Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

SỰ TÍCH TÁO QUÂN


"Còn người chồng cũ, sau bao nhiêu năm làm thân trâu ngựa sức khỏe hao mòn được giặc cho về.  Chàng trở lại quê xưa thì than ôi! nhà cửa tan nát vườn ruộng hoang phế, người vợ hiền yêu quý ngày xưa giờ đây không biết đã lưu lạc phương nào.  Chàng hỏi thăm nhiều người quen, được biết đại khái là nàng đang sống nhờ vào người ta để kiếm kế sinh nhai.  Vì thế chàng quyết định ra đi tìm lại người vợ hiền cũ, hòng nối lại cung đàn năm xưa lỡ gãy nhịp..."




Tác giả: Ngân Thanh

Theo tục lệ người Việt Nam, nhất là người dân ở thôn quê cứ mỗi cuối năm vào ngày 23 tháng chạp, chúng ta thường thấy mỗi nhà đều có tục làm lễ tiển đưa ông Táo về chầu trời để báo cáo những sinh hoạt của gia đình lên Ngoc hoàng Thượng đế. Ngay từ khi còn nhỏ dại đang sống bên chân mẹ, cứ đến hôm đó tôi lại thấy mẹ lại cứ cẩn thận loay hoay sắp đặt bếp núc thật đàng hoàng ngay ngắn,  sau chuyến đi chợ Tết về có mua thêm nhiều hình ảnh trang trí nhà cửa bếp núc, có khi lại còn dán phía trên bếp mấy tờ giấy có vẽ những hình ảnh của các vị thần, hoặc  hình in môc mạc con heo, con mèo, con trâu con chuột…, trông có vẻ tươm tất lắm.


Thuở đó tôi chẳng biết là những hình ảnh của ai, biểu tượng về những ý nghĩa nào, nhiều khi trí óc ngây thơ buột miệng hỏi mẹ, thì chỉ thấy mẹ đặt ngón tay lên miệng có vẻ bí mật, xì một tiếng, và đáp cụt ngủn: "con nít đừng có hỏi linh tinh, không nên…"  Cho dến ngày nay tôi đã mường tượng hiểu những vị thần đó là ai, và Ông Táo là cái ông như thế nào rồi. Bây giờ tôi sẽ kể lại sự tích Táo Quân cho các bạn nghe để chúng ta bắt đầu làm quen với đời sống của ba ông Táo.


Ngày xửa ngày xưa, có một cậu con trai thuộc gia đình trung lưu, tính tình hiền lành chất phác, dáng vẻ xinh trai nhưng cha mẹ lại mất sớm.  Anh lớn lên siêng năng chăm chỉ làm ăn, và rồi được may mắn kết duyên với một người con gái láng giềng đức hạnh, một cô gái lịch thiệp thuần hậu và có nhan sắc khá xinh.  Ý hợp tâm đầu, hai vợ chồng sống bên nhau qua một thời gian vô cùng hạnh phúc và ấm cúng dưới một túp lều tranh xinh xinh nho nhỏ.

Thế mà ác thay trời lại không thuận theo lòng người, cuộc sống của đôi uyên ương đang hạnh phúc như thế, hay nói đúng hơn cuộc sống trong thôn xóm anh ta đang yên lành và thanh bình như vậy, thì bỗng nhiên chiến chinh nỗi dậy , giặc tràn về khắp nơi cướp của đốt nhà, giết người... Bao nhiêu đau thương tan nát một sớm một chiều đã gieo bao tang tóc cho dân lành ở nơi đây.  Chàng bị giặc bắt đi để gánh đạn, khuân vác đồ đạc hoặc tải thương..., còn nàng được may mắn hơn, trốn thoát khỏi làng, theo đoàn người di cư đến một nơi khác thật xa để lánh nạn.  Bỏ lại sau lưng người chồng mến yêu đang ở trong tay giặc, bỏ lại căn nhà xinh xắn thân yêu nơi mà hai đứa đã dày công vất vả xây dựng và đã ghi biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm trong ngày tháng cũ, đang bốc cháy ngùn ngụt dưới khói lửa điêu tàn của chiến tranh.


Thế rồi bặt tin nhau, chàng ngày ngày phải sống cuộc đời nô lệ cho giặc, lao thân ngoài chốn sa trường, tải đạn, khiêng xác thương binh ngay cả trong những trận chiến ác liệt, súng nổ đạn bay đầy trời, cũng đành phó thác cuộc sống chết cho tử thần an bài số mệnh.  Thế rồi, tình cờ một hôm nàng hay tin chàng đã chết !  Không biết tin kia có đích thực hay không, nhưng trước một hung tín như vậy nàng ta quá cảm xúc và ngất đi trong đau xót…  


Thân gái dặm trường, nàng một thân đơn chiếc phải chiến đấu với tất cả, bao nhiêu khổ cực, bao nhiêu đau thương một mình gánh vác, bao nhiêu tâm sự đành ôm ấp trong lòng. Nhưng khi đau khổ dâng lên cùng tột, người ta thường muốn bày tỏ niềm đau sâu kín của mình cho người khác biết, để tìm nguồn cảm thông an ủi hay chia sẻ cho nỗi xót xa của mình.  Thực ra thì nàng chẳng hề tâm sự với ai, chẳng trang trải nỗi lòng với một người nào khác, tuy nhiên nàng cũng không tránh được mối cảm tình của một thanh niên vốn giúp đỡ nàng rất nhiều trong lúc loạn lạc, cho đến một hôm đã hiểu được tâm sự của nàng.

Bao nhiêu ý tưởng cứ dằn vặt, quay cuồng trong óc, cuối cùng nàng đành buông xuôi cho số phận, nhất là làm thân con gái ở đất khách quê người không cửa không nhà, không nơi nương tựa, nàng chấp nhận cuộc đời mới với người trai trẻ kia.


Chàng ta vốn làm nghề nông, siêng năng và thật thà, đức tính đó cũng dung hợp được với tấm lòng hiền thục của nàng, vì thế hai vợ chồng chung sức làm việc, lại gặp mấy năm liên tiếp gặt hái được mùa, họ đã trở nên khá giả hơn, xây dựng nhà cửa tươm tất và ổn định cuộc sống. 


Còn người chồng cũ, sau bao nhiêu năm làm thân trâu ngựa sức khỏe hao mòn được giặc cho về.  Chàng trở lại quê xưa thì than ôi! nhà cửa tan nát vườn ruộng hoang phế, người vợ hiền yêu quý ngày xưa giờ đây không biết đã lưu lạc phương nào.  Chàng hỏi thăm nhiều người quen, được biết đại khái là nàng đang sống nhờ vào người ta để kiếm kế sinh nhai.  Vì thế chàng quyết định ra đi tìm lại người vợ hiền cũ, hòng nối lại cung đàn năm xưa lỡ gãy nhịp.


Một chiếc nón gãy vành, một bộ quần áo cũ kỷ và một chiếc đãy vải, chàng làm kiếp hành khất lang thang đó đây, tìm khắp đến mọi nhà, từ xóm này đến thôn kia với hy vọng gặp lại người vợ hiền yêu mến ngày xưa. 


Trời lại cũng không phụ lòng người, hôm đó chàng ghé lại một ngôi nhà tương đối khá giả, căn nhà vắng vẻ không một bóng người, một con chó vàng chạy ra sủa vang như xua như đuổi.  Nghe tiếng chó sủa, một thiếu phụ từ nhà sau đi ra nhìn người hành khất ..,rồi oái ăm thay ! hai bên trân trối nhìn nhau.  Mắt người hành khất sáng lên nhưng rồi dịu dần trong câm lặng, người đàn bà hình như muốn nói điều gì, rồi lại nhướng mày nhìn chăm chú ngạc nhiên thêm. 


Trước hai tâm trạng đó chẳng ai dám nói một lời, chàng không đủ can đảm để cất giọng van xin như những lần mà chàng đã thực hiện trong đời hành khất của mình,  còn nàng càng nhìn càng thấy khuôn mặt anh ta sao mà giống y chang người chồng hiền lành chất phác ngày xưa, chỉ có những nét khắc khổ và buồn thảm vì bụi đường sương gió in đậm nét thời gian, nhưng nàng lại càng không dám mở miệng hỏi thăm, vì mấy năm trước đây nàng đã hay tin chàng đã chết rồi trong một trận chiến.   Sao bây giờ lại thế này, hay là hồn oan hiện về báo điềm lành dữ chi đây?...


Nàng toan quay mặt bước nhanh vào bên trong để tránh hai giọt lệ lăn dài xuống má, thì cũng ngay lúc đó tiếng người hành khất bạo dạn cất lên đầy chân tình đằm thắm:

- Liên, Thúy Liên anh đây, anh đã đi tìm em bao nhiêu năm rồi, nay mới gặp.

Mặc dù nàng đã nhận ra ngay từ lúc đầu, nhưng đến khi nghe tiếng nói đầy chân tình quen thuộc và phúc hậu của người chồng cũ vẫn còn yêu thương nàng tận tình như vậy, lương tâm nàng sống dậy, không cho phép nàng lẩn trốn, nàng quay lại ra tay đưa dấu hiệu mời chàng vào nhà hỏi han và thiết đãi một bữa cơm thật ngon lành rồi sẽ tính đến chuyện phân giải sau.


Ngay lúc đó người chồng hiện tại của nàng đi thăm ruộng về, nàng chưa có đủ thì giờ để nghĩ ra cách cắt nghĩa giải thích, nên cả hai cùng hoảng hốt, mặc dù cuộc gặp gỡ hội ngộ giữa hai người vô cùng ngay thẳng và chính đáng.   Người chồng cũ không muốn gây ra sự hiểu lầm phiền phức rầy rà cho người vợ trẻ ngày xưa của mình, nên chạy ra ngõ sau và chun tuốt ẩn tránh vào trong một đống rơm. 


Người nông phu kia vẫn không để ý, nên chẳng hay biết chuyện gì, anh ta sau khi cất nón lá, cuốc xẻng vào nhà kho, vẫn ung dung thản nhiên ra giếng múc nước rửa mặt, tay chân rồi trở vào nhà giúp vợ dọn bữa cơm chiều.   Chàng ta ra sau nhà lấy rơm vào đun một ấm nước, rồi khi đứng bên cạnh đống rơm quẹt lửa hút thuốc, vô tình lửa bén vào rơm khô bốc cháy lên ngùn ngụt, chàng quýnh quáng loay hoay mãi mà không tài nào dập tắt đống rơm cho được..., người hành khất đang nằm trốn trong đó bất ngờ quá, chạy ra chẳng kịp nên đã bị ngọn lửa thiêu cháy bỏng.  Chị vợ nhìn ra sau vườn thấy đống rơm rực cháy, khói bụi ngất trời, nàng chạy ra thấy người chồng cũ đang chới với trong ngọn lửa hồng hung hãn bốc cao, nên nàng đã nhảy vào để cứu một sinh mạng, không ngờ loay hoay thế nào, cuối cùng đã chết luôn trong đống tro tàn, hay là nàng muốn cùng đồng hành với người hành khất cho trọn niềm thủy chung với người chồng yêu quý ngày xưa đã hằng thương nhớ tới nàng bao năm rồi vẫn chân tình cố lê thân tìm kiếm.


Anh nông phu kia thấy vợ mình nhảy vô lửa đỏ, tưởng rằng vì mình vô ý làm cháy đống rơm, nàng tiếc quá chạy ra chữa, nhưng vì quá trớn nên phải té vào lửa mà thiệt mạng, do đó chàng ta cũng nhảy vào luôn với vợ mà chết cho trọn tình phu phụ bách niên.

Sau khi ngọn lửa tắt, ba hồn bay về âm phủ trình diện với vua Diêm Vương, sau khi đã điều tra lý lịch kỹ càng rồi, vua Diêm Vương nhìn ba người phán rằng:

- Thật đáng khen cho ba nhà ngươi, anh chàng hành khất này rất chung thủy, mặc dù đã trải qua bao nhiêu khổ cực, đau xót phải chia tay với vợ hiền vì chiến tranh và phận sự người trai thời chiến, sau khi yên ổn, về lại quê hương mới hay rằng vợ mình đã thất lạc.  Tình yêu trung thực âm ỷ trong lòng đã thôi thúc anh ta vẫn giả làm kiếp ăn mày để mong tìm gặp lại người vợ hiền ngày xưa.   Còn cô thiếu nữ kia vì hoàn cảnh con gái đơn chiếc dặm trường, sau khi nghe tin chồng mình đã không còn nữa, nên phải lấy anh chàng nông phu làm nơi nương tựa, nhưng vẫn kính yêu người đã từng chung cay đắng ngọt bùi với mình thuở trước, nên đã hy sinh cuộc sống hạnh phúc hiện tại của mình, lao vào cái chết một cách nhẹ nhàng hợp lý cho trọn kiếp duyên xưa. Và anh chàng nông phu kia, dù chưa rõ ngọn ngành mọi cớ sự, nhưng khi thấy vợ mình đã bị cháy đen trong than bụi, đau lòng và yêu thương quá, không thiết sống làm gì nữa, nên chẳng cần đắn đo suy tính, nhảy ào vào chết với vợ cho trọn đạo thủy chung.  Các ngươi là ba tấm gương đáng khen đáng quý, đáng biểu dương trong nhân gian, nay ta ban cho các ngươi làm Ba vị thần túc trực gần gủi với nhân gian, ngày ngày sống bên lửa ấm, giúp đỡ mọi nhà, gia trì phù hộ cho chủ nhà suốt năm no ấm, và cuối năm trước Tết nguyên đán một tuần lễ, phải trở về Thiên đình trình tâu với Ngọc hoàng Thượng đế mọi điều xấu tốt của chủ nhà cho Ngài ban thưởng.  Nhân gian sẽ kính mến công đức và 3 tấm gương cao quý của các ngươi mãi mãi.


Do đó, mỗi năm sắp đến ngày Tết Nguyên-đán vừa đúng một tuần lễ, vào ngày hâm ba tháng chạp người ta lại sắm sửa bông trái vàng bạc, áo xống binh mã cau trầu rượu thịt để đưa tiễn Táo quân về trời.   Năm ngoái, năm kia tôi có kể câu chuyện này với mẹ tôi, bà chỉ cười, và không biết hâm ba tháng chạp năm nay  mẹ tôi có còn thiết đãi linh đình để đưa tiễn mấy Táo quân về trời nữa không?...

Nha Trang,cuối đông 1971  
Ngân Thanh

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites