỉ mong cầu thăng
quan phát tài thì có khác chi người thế tục, ngoại đạo. Người học Phật,
niệm Phật không phải chỉ để cầu những thứ tiền bạc danh vọng tạm bợ thế
gian thường tình mà chỉ mong cầu chơn thật phú quý, thứ phú quý không
mang lại cho chúng sanh một sự ưu phiền khổ lụy, mà, nó có khả năng làm
cho chúng sanh luôn luôn vĩnh hằng trong hạnh phúc.
Những thứ phú quý thường thấy ở thế gian là cội nguồn của sanh tử, là
bức tường ngăn cản đạo quả giải thoát. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương,
chương thứ mười hai dạy rằng : “phú quý học đạo nan…” . Phú tức gồm có
những thứ tài sản của cải, quý ấy là danh vọng; danh vọng và tiền tài là
hai món ngũ dục mà người tu cần nên bỏ. Người càng nhiều danh vọng tiền
bạc thì sẽ bị những ác duyên ấy cột chặt, muốn tu học, niệm Phật cầu
vãng sanh thì là một điều rất khó. Đời người chủ yếu là thân thể tráng
kiện, tinh thần minh mẫn, sinh hoạt hằng ngày về vật chất tạm đủ thế là
tốt mà cũng thuận tiện cho công việc tu trì.
Hiện tại chúng ta đang sống tại thành phố Perth ở Úc Đại Lợi, cuộc
sống vật chất gọi là đủ, mong rằng quý vị biết đủ mà không có lòng mong
cầu quá nhiều trong sự tranh danh đoạt lợi để sẽ bị chướng ngại trên
đường tu niệm. Nếu lòng mong cầu tài lợi quá nhiều thì khó mà thành tựu
được đạo nghiệp, khó mà niệm Phật dứt hết phan duyên để cầu sanh cảnh
Cực Lạc.
Chúng ta hãy nhìn, phần nhiều những người giàu có trên thế giới tuy
có chút ít phước đức hữu lậu kiếp trước nay được làm người giàu sang, có
địa vị; nhưng hiện đời thì lại tạo nhiều điều tội ác: không việc gì làm
giàu nhanh bằng buôn lậu bạch phiến, vũ khí.. mà những thứ này lại là
những điều tội ác vô cùng cực; cho đến những kẻ trốn thuế, lường gạt,
bóc lột công nhân… có như vậy thì họ mới mong kiếm được nhiều tiền; và
sự thanh toán nhau bằng xương máu mới mong giành được một chút ít địa vị
trong xã hội. Ít ai trên thế giới này kiếm ra được nhiều tiền bằng một
tấm lòng lương thiện. Ngay cả những người được xem là mô phạm cho quần
chúng; nhưng họ cũng xây dựng tiền tài danh vọng bằng sự lường đảo cướp
giựt có hệ thống từ công lao của nhiều người khác đóng góp hoặc gián
tiếp hoặc trực tiếp. Phú quý rồi mà có tấm lòng lương thiện giúp đỡ
người nghèo khổ thì lại có mấy ai. Càng giàu thì họ càng muốn giàu thêm,
địa vị càng cao thì họ lại muốn cao hơn nên không từ nan những thủ đoạn
hạ tiện thấp hè, tội ác mà bám lấy và xây dựng địa vị của mình. Cho nên
nói phú quý mê trong tiền bạc, danh vọng mà quên mất đạo nghiệp; vì lẽ
đó Phật dạy người tu không nên mong cầu phước đức hữu lậu ở thế gian mà
đi vào vòng sanh tử đau khổ.
Mấy ai đang ở trong cảnh phú quý mà vượt được ra ngoài sự đam mê của
ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy; kẻ đam mê ngũ dục là đang gây nhân
hạnh của cảnh giới ác đạo. Vì lẽ đó nên muôn ngàn lần lưu ý những ai
đang niệm Phật cầu vãng sanh không nên để tâm mong cầu danh lợi ở thế
gian.
Phật Pháp khuyên ta tu lục độ vạn hạnh, hành hạnh bồ tát là “Phú”;
liễu sanh thoát tử chứng nhập đại Niết Bàn là “Quý”. Phàm phu quay cuồng
trong lục đạo luân hồi sanh sanh tử tử, nay nhận thức được tự tâm, thấy
được lẽ sống chết, chứng A La Hán, ra ngoài tam giới gọi là đoạn sanh
tử trong lục đao. A La Hán phát Bồ Đề tâm thực hành Bồ Tát đạo, nhìn
thấy các pháp như huyễn, rời pháp chấp, phá từng phần vô minh chứng từng
phần pháp thân, viên thành phật đạo, gọi là đoạn trừ biến dịch sanh tử.
Thành tựu được như vậy gọi là giải thoát nhị chủng sanh tử; đây mới
thật là đạt được chân thật “Phú Quý”.
Chư phật được tôn xưng là bậc tối thượng, là thầy của người trời vì
đã thật sự đầy đủ chân thật phú quý. Vì chư Phật và Bồ Tát có đầy đủ
chân thật phú quý nên mang cho chúng sanh cùng khắp mười phương thế giới
mà không sợ vơi hết. Không phải như những thứ phú quý tạm bợ ở thế gian
cho đi thì người ta sợ hết, cho nên họ có tham tâm muốn cất giữ, mà
càng cất giữ thì càng mang nhiều sự đau khổ.
Chúng ta là người học phật, niệm Phật cầu vãng sanh thì nên noi theo
chư Phật và Bồ Tát mà mong cầu chân thật phú quý xuất thế, mới thật sự
là chơn chánh Phật tử.
Niệm phật phải nhất tâm
Chư thiên hữu! Hôm nay học Phật, chọn pháp môn niệm Phật cầu sanh Tây
Phương, trước hết phải đầy đủ ba việc: tín, hạnh, nguyện. Trong Di Đà
yếu giải có dạy rằng: “ chẳng có tín tâm thì không đủ nguyện lực, nguyện
không tha thiết thì hạnh không chuyên cần; không chuyên cần niệm Phật
đến nhất tâm thì tín, nguyện sẽ không viên thành”. Hôm nay, chúng ta
nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì nhất định phải tinh chuyên
thường niệm hàng ngày.
Bằng phương pháp nào để ta niệm Phật có kết quả mau chóng?! Niệm phật
gồm có bốn cách: thật tướng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, quán tượng
niệm Phật và trì danh niệm Phật. nhưng với thời mạt pháp hiện tại,
chúng sanh phần nhiều chạy theo ngoại cảnh; pháp môn trì danh niệm Phật
là hợp cơ hợp thời đối với mọi người. Trì danh niệm phật là pháp dễ thực
hành cho mọi tầng lớp già trẻ, sang hèn…mau đạt thành kết quả dễ nhất
tâm. Nhưng phải trì danh bằng cách nào? Hằng ngày ta thường xuyên niệm :
“A Di Đà Phật” hoặc “ Nam Mô A Di Đà Phật” công đức đạt thành không gì
khác nhau. Tại sao ta không niệm thêm nhiều danh hiệu của các đức Phật
khác mà ta chỉ niệm riêng danh hiệu của Phật A Di Đà? Vì niệm nhiều danh
hiệu thì tâm ta sẽ phân biệt và tán loạn, nếu chuyên tâm một danh hiệu
của đức Phật thì ta dễ được nhất tâm hơn. Và, ta chỉ chuyên tâm niệm
danh hiệu của Phật Di Đà là vì cõi Tây Phương Cực Lạc do thanh tịnh tâm
của chúng hội Bồ Tát tạo thành; nên khi ta được sanh vào thì liền được
vị bất thối đồng với chúng hội Bồ Tát khác; do công đức thù thắng này
mà đức Thích Ca khuyên ta nên niệm danh hiệu Phật Di Đà để cầu sanh về
cảnh Cực Lạc. Chư Tổ sư cũng dạy: “ chuyên tâm niệm Phật vạn người tu
vạn người vãng sanh”.
Hôm nay, chúng ta niệm Phật sáu chữ hay bốn chữ không có gì khác
nhau, nhưng điều chủ yếu là khi niệm mỗi chữ mỗi chữ phải rõ ràng, phải
nhất tâm cung kính. Miệng niệm tai nghe, tâm suy nghĩ từng chữ từng câu
cho thật rõ, cứ như vậy mà tiếp tục niệm, từ một câu cho đến ngàn vạn
câu cũng đều rõ rang thông suốt trong tâm. Ngày nay niệm như vậy, ngày
mai cũng niệm như vậy, năm này tháng nọ cũng niệm như vậy, năm tới tháng
tới cũng niệm như vậy; cho đến mười năm, hai mươi năm, một trăm năm
cũng tiếp tục niệm như vậy không gián đoạn, không thay đổi. Thường xuyên
niệm như vậy, tâm không thay đổi mà bản rằng không được vãng sanh Tây
Phương là điều không thể xảy ra.
Chúng ta niệm Phật giống như ăn cơm uống nước hằng ngày. Nếu một ngày
ta không ăn không uống thì cơ thể tâm thần ta không được yên ổn. Cũng
vậy, chúng ta niệm Phật đến khi nào nếu thỉnh thoảng bị quên không niệm
mà cảm thấy thiếu thốn khó chịu như thiếu ăn thiếu uống thì đã có kết
quả. Chúng sanh sanh vào thế giới dục giới này là do chúng ta ghiền ăn,
ghiền uống, ghiền tình ái, ghiền tham dục phiền não… nay ta muốn cầu
sanh Tây Phương thì phải cai những thứ bệnh ghiền của thế giới Ta Bà
không hợp với chúng sanh Tây Phương; vì bệnh ghiền của chúng sanh Tây
Phương là ghiền niệm Phật, nghe pháp.
Niệm Phật cầu sanh tây Phương không phải chỉ niệm một ngày hai ngày,
mà phải chuyên cần thường xuyên niệm cho đến ngày lâm chung. Sau khi
sanh về Tây Phương thấy Phật nghe pháp, tiến tu chứng được quả vị bất
thối Bồ Tát ở nơi thường Tịch Quang Độ đồng với pháp thân Chư Phật. Bây
giờ ta có thể ở trong thanh tịnh pháp thân mà thị hiện khắp mười phương
thế giới để hoằng hóa cứu độ chúng sanh, trong đó có thế giới Ta Bà mà
ta muốn đến. Đừng lo không duyên với thế giới Ta Bà mà hãy lo rằng tự ta
niệm Phật không tinh chuyên đến chỗ nhứt tâm.
Vạn người niệm Phật vạn người vãng sanh
Ấn Quang Tổ sư một vị Cao Tăng Trung Quốc cận đại có dạy: “ mạt
pháp cận đại muôn vạn người tu khó được một vài người chứng đạo, duy chỉ
nương theo pháp môn Tịnh Độ niệm Phật cầu vãng sanh khả dĩ được giải
thoát”. Phật pháp chia ra làm ba thời kỳ: lúc Phật còn tại thế cho
đến một ngàn năm sau Phật nhập diệt là thời kỳ chánh pháp, thính chúng
trực tiếp nghe Phật và các vị Bồ Tát, A La Hán thuyết giảng, tự quán sát
tu tập, vạn người tu đạo, vạn người chứng đạo. Sau một ngàn năm Phật
nhập diệt, Tăng đoàn đại đệ tử toàn là những vị Bồ Tát, A La Hán truyền
bá Phật pháp, hướng dẫn mọi người tu học, do ảnh hưởng tu tập của các vị
Thánh Tăng, nên hàng đệ tử đối với sự chứng ngộ giải thoát có phần dễ
dàng, trăm người tu năm bảy chục người chứng đạo; thời gian này cũng kéo
dài cả ngàn năm sau thời chánh pháp được gọi là thời tượng pháp, từ năm
Phật lịch 1000 đến năm 2000( Tây Lịch 500-1500). Thời kỳ mạt pháp bắt
đầu từ Phật Lịch 2001 (DL1501) đến 10,000 năm sau. Hiện tại chúng ta đã ở
thời kỳ mạt pháp khoảng 500 năm, nên biết rằng chỉ nương theo pháp môn
niệm Phật mà thoát sanh tử, ngoài ra tu các pháp môn khác cũng tốt
nhưng vạn người tu khó có được vài người chứng đạo giải thoát. Pháp môn
tu cũng phải tùy thời tùy cơ phù hợp với điều kiện và phương tiện cho
người tu; vì xã hội hiện tại cơ khí quá nhiều nên con người cũng trở
thành quá cơ tâm; do đó chỉ y lục tự Di Đà mới tiêu trừ được cơ tâm mà
đưa người về nơi cõi Tịch Quang Tịnh Độ. Đành rằng pháp môn nào cũng do
Phật dạy, nhất là chính Phật do ngồi thiền mà thành Phật chứ không do
niệm Phật mà thành Phật. Nhưng căn cơ chúng sanh thì có khác (nếu không
thì chúng ta thành Phật rồi), nên đến thời mạt pháp duy chỉ lấy sáu chữ
Di Đà mà được độ thoát. Giống như chúng ta trồng cây, phải tùy theo thời
tiết khí hậu thì cây mới phát triển; cây phù hợp với khí hậu nhiệt đới
ta không thể đem trồng ở nơi hàng băng. Mùa đông lạnh ta không thể không
mặc áo ấm, mà chỉ mặt một chiếc áo mỏng của mùa hè tuy rằng chiếc áo
được may bằng một loại vải đặc biệt và được kiến bởi một thợ may nổi
tiếng.
Chúng ta là người học Phật tự biết rằng, mọi sự vật có mặt ở thế gian
dầu do nhơn duyên giả hợp tạo thành và bị chi phối bởi định luật biến
đổi vô thường của vũ trụ: sanh, trụ, dị, diệt; hay thành, trụ, hoại,
không; Phật pháp hay phương pháp tu cũng không ngoại lệ. Thiền đã đưa
người tu chứng liễu sanh thoát tử trải qua hơn hai ngàn năm và nay đến
thời kỳ suy yếu, đây cũng là lẽ tự nhiên không có gì phải bối rối lo âu
mà cần biện luận. Do đó, chúng ta không cần thiết phải đặt câu hỏi tại
sao trong các chùa Bắc Tông tuy là nằm trong hệ thống thiền; nhưng, hai
thời công phu thì chuyên về Tịnh Độ và có pha lẫn một ít Mật Tông, như
một vị Thiền sư đương thời đã đặt câu hỏi. Hoặc vị Thiền sư khác cho
rằng cần phải phục hồi thiền Tông; nếu chúng ta làm được thì đâu còn
định luật của thành, trụ, hoại, không; mà ngay cả thuyết vô thường biến
đổi cũng không còn chỗ đứng, và, nếu như vậy thì Phật pháp luôn ở trong
thồi kỳ chánh pháp, làm gì có tượng pháp và mạt pháp. Cho nên, điều cần
thiết mà người tu muốn nói đó là làm sao giúp ích cho mọi tầng lớp quần
chúng tu tập được kết quả, diệt đau khổ ở thế gian, liễu sanh thoát tử,
càng nhiều càng tốt; chớ không phải chỉ lo bàn đến phương pháp tu mà
không đem lại kết quả cho quảng đại quần chúng.
Căn cơ chúng sanh cách đây hai ngàn năm phù hợp cho sự thiền tọa và,
nhiều người đã tu chứng đạo không có một vị tổ sư nào của Tịnh Độ Tông
không vui vẻ thấy những người bạn mình được chứng quả; vì quý ngài biết
rằng thời kỳ truyền bá pháp môn niệm Phật cho quần chúng chỉ ở thời mạt
pháp, không phải là ở thời chánh pháp và tượng pháp. Quý ngài là những
bậc đại triệt đại ngộ nên nhìn thấy rõ được sự lưu hành của các pháp
trong vũ trụ. Và tại sao từ năm trăm năm trở lại đây (đang bước vào thời
kỳ mạt pháp) thiền tập đang suy dần và pháp môn niệm Phật đang được phổ
cập rộng rãi trong quảng đại quần chúng, từ hàng xuất gia đến người tại
gia ai ai cũng niệm Phật; Tăng cũng như tục ở các quốc gia Trung Hoa,
Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan...mỗi khi gặp nhau đều niệm : “A
Di Đà Phật”. Sự kiện trên cho ta thấy Tịnh Độ Tông đang ở vào thời kỳ
cực thịnh và phổ cập trong quần chúng hơn các pháp môn tu khác. Cho nên
các Tổ, ngay cả các ngài Vĩnh Minh, Triệt Ngộ, Liên Trì...là những Thiền
sư nổi tiếng sau khi chứng đạo, đã cầu vãng sanh Tây Phương và, đã giới
thiệu mọi người nên niệm Phật cầu vãng sanh là pháp môn tu phù hợp nhất
cho thời mạt pháp.
Trong kinh Đại Tập đức Thế Tôn có dạy: “ mạt pháp muôn vạn người tu, một vài người chứng quả, duy chỉ nương nơi niệm Phật mà được đoạn sanh tử”.
Đây là lời của các Tổ sư bên Tịnh Độ Tông, lại càng không phải là lời
của Thiên Ma hay ngoại đạo. Điều đó cũng cho ta biết rằng đức Phật không
chỉ tùy theo căn cơ của chúng sanh lúc Ngài còn sanh thời để hóa độ;
mà, Ngài cũng tùy căn cơ của chúng sanh trong thời mạt pháp như chúng ta
hiện tại nên phương tiện thuyết giảng pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh.
Cho nên nói pháp môn niệm Phật là môn tu đơn giản và hợp cho mọi người ở
thời mạt pháp là vậy.
Lời nói trên là của Như Lai nói ra, nếu ai có nghi ngờ hay cho rằng
tu theo niệm Phật là không hợp, hoặc chỉ giành riêng cho những người yếu
kém khả năng tự lực...thì đó chẳng phải là Phật tử, mà đó là những bạn
hữu của ngoại đạo, là tín đồ của Thiên Ma. Dầu cho những vị đó là người
cạo tóc xuất gia, mặc áo Như Lai, mà có lòng nghi ngờ lời nói Như Lai,
nói những lời làm cho nhiều người hoang mang; như vậy, người ấy thật sự
là người không có chánh kiến, nói những lời điên đảo, là con dân của ma.
Vì lẽ trên thỉnh chư vị thiện hữu tri thức không nên có tâm giao
động, có lòng nghi ngờ; dầu cho có người danh tiếng đông đảo người theo,
thuyết giảng biện tài phi thường, nói rằng phương pháp tu này hay,
phương pháp tu nọ mau chứng quả...thì xin chư vị hãy nhất tâm không loạn
động trước sau như một chuyên cần trì niệm danh hiệu “ A Di Đà Phật” mà
cầu vãng sanh về Tây Phương. Phật Di Đà đang chờ đón quý vị như mẹ
trông con, thời mạc pháp không còn con đường nào khác hợp với ta hơn,
xin chư vị đừng chần chờ, hãy cố gắng niệm Phật. Nam Mô A Di Đà Phật!
Niệm Phật cần phải dụng tâm
Chư thiện hữu! Hôm nay chư Phật tử về chùa tham dự vào tuần lễ niệm
Phật, điều cốt yếu trong tuần lễ niệm Phật, quý vị cần nhiếp tâm, tâm
niệm cần phải tương ưng. Niệm Phật không phải chỉ dùng miệng niệm mà để
tâm tán loạn thì sẽ không có kết quả. Hám Sơn đại Sư có dạy.”miệng niệm Di Đà nhưng tâm tán loạn, kết quả chỉ đem lại sự hao hơi tốn sức mà thôi”.
Do đó chúng ta nên biết pháp môn niệm Phật cần phải miệng niệm tâm lắng
nghe. Miệng niệm ra tiếng không nên quá lớn sẽ bị tổn hơi, không nên
niệm thầm dễ bị tán loạn. Tâm theo dõi và ghi nhớ từng câu niệm Phât rõ
ràng: Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật!
Thời mạt pháp căn tánh chúng sanh chạy theo ngoại cảnh quá sâu, nên
không thể dùng tâm mật niệm Phật, mà, phải dùng miệng niệm ra tiếng,
dùng tâm theo dõi từng câu để cho tâm không bị ngoại cảnh làm tán loạn.
Dùng tâm kiểm soát từng câu niệm Phật, tức tâm luôn an trú trong hiện
tại. Mỗi câu niệm phật đi qua tâm ghi nhớ rõ ràng tương tục không gián
đoạn, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Không phải chỉ có
tuần lễ niệm Phật này, mà, quý vị hãy dùng tâm tương tục trong những
tuần lễ niệm Phật kế tiếp; không phải chỉ trong tuần lễ niệm Phật tại
chùa quý vị mới nhiếp tâm tương tục, mà, phải nhiếp tâm tương tục từng
chữ từng câu một từ chùa về nhà, từ nhà đến xưởng, từ xưởng đến công
viên... mỗi niệm mỗi niêm trôi qua tương tục từng câu hiệu Phật không
quên sót. Niệm như vậy thì miệng mới thuần tâm mới tịnh, công đức vãng
sanh Tây Phương mới thành tựu.
Chúng ta niệm Phât ngày hôm nay tâm phải chí thành, nguyện phải tha
thiết; ngoài tự lực niệm Phật riêng mình và nguyện lực tha thiết cầu
sanh Tây Phương còn lại chúng ta còn có tha lực của Phật A Di Đà tiếp
dẫn nên kết quả sẽ tăng thêm nhiều lần, hãy chuyên cần lên nhiều hơn
nữa thưa quý Phật tử.
Chúng ta dụng công niêm Phật liên tục cùng với đại chúng mỗi đêm tại
đạo tràng Phổ Quang Tây Úc này trong vòng một tuần lễ với sức gia trì
của Phật lực, sức đồng thinh thành tâm của đại chúng sẽ tăng thêm tín,
hạnh, nguyện lực cho quý vị trong công đức niệm Phật của đại chúng, sự
trang nghiêm của đạo tràng khiến cho tâm của quý vị đi dần vào sự an
tịnh và diệt trừ được mọi loạn động.
Chư vị đã biết, Phật tức là giác ngộ; vậy nay ta niệm Phật là niệm sự
giác ngộ, là mỗi thời mỗi khắc trôi qua tâm ta tự giác ngộ: tâm an tịnh
nơi hiện tại, mỗi câu niệm Phật tai nghe rõ ràng và tâm ta an trú trong
từng câu niệm Phật. Niệm được như vậy là hiện tại ta đang an lạc đối
với trần lao phiền trược trong thế giới Ta Bà và không còn công đức nào
vượt được hơn nữa. Dụng công chí thành niệm Phật như thế, không phải chỉ
riêng tuần lễ tại đạo tràng Phổ Quang mà, ở nơi tư gia của quý vị cũng
phải tinh tấn không lui sụt như khi tham gia niệm Phật tại đạo tràng.
Như vậy, phần vãng sanh của quý vị không sợ bị mất, hãy an lạc nơi tự
tâm mà niệm Phật!
Thân khẩu ý thanh tịnh đạo nghiệp viên thành
Dụng công niêm Phật cầu sanh tây Phương Cực Lạc chủ yếu là niệm
thường tương tục không gián đoạn; công phu không phải chỉ một ngày hai
ngày mà phải hằng thường niệm Phật. Thân, miệng, ý ba nghiệp tương ưng
không tạp loạn giao động. Tâm quán tưởng nhớ Phật, miệng hằng niệm danh
hiệu Phật, thân thường lễ lạy phật ngày đêm không gián đoạn.
Đem thân này lễ Phật cầu sanh Tây Phương, cho nên thân này phải đoan
nghiêm chánh trực không: sát, đạo, dâm; khi đi đứng lúc nằm ngồi phải
cho đoan chánh. Mắt không nhìn xéo liếc ngang, tai không nghe những lời
nói to nhỏ, mũi không đắm theo hương vị thơm tho.. cho đến thân không
chạm xúc những nơi trơn láng dịu dàng, được như vậy thân ta mới thanh
tịnh.
Miệng niệm Phật không luận là niệm lớn, niệm vừa, niệm nhỏ hay mật
niệm, điều cốt yếu là niệm niệm phải tương tục. Nhưng với căn cơ ngày
nay thì người niệm Phật phải niệm ra tiếng vừa đủ tai nghe, tâm ghi nhớ
từng niệm là tốt nhất; vì niệm quá lớn thì sanh lao lực, niệm thầm thì
dễ bị hôn trầm. Nếu ở nơi đạo tràng cùng với đại chúng đồng niệm thì
phải tùy đại chúng chung quanh mà niệm, miễn sao âm thanh niệm Phật của
ta hòa đồng với mọi người mà không bị ngăn ngại là được. Nếu người không
có sức lực thì tự riêng mình mật niệm cũng được nhưng phải ghi nhớ mỗi
niệm cho rõ ràng tương tục không gián đoạn, đừng để vọng tưởng xen tạp.
Miệng hằng ngày niệm Phật nên một câu thị phi ngoài đời cũng không bàn
đến như vậy là miệng ta được thanh tịnh.
Ý tương ưng là như thế nào? Thân lễ Phật, miệng niệm Phật, mỗi mỗi
câu niệm Phật, mỗi mỗi lễ niệm Phật, tâm ý đều ghi nhớ rõ ràng, từ một
niệm cho đến ngàn vạn niệm, từ một lạy cho đến ngàn vạn lạy; tâm không
giao động tạp niệm thời thời minh bạch nên đạt được công đức bất khả tư
nghì, vô lượng vô biên. Bây giờ, niệm một niệm là hằng hà sa số niệm, âm
thanh của một niệm cũng là âm thanh của tam thiên đại thiên thế giới
:(*), cho đến đồng với âm thanh của mười phương Phật sát vi trần quốc
độ. Niệm một Phật là niệm hằng hà sa số Phật; niệm Ứng Thân, Hóa Thân
Phật là niệm Pháp Thân Phật; lạy một Phật là lạy hằng hà sa số Phật, lạy
Ứng, Hóa Thân Phật là lạy Pháp Thân Phật. Niệm lạy như vậy tức là ba
nghiệp: thân, khẩu, ý tương ưng thanh tịnh, mà, cũng là viên thành được
Phật đạo. Thỉnh chư vị niệm: Nam Mô A Di Đà Phật!
- *Tam thiên Đại Thiên: là thế giới của đức Phật Thích Ca làm Giáo chủ gồm có:1000x1000x1000=1,000,000,000 (một tỷ) tiểu thế giới (danh từ khoa học gọi là một tỷ thái dương hệ).
Niệm Phật tiêu tội chướng, phước tuệ sanh.
Chúng ta hàng ngày dụng công niệm Phật, tội chướng sẽ được tiêu diệt,
thiện căn phước đức trí tuệ cũng từ nơi đó mà tăng trưởng; và, bao
nhiêu phiền não tri chướng cũng sẽ từ đó mà đứt sạch. Khi niệm phật
chúng ta tập trung toàn bộ tinh thần vào câu niệm Phật, không phân biệt
có người niệm và danh hiệu Phật đang niệm; được như vậy thì mới đạt được
tối an lạc của sự niệm Phật.
Tâm chuyên chú vào danh hiệu A Di Đà Phật, thì phiền não nhiễm tình
vọng động mới dứt, tâm thanh tịnh mới hiển bày, tội chướng nghiệp lực từ
vô thủy dần dần tiêu diệt, trí tuệ phát sanh.
Tâm chúng sanh xưa nay vốn đầy đủ các đức tướng đại từ đại bi, đại
nguyện, đại hạnh, đại trí, đại lực...nhưng vì mê theo trần cảnh, nên
không thường hay chiếu diện. Các vị Bồ Tát đã nhiều đời tu lục độ vạn
hạnh, phá trừ nhiều phần vô minh phiền não nên thường hay hiển bày các
đức tướng diệu dụng ấy, mà, độ thoát chúng sanh ra ngoài vòng sanh tử.
Ngài Văn Thù Bồ Tát là đại diện cho đại trí, Quán Thế Âm Bồ Tát là đại
bi, Địa Tạng Bồ Tát là đại nguyện, Phổ Hiền Bồ Tát là đại hạnh, Di Lặc
Bồ Tát là đại hỷ...chúng ta hiện thời vì vô mình dày đặc nên không có
khả năng hiển bày các đức tướng như các ngài; nên ngày ngày chúng ta
phải nương nhờ công đức năng lực của sáu chữ : ”Nam Mô A Di Đà Phật” mà
hiển bày các đức tướng vi diệu nơi tâm.
Do vì chúng ta là kẻ phàm phu tội chướng sâu dày không có một chút
công đức khả dĩ để tự bố thí cho chính mình, cũng như giúp đỡ cho mọi
người chung quanh đang cần các vị Bồ Tát đã và đang làm; nên ta nương
nhờ nơi câu thánh hiệu của Phật A Đi Đà đầy đủ công đức trí tuệ vô
lượng vô biện, mà, làm người chủ nhân mang phước đức trí tuệ ấy đến với
mọi người. Giống như ta vốn không có một đồng xu, nhưng cha mẹ ta là
người giàu có nhất vùng; do đó mà ta có thể nương nhờ nơi tài sản của
cha mẹ, để làm việc bố thí cơm gạo cho những người khốn cùng.
Công đức của Thánh hiệu Di Đà không lường như hư không, tuy không có
hình dạng nhưng tất cả những núi sông, rừng biền, mặt trời, mặt trăng...
không một vật nào mà không nằm trong hư không. Cũng vậy, niệm danh hiệu
Di Đà là niệm vô lượng hằng sa công đức của lục độ vạn hạnh. Vì sao?
Bởi vì Di Đà Như Lai đã từ vô lượng hằng hà sa số kiếp tu hành lục dộ
vạn hạnh, chứa đầy công đức vô lậu như hư không, trang nghiêm Phật quốc
Tịnh Độ.
Hài nhi sanh ra đời bú sữa mẹ để lớn, trong lúc bú sữa mẹ để lớn,
trong lúc bú sữa mẹ, hài nhi không biết rằng thân thể mình lớn khôn là
do nơi sữa của người mẹ; cũng không biết khi bú như vậy khiến cho thân
thể người mẹ bị tổn giảm nên không nhận thức được công khổ khó nhọc của
người mẹ nuôi con. Hài nhi phải cần bú sữa mỗi ngày thì thân mới khỏe
mạnh và lớn nhanh, không có bệnh hoạn; nếu bú sữa không đủ thì hài nhi
sẽ bị bệnh và ốm yếu. Cũng thế, sáu chữa Di Đà Thánh hiệu có năng lực
nuôi dưỡng Pháp thân tuệ mạng của ta trưởng thành từng giờ từng ngày,
nếu chúng ta niệm Phật thường xuyên không gián đoạn; bằng ngược lại
chẳng những trí tuệ không phát sinh mà phiền não tội chướng lại tăng
trưởng, như em bé bú sữa không đều sanh ra bệnh hoạn. Do công đức vô
lượng của sự niệm Phật như vậy: thỉnh chư vị cùng niệm Phật để tội
chướng từ nhiều đời nhiều kiếp được tiêu diệt và, phước huệ cũng từ nơi
đây mà sanh trưởng. Nam Mô A Di Đà Phật!
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Đăng nhận xét