"Nhưng ngày xuân,
đặc biệt trong thời khắc giao mùa, để được cùng người thân của mình
đến lễ chùa, tụng kinh, sám hối… nó còn là một phần phước vô cùng
quý báu của người Phật tử..."
Đã
từ lâu chùa Phật Huệ đã trở thành điểm tựa tâm linh, một mái ấm
chung vui cho các Phật tử trong mỗi độ xuân về. Cũng vì thế càng những
ngày xuân cận kề – Xuân Giáp Ngọ 2014 công việc chuẩn bị cho đêm Giao
Thừa – Đón Tất Niên và 3 ngày Tết lại càng thêm bận rộn và vất vả
khôn lường…
Nước Đức năm nay xuân về không có tuyết. Thiếu đi những bông tuyết trắng lao xao, chao liệng trong không gian mơ mơ, ảo ảo – không gian miên man của mỗi độ xuân về, hình như cũng làm cho khí xuân bớt đi phần hương sắc. Nhiều người bảo: tuyết rơi xứ trời Âu cũng giống như mưa xuân của đất Việt – Xuân về phải có chút mưa phùn. Trong không gian se lạnh, lớt phớt những hạt mưa rơi, nhỏ, mịn, tinh khôi, thấm lên tóc, lên môi, lên da thịt… để rồi ai ai cũng cảm được và tưởng như hương thơm mát lạnh của đất trời đang hoà quện trong mỗi nhịp đập của trái tim, trong từng làn da, thớ thịt, trong từng hơi thở của chính mình. Tuyết rơi - Mưa phùn là hương sắc của đất trời, của mùa xuân… có lẽ vì thế, năm nay dẫu tuyết không rơi, mưa không lất phất nhưng đến hẹn – Xuân vẫn cứ lại sang…
Chùa
Phật Huệ trước giờ Giao Thừa, từ Chánh Điện cho tới từng khóm cây,
góc nhỏ đều bừng sáng trong hương sắc ngày xuân.
Xuân
đến phải có mai, có đào. Từ lâu lắm rồi, mai-đào luôn là hai biểu
tượng không thể tách rời, bởi nó không chỉ đại diện cho hương sắc
của mùa xuân, hơn thế mai-đào là sự đan quện cho sự hoà nhất của
người dân hai miền Nam-Bắc. Thiếu mai, xuân dường như trống vắng; vắng
đào, xuân cũng kém phần thi vị. Cũng vì thế Chánh Điện Phật Huệ
không năm nào vắng đi hương sắc của sự hoà nhất Bắc-Nam đó.
Năm
nay - Năm Giáp Ngọ, vì vậy một tiểu cảnh đại diện cho năm Giáp Ngọ
cũng được bài trí tuy giản đơn nhưng cũng đầy ý nghĩa ngay cửa ra
vào nơi Chánh Điện. Một chú ngựa nhỏ, da nâu sáng, thân mình săn
chắc, đôi mắt mở to, vừa tươi vui, vừa rực sáng cùng mái bờm dài,
óng mượt đứng dõng mãnh trong tư thế phi nước kiệu, hướng về nơi Đại
Hùng Bảo Điện. Trên xe ngựa là tôn tượng của Đức Di Lặc Tôn Phật,
với nụ cười hỉ lạc thường trực trên môi và cái bụng thật to, tròn -
Biểu tượng của lòng hỉ-xả và kham nhẫn:
“Bụng trống năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ
Miệng lớn hay cười, cười những việc khó cười trong thế gian.”
Chiều
30 Tết – Xuân Giáp Ngọ, các Phật tử từ khắp mọi miền nước Đức đều
nô nức đổ về chùa để cùng nhau chờ đón và chung vui năm mới.
Giao
thừa năm nay nhằm đúng ngày Thứ Năm, ngày làm việc, nhưng hầu như các
Phật tử đều ráng thu xếp công việc, cũng như chuyện gia đình, chuyện
làm ăn, rồi cùng nhau về chùa để mừng năm mới. Ngày xuân – đi lễ
chùa không phải ai ai cũng có được cái niềm vui đó. Nhưng ngày xuân,
đặc biệt trong thời khắc giao mùa, để được cùng người thân của mình
đến lễ chùa, tụng kinh, sám hối… nó còn là một phần phước vô cùng
quý báu của người Phật tử. Đây cũng là lý do, dẫu phải sống xa
chùa, dẫu công việc bận rộn trăm nẻo… nhưng Giao Thừa đến, mọi người,
mọi nhà vẫn phải ráng thu xếp thật ổn thoả để về chùa đón xuân.
Xuân đến, mấy ai trong chúng ta không ước nguyện cho gia đình, người thân và một chút cho chính mình… luôn có được những niềm vui, và hạnh phúc? Tuy nhiên làm sao để niềm vui và hạnh phúc đó luôn thường trực trong cuộc sống của mỗi chúng ta, hầu như luôn là một dấu hỏi lớn đi theo chúng ta trong mọi hành trình của cuộc đời. Đây cũng chính là những suy tư mà Ban Tổ Chức cũng như Chư Tôn Đại Đức Tăng Ni chùa Phật Huệ luôn luôn quan tâm, dõi theo và đặt ra trong các khoá tu cũng như những Phật sự, đặc biệt vào những dịp Năm Mới, do chùa tổ chức.
Đêm
Sám Hối Tất Niên được diễn ra trong bầu không khí thật trang nghiêm và
ấm cúng. Không gian mùa xuân ngập tràn nơi Đại Hùng Bảo Điện. Trong
nghi ngút hương trầm, Thượng Toạ Thích Từ Trí cùng Tăng Đoàn chùa
Phật Huệ đã hướng dẫn các Phật tử cùng nhau đảnh lễ Sám Hối Tất
Niên và nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho đất nước, quê hương Việt
Nam, chúng sanh muôn loài và cho các Phật tử muôn phương đón một năm
mới trong an lạc, thái bình…
Giao Thừa Xuân Giáp Ngọ 2014 được khởi đầu bằng
một hồi chuông, trống Bát Nhã. Trong âm vang tiếng trống dồn, chuông
ngân, các Phật tử vai chen vai cùng nhau hướng về Chánh Điện để lắng
nghe lời chúc Tết đầu năm Giáp Ngọ của Thượng Toạ Trụ Trì Thích
Thiện Sơn. Thượng Toạ Thích Thiện Sơn đã điểm lại những Phật sự
đáng ghi nhớ cùng những ưu, khuyết trong các sinh hoạt Phật sự mà
các Phật tử đã cùng sát cánh bên chùa Phật Huệ trong suốt một năm
qua. Thượng Toạ cũng hy vọng, cầu chúc và mong muốn cho tất cả các
Phật tử của chùa Phật Huệ nói riêng và các Phật tử muôn phương: Đón
một năm mới phải có nhiều niềm vui, nhiều niềm hỉ lạc; cuộc sống
gia đạo phải an lạc hơn, hạnh phúc hơn… Thượng Toạ Thích Thiện Sơn
cũng hy vọng các Phật tử dẫu xa cũng như gần, già cũng như trẻ đều đoàn
kết, tinh tấn hơn nữa, và ráng cùng nhau thường xuyên về chùa tu học,
cũng như tham gia, đóng góp nhiệt tình vào những Phật sự do chùa tổ
chức. Mái chùa Phật Huệ có tồn tại vững chắc, dài lâu hay không vốn
phụ thuộc vào tấm lòng, vào sự hiếu đạo của mỗi người Phật tử
chúng ta.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Đăng nhận xét