Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Rằm Tháng Giêng - Ngày Để Hồi Đầu



"Đó chính là những động lực để giúp cho người thân, những người xung quanh chúng ta, xa hơn là một tập thể, một cộng đồng… thấy được ý nghĩa đích thực và cao cả của việc tu học và hành theo Pháp môn của Phật. Giá trị cao cả của người học Phật là giác ngộ chính mình và giúp cho người khác cùng giác ngộ. Muốn vậy, chi bằng chúng ta cùng nhắc nhở nhau: Luôn Sống Trong Tỉnh Giác..."





Hàng năm – Những ngày Tết qua đi thì Rằm Xuân lại tới. Đây cũng là một nhân duyên để Phật tử muôn phương có thêm cơ hội đi chùa lễ Phật và vãn cảnh xuân… 

Xuân Giáp Ngọ tại Đức năm nay tiết trời không lạnh giá như mọi năm, vì thế khi Rằm Xuân tới các Phật tử ở xa không về chùa đón xuân được trong mấy ngày Tết, nay tranh thủ cùng gia đình, người thân, bè bạn về chùa từ sớm để cùng chung vui đón Rằm Xuân. 


 TT. Thích Từ Trí (bên trái) cùng các Chư Tăng 
khai Lễ Rằm Tháng Giêng Giáp Ngọ 15.02.2014

Có đi xa mới biết được nỗi lòng người xa xứ. Những ngày xuân về, cuộc sống bộn bề và phong tục nơi đất khách cũng khiến cho những người con đất Việt phải chịu ít nhiều thiệt thòi trong việc chung vui, đoàn tụ cùng gia đình trong những ngày Tết. Vì thế, dẫu không ai nói nhưng hình như ai ai cũng nhận ra rằng: Mái chùa chính là nơi chở che, là nơi để mọi người trở về đoàn tụ, hàn huyên và chung vui trong những độ xuân về. Và chùa Phật Huệ – từ lâu – đã trở thành nơi hội tụ đó. Hơn thế – Phật Huệ cũng là nơi để các Phật tử muôn phương trở về để thác gửi tâm linh, cùng nhau học hỏi, trau dồi niềm tin nơi Phật pháp.


Khung cảnh Đại Hùng Bảo Điện chùa Phật Huệ trong giờ
khai Lễ Rằm Tháng Giêng Giáp Ngọ 15.02.2014
 
Làm thế nào để các Phật tử thời nay – Những người phải đang sống xa quê, nơi mà cuộc sống phồn thịnh quá dư thừa về vật chất có được niềm tin dũng mãnh nơi Chánh Pháp? Làm thế nào để các Phật tử ý thức được Mái Chùa không phải đơn thuần là nơi thờ tự, là nơi du hội thông thường trong mỗi dịp Lễ, Tết… Trái lại – Mái Chùa chính là nơi hội tụ tâm linh, là nơi hội chuyển ánh sáng của Phật pháp và đưa ánh sáng ấy đến với mọi người, mọi nhà, giúp cho cuộc sống tâm linh của mỗi người Phật tử ngày càng trở nên an lạc hơn, tốt đẹp hơn? Đây chính là những câu hỏi, những thử thách, những trọng trách vô cùng lớn lao mà Ban Tri Sự chùa Phật Huệ trong nhiều năm qua đã luôn đặt ra và luôn tìm hướng để hội nhập và dung hoà. 


Sự nghiệp hoằng pháp từ xưa tới nay vốn luôn luôn gian khó, đầy trở  ngại và chông gai. Đặc biệt là hoằng pháp nơi hải ngoại nói chung và tại nước Đức này nói riêng – nơi như trên đã nói: cuộc sống quá phồn thịnh, quá sung mãn về hưởng thụ vật chất; nơi hội tụ quá nhiều nền văn hoá (đa quốc gia, đa tôn giáo); và cũng là nơi người Việt đã sinh ra, lớn lên, tạo dựng hai đến ba thế hệ. Sự cách biệt về ngôn ngữ, sự pha trộn về văn hoá và phong tục, cũng như sự mai một về bản sắc, thuần phong mĩ tục cũng như cuộc sống tâm linh của người Việt nơi này… càng là một trở ngại, thử thách nan giải và khó khăn hơn nữa cho những người muốn đem, duy trì và truyền bá ánh sáng Phật pháp vào những nơi này. 

 

Cũng như rất nhiều mái chùa nơi đất khách, chùa Phật Huệ trong những năm qua đã trải qua muôn vàn thử thách. Những bước đi thăng trầm, những chướng ngại trên bước đường hoằng pháp độ sanh vốn không thể tính đếm với thời gian... Nhưng những chông gai, những thăng trầm, thử thách đó chính là những nhân duyên thù thắng giúp cho chùa Phật Huệ có thêm sức vươn mình, để ngày mỗi ngày mái chùa Phật Huệ thêm vững chãi hơn, dũng mãnh hơn, hoàn thiện hơn. 

Vào những dịp đầu năm, đặc biệt trong dịp Rằm Xuân hay còn gọi là Rằm Tháng Giêng, chùa Phật Huệ thường tổ chức Lễ Quy Y Tam Bảo và Thọ Trì Ngũ Giới cho các Phật tử. Đây không phải là một nghi Lễ thông thường như không ít người vẫn thường hiểu: Quy Y Tam Bảo cho an tâm; hay Quy Y xong là hoàn thành xứ mệnh của người tu hành, vì đã là đệ tử của Phật… Xa hơn thế, Ban Tri Sự của chùa Phật Huệ muốn tạo một nhân duyên, nhắn nhủ các Phật tử trong các buổi lễ Quy Y và Thọ Giới nói riêng và những Phật tử xa gần nói chung: Người Phật tử chân chánh là người luôn biết Hồi Đầu. Tại sao người Phật tử chúng ta phải luôn biết Hồi Đầu? Hồi Đầu hiểu giản đơn là biết ngoảnh lại nhìn những gì mình đã làm; những gì mình đã nói; những gì mình đã tư duy. Nói cho chính xác hơn: đó là sự quán chiếu Thân, Khẩu, Ý hay còn gọi là quán chiếu 3 nghiệp: Thân nghiệp, Khẩu nghiệp và Ý nghiệp. Đây là ba nghiệp luôn đồng hành cùng người Phật tử trong mọi hành vi tạo tác của cuộc sống. 
 






 









Vì ý nghĩa quan trọng đó, hầu như trong các khoá Tu và những dịp Lễ, Tết hay Lễ Quy Y Tam Bảo, Thượng Toạ Thích Từ Trí luôn dành khá nhiều thời gian để khai thị ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn Thân, Khẩu, Ý của người Phật tử. 

TT. Thích Từ Trí và Đại Đức Thích Nghiêm Tín trong giờ Quy Y Tam Bảo
và Thọ Trì Ngũ Giới cho các Phật tử ngày Rằm Tháng Giêng 15.02.2014

Tại sao người Phật tử phải coi trọng, phải gìn giữ ba Nghiệp này? Bởi giữ được ba nghiệp đó (Thân, Khẩu, Ý), chính là người Phật tử đã giữ Giới như đã thệ nguyện.
Nghiệp của Thân có liên quan đến 3 Giới: Không sát sanh; Không tà dâm; Không trộm cắp.
Nghiệp của Khẩu có liên quan đến bốn Giới: Không nói dối; không nói lời lưỡng thiệt; không nói lời đâm thọc; không nói lời độc ác.
Nghiệp của Ý có liên quan đến 3 Giới: Không tham lam; không sân hận; không si mê.

Làm thế nào để người Phật tử luôn giữ trọn được những Giới này? Đây là điều không dễ cho mỗi ai. Cũng trong Lễ Quy Y Tam Bảo và Thọ Trì Ngũ Giới dịp Rằm Tháng Giêng lần này, Thượng Toạ Thích Từ Trí đã dành ra hơn hai giờ để khai thị về ý nghĩa và tầm quan trọng của người Phật tử khi đã xin Quy Y Tam Bảo và nguyện Thọ Trì Ngũ Giới. 

 Một góc khung cảnh các Phật tử đang lắng nghe TT. Thích Từ Trí khai thị
ý nghĩa việc Quy Y Tam Bảo và Thọ Trì Ngũ Giới ngày 15.02.2014

Nhiều mẩu chuyện về Nhân-Quả, báo ứng đã được Thượng Toạ Thích Từ Trí nêu dẫn, giúp cho các Phật tử cùng có mặt nhận chân rõ rệt hơn về chân lý không hai của Nhân-Quả. Ví như một người đã nguyện thọ trì Ngũ Giới, nghĩa là nguyện và ráng hết sức để chuyên hành những việc thiện. Nhưng thay vì người đó thường xuyên quán chiếu tâm để giúp cho Thân-Khẩu-Ý của mình được thanh tịnh thì người đó lại luôn tìm cách để tạo, hành những việc bất thiệt. Giả sử: Thích nói những lời đâm thọc; thích nói lời gièm pha (chê bai người này, dựng chuyện nói xấu, khích bác người nọ, hay tạo những hiềm khích, xung đột giữa các cá nhân với nhau…); Lớn hơn là tìm cách phá hoại sự hoà hợp của Tăng Chúng. Tăng Chúng bao gồm: Tỳ Kheo; Tỳ Kheo Ni (chỉ người Xuất gia) và Cận sự Nam; Cận sự Nữ (chỉ người Cư sĩ tại gia). Người chuyên hành những việc bất thiện như vậy quyết không thể là một giới Tử chân chánh của Phật. Nói khác đi: Người đó đã phạm vào Tội Ngũ Nghịch – Tội phá hoà hợp Tăng. Ngũ Nghịch Tội bao gồm: Làm thân Phật chảy máu; Giết mẹ; Giết cha; Phá hoà hợp tăng; Giết A-La-Hán. Và còn phạm thêm một trong những tội Thập Ác: Nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời độc ác.
Đây là những cực trọng tội và chính là cái Nhân để đoạ A Tỳ Địa Ngục…
Nhân dịp đầu Xuân biết bao điều muốn nói. Tuy nhiên vì thời gian có hạn nên Thượng Toạ Thích Từ Trí đã phải cố gắng giản lược những điều muốn chia sẻ cùng các Phật tử. Thượng Toạ mong mỏi các Phật tử phải ráng tu học và thường xuyên quán chiếu tâm thức của mình. Nhờ sự quán chiếu thường xuyên đó, người Phật tử sẽ đem lại được sự bình an cho chính mình. Tâm mình chưa an tất chưa thể (không thể) mang lại sự bình an cho người khác. Đó chính là những động lực để giúp cho người thân, những người xung quanh chúng ta, xa hơn là một tập thể, một cộng đồng… thấy được ý nghĩa đích thực và cao cả của việc tu học và hành theo Pháp môn của Phật.  

 Giá trị cao cả của người học Phật là giác ngộ chính mình và giúp cho người khác cùng giác ngộ. Muốn vậy, chi bằng chúng ta cùng nhắc nhở nhau: Luôn Sống Trong Tỉnh Giác.
Rằm Xuân – Cơ Hội Để Hồi Đầu.
Lược ghi từ Rằm Tháng Giêng 2014 – Thiện Lợi.


0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites