"Thượng Toạ Thích Thiện Sơn cũng mong muốn đây là những
cơ hội, những nhân duyên quý báu để đem những giáo lý của Phật, và
ánh sáng của Phật pháp truyền bá vào tâm thức những người dân bản
xứ nơi đây, cũng như thắp sáng ngọn lửa tâm linh những người Việt Nam
đang sống xa quê hương và sinh ra, lớn lên trên xứ sở xa xôi này..."
Ngày 02-03.11.2013 vừa qua
chùa Phật Huệ đã tổ chức khoá tu Đàn Pháp Dược Sư. Đây là khoá tu thường
niên mang tính chuyên sâu, nhằm giúp cho các Phật tử thâm nhập sâu hơn trong
việc thực hành quán đảnh, quán tưởng, quán chiếu tâm và hành trì Chú
Dược Sư.
Mặc dù thời thiết mưa lạnh,
nhưng ngay từ sáng sớm ngày 02.11.2013, các Phật tử Đức-Việt, trong
đó có khá nhiều người từ nơi xa đã hoan hỉ cùng với người thân, và
gia đình của mình về chùa để tham dự Đàn Pháp Dược Sư.
Đúng 10:45 giờ các Phật tử
đã quy tụ nơi Đại Hùng Bảo Điện, trong tiếng chuông, trống Bát Nhã rộn
rã vang lên, các Phật tử đã cùng nhau thành kính niệm vang hồng danh
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật để cung nghinh Thượng Toạ Trụ Trì
Thích Thiện Sơn cùng Tăng Đoàn chùa Phật Huệ vào Đại Hùng Bảo Điện
để làm lễ Khai Đàn Pháp Dược Sư.
Thượng Toạ Trụ Trì Thích Thiện Sơn
làm lễ Khai Đàn Pháp Dược Sư ngày 02-03.11.2013 tại chùa Phật Huệ
Sau nghi thức Khai Đàn, Thượng
Toạ Thích Thiện Sơn cùng Tăng Đoàn đã hướng dẫn các Phật tử tụng
Sám Dược Sư để nguyện cầu cho thế giới hoà bình, dân sanh an lạc,
đồng nguyện cầu cho tổ quốc Việt nam luôn được sống trong phồn thịnh
và hạnh phúc.
Sau phần Thọ Trai - Niệm Phật
- Kinh hành, vào lúc 14:00 giờ Thượng Toạ Thích Thiện Sơn cùng Tăng
Đoàn chùa Phật Huệ đã hướng dẫn các Phật tử tụng kinh Dược Sư. Kế
đó Thượng Toạ Thích Thiện Sơn đã dành cho các Phật tử một thời
pháp về chủ đề: Chuyển hoá Tâm Tham-Sân-Si-Mạn.
Đây
là một thời pháp vô cùng quan trọng, quí báu và hiếm hoi. Quan trọng
vì hàng ngày các Phật tử thường đối diện (sống) với tâm
Tham-Sân-Si-Mạn, nhưng Tham-Sân-Si-Mạn là gì? Từ đâu tới? Tại sao
Tham-Sân-Si-Mạn luôn thường trực trong tâm của chúng ta? Và làm cách
nào để chuyển hoá tâm này, giúp cho tâm của chúng ta – những người
Phật tử luôn được sống trong an lạc?...v.v. Quý báu và hiếm hoi, bởi
những buổi thuyết pháp song ngữ: Đức-Việt phần lớn chỉ được diễn ra
trong những ngày Đại Lễ và các khoá Tu, Đàn Pháp lớn trong năm, vì
những ngày này số lượng các Phật tử tham gia rất đông đảo, thành
phần khá đa dạng, đa sắc tộc, đặc biệt là các Phật tử người Việt -
những thế hệ thứ hai, thứ ba sanh ra tại Đức cũng đến tham dự rất
đông. Vì thế Thượng Toạ Thích Thiện Sơn cũng mong muốn đây là những
cơ hội, những nhân duyên quý báu để đem những giáo lý của Phật, và
ánh sáng của Phật pháp truyền bá vào tâm thức những người dân bản
xứ nơi đây, cũng như thắp sáng ngọn lửa tâm linh những người Việt Nam
đang sống xa quê hương và sinh ra, lớn lên trên xứ sở xa xôi này. Thượng
Toạ Thích Thiện Sơn cũng mong mỏi đây là những cơ duyên giúp cho mọi
người có được cơ hội hiểu rõ nghĩa hơn về tầm quan trọng của Phật
pháp đối với cuộc sống cũng như quán chiếu, áp dụng Phật pháp vào
cuộc sống đời thường…
Phần 2 của Đàn Pháp Dược Sư các Phật tử đã được Thượng Toạ Thích Thiện Sơn hướng dẫn cách trì niệm Hồng Danh Dược Sư Phật; Cách Trì Chú và cách Quán Tưởng Dược Sư Phật. Để các Phật tử hiểu rõ hơn và Hồng Danh và Hạnh nguyện của Đức Dược Sư Phật, Thượng Toạ Thích Thiện Sơn đã giải thích cặn kẽ về ý nghĩa, ánh sáng, màu sắc của bảy vị Dược Sư Phật, kế đó các Phật tử đã cùng nhau tập quán tưởng và trì chú Dược Sư.
Sang ngày 03.11.2013 các Phật
tử đã được Thượng Toạ Thích Từ Trí hướng dẫn phương pháp hành
thiền (Công phu sáng) và nghi thức tụng trú, phương pháp quán tưởng
khi trì trú Dược Sư; phương pháp quán tưởng niệm Phật Dược Sư; quán
tưởng-chú nguyện Dược Sư Thuỷ và phương thức trì chú nguyện khi Kết
Chỉ Ngũ Sắc.
Chỉ Ngũ Sắc được kết nguyện bằng 12 gút chỉ, tương xứng với hồng danh của 12 vị Đại Tướng Dược Xoa. Cung Tỳ La đại tướng, Phạt Chiết La đại tướng, Mê Súy La đại tướng, An Để La đại tướng, Át Nể La đại tướng, San Để La đại tướng, Nhơn Đạt La đại tướng, Ba Di La đại tướng, Ma Hổ La đại tướng, Chơn Đạt La đại tướng, Chiêu Đổ La đại tướng, Tỳ Yết La đại tướng. Thượng Toạ Thích Từ Trí đã giản lược cho các Phật tử nghe và hiểu rõ về hạnh nguyện của 12 vị Đại Tướng này khi nghe Phật Thích Ca nói Kinh Dược Sư, vì tán thán hạnh nguyện và công đức của đức Phật Dược Sư nên trong chúng hội 12 vị Đại Tướng Dược Xoa đã phát nguyện cùng với thần binh, tất cả phát tâm quy y Tam Bảo và nguyện vì đạo, cứu giúp người đời. Bất cứ nơi nào có Kinh Dược Sư lưu truyền, họ sẽ quyết lòng ủng hộ người trì kinh này thoát khỏi nạn tai, sở cầu sở nguyện đều như ý. Và trong lúc cầu nguyện, dùng chỉ năm màu gút tên 12 vị Đại Tướng Dược làm 12 gút, rồi đeo trên thân cho tới khi nạn tai tiêu trừ, ước nguyện đầy đủ, mới tháo dây ra…
Sau phần Thọ Trai-Niệm Phật
kinh hành các Phật tử lại được tiếp tục thực hành trì trú Dược Sư;
quán tưởng niệm Phật Dược Sư; quán tưởng-chú nguyện Dược Sư Thuỷ và
chú nguyện Kết Chỉ Ngũ Sắc…
Trong phần giải đáp thắc mắc
và đúc kết ưu khuyết trong khoá tu Đàn Pháp Dược Sư, các Phật tử
Đức-Việt đã đặt ra khá nhiều câu hỏi, ví như:
- Tại sao có quốc gia người dân sống
rất giàu có, hạnh phúc, ngược lại có những quốc gia lại rất nghèo,
người dân sống vô cùng khổ cực?
- Sự khác nhau giữa cộng nghiệp và
biệt nghiệp?
- Tại sao có người sanh ra đã được sung sướng, được giàu có, và luôn gặp những may mắn; Nhưng người khác sanh ra là nghèo khổ, và luôn gặp những chuyện rủi ro?
- Người làm những điều ác tại sao họ
vẫn sống rất đàng hoàng, thậm chí còn sung sướng hơn những người
lương thiện?
- Con người ta khi chết đi có phải là
kết thúc sự sống không? Nếu không thì lúc ấy người ta sẽ ở đâu? Đi
về nơi đâu?...vv…
Vì những câu hỏi được đặt ra có ý nghĩa vô cùng lớn và quan trọng, vì vậy Thượng Toạ Thích Từ Trí đã thay mặt BTC giải đáp những câu hỏi đặt ra theo từng góc độ riêng biệt. Kết hợp những giáo lý của Phật và những câu chuyện về thuyết nhân quả (sanh-lão-bệnh-tử); thuyết tự nhiên (thành-trụ-hoại-diệt) Thượng Toạ Thích Từ Trí đã giúp cho các Phật tử khai mở thêm về những điều vướng kẹt trong quá trình tu học.
Những
lời giải đáp của Thượng Tọa Thích Từ Trí có thể tóm lược lại như
sau:
Một
ví dụ đơn cử khi nói về Hạnh phúc
và Bất hạnh: Hạnh phúc và Bất hạnh là hai hình ảnh tương
phản, là hệ quả những hành động của một cá nhân, hay tập thể, rộng
hơn là một cộng đồng, một quốc gia, đạo Phật gọi hành vi đó là
hành vi tạo nghiệp. Có ba nghiệp quan trọng liên quan đến những hành
vi tạo tác của bất cứ cá nhân nào: Thân-Khẩu-Ý,
gọi chung là: Thân Nghiệp; Khẩu
Nghiệp; Ý Nghiệp. Trong ba Nghiệp này thì Ý Nghiệp là quan trọng hơn cả, bởi nó có khả năng chi
phối Khẩu Nghiệp và Thân Nghiệp, từ đó có tính phán
quyết (quyết định) đến hệ quả những hành vi tạo tác của mỗi người.
Nói khác đi: Ba nghiệp Thân-Khẩu-Ý
chính là Nhân (yếu tố tạo
thành) và sự sướng-khổ; hạnh phúc-bất hạnh; giàu-nghèo; may
mắn-rủi ro… chính là Quả của
hành vi tạo tác. Thượng Toạ Thích Từ Trí đã lấy một ví dụ nhỏ: Ai
đó trồng cam, trồng ớt, trồng táo… tất cây cam, cây ớt, cây táo đó
sẽ ra hoa, kết trái và chỉ có thể cho những trái cam, trái ớt, trái
táo chứ không thể cho ra những trái khác được. Liên hệ tới những
nghiệp: Thân-Khẩu-Ý, nếu ai đó
thường xuyên (chuyên) làm những nghiệp thiện, tất người đó sẽ gặt
hái được những kết quả tốt đẹp, mĩ mãn. Ngược lại, sẽ là những kết
quả bất thiện (bất hạnh, rủi ro, tai chướng…) chính người đó sẽ
phải gánh chịu.
Giải
đáp về Cộng Nghiệp và Biệt Nghiệp Thượng Toạ Thích Từ
Trí đã dùng một dẫn chứng nhỏ: Một đoàn tàu bị tai nạn, nhưng trong
số những hành khách đi trên đoàn tàu đó lại có người chỉ bị thương
nhẹ; hoặc có người lại sống sót và hoàn toàn lành lặn; trong khi
đó cũng có rất nhiều người bị thương nặng, thậm chí bị tử vong.
Nếu nhìn tình tiết sự việc xảy ra, người đời cho đó là sự may-rủi,
hên-xui, hoặc gặp năm vận, tháng hạn... Nhưng triết lý đạo Phật đã
chỉ ra rằng: Mọi sự đều có nhân duyên và nhân quả vốn tuần hoàn. Sự
„MAY-RỦI“ của những hành khách
trên đoàn tàu nọ có liên quan (là hệ quả) đến những hành vi tạo tác
(Nghiệp-Karma) của từng cá nhân đã làm từ vô thỉ (tích luỹ nghiệp) tới
nay. Nếu lấy Nhân-Quả làm tiền
đề chiếu xét sự việc thì người chuyên tạo nghiệp bất thiện=chịu
quả không lành; ngược lại, người chuyên hành nghiệp thiện=nhận quả
lành. Vì thế sự thọ nhận (gánh) nghiệp quả này vốn không thể tương
đồng: người nặng, người nhẹ; người chết, người sống, được lành lặn=Biệt Nghiệp=tuỳ thiện căn, phước
đức, nhân duyên của mỗi người. Nhưng vì những hành khách cùng đi chung
(nhân duyên) trên chuyến tàu đó, nên họ phải cùng gánh chung nghiệp bị
tai nạn=Cộng Nghiệp.
Lý
giải việc người chuyên hành việc
ác lại sống rất sung túc, ngược lại người chuyên hành thiện lại
gánh toàn những chuyện rủi ro, hoặc phải sống trong nghèo, khổ… Theo
lời Thượng Toạ Thích Từ Trí giản nghĩa, chúng ta có thể hiểu: Sở
dĩ có chuyện đó vì nghiệp báo của hai người vốn khác nhau. Người
hiện thời chuyên hành ác, nhưng tiền kiếp họ có tích phước, hoặc
làm nhiều việc thiện-phước, vì vậy kiếp hiện thời, những gì họ có
vốn là cái Quả của những gì
họ đã tích tụ (tích luỹ nghiệp) từ nhiều kiếp, nay họ được hưởng
dụng. Nhưng nếu những phước báu đó hết đi, và người đó không biết hồi
đầu, hướng thiện, không chịu giác ngộ để làm phước thiện, tất ngày
nào đó, khi phước báu cạn kiệt, họ sẽ phải đón nhận những quả bất
thiện cho chính họ gây ra. Chiếu xét như thế chúng ta sẽ có câu trả lời
tương xứng cho người chuyên hành thiện mà phải sống trong rủi ro,
nghèo khổ.
Giải đáp chết có phải là sự kết
thúc? Hay khi chết con người sẽ
đi về đâu? Theo lời Thượng Toạ giải thích chúng ta có thể hiểu:
Nhân quả vốn tuần hoàn. Có sanh ắt có diệt. Con người chúng ta và
vạn vật không đi ra ngoài lý nhân-quả đó. Do vậy Chết chỉ là sự kết thúc một sự sống – kiếp hiện tồn (thân
vật lý: đất-nước-gió-lửa) để chuyển hoá sang một sự sống mới (tạo
thành một thân vật lý mới) – sự sống mới được hình thành – sự sống
mới này tốt hay xấu phụ thuộc vào những nghiệp mà chúng ta mang theo.
Còn khi chết chúng ta sẽ đi về đâu?
Điều này phụ thuộc vào những Nghiệp
mà chúng ta đã và đang làm (đang tạo tác).
Giả sử bá thiên kiếp
Sở tác nghiệp bất vong
Nhân duyên hội ngộ thời
Quả báo hoàn tự thọ”.
Nghĩa là:
Dù trải trăm ngàn kiếp
Nghiệp tạo bất tiêu vong
Khi nhân duyên hội đủ
Quả báo mình tự gánh.
Nghiệp
bao gồm bốn nghiệp quan trọng:
- Cận tử nghiệp: nghiệp tạo ra khi sắp
lâm chung (sắp chết). Nó có sức mạnh chi phối trong việc dẫn dắt đi đầu thai.
- Cực trọng nghiệp: nghiệp tạo do phạm
những tội cực ác, như phạm tội ngũ nghịch (Làm thân Phật chảy máu; Giết A
La Hán; Giết Cha; Giết mẹ; Phá hoà hợp Tăng) và tội thập ác (Thân: giết, trộm, dâm; Khẩu:
nói dối, nói lưỡng thiệt, ác khẩu, nói thêu dệt; Ý: tham, sân si)
- Tích luỹ nghiệp: nghiệp được chất chứa
từ nhiều kiếp.
- Tập quán nghiệp: nghiệp hình thành
do thói quen từ nhiều đời, tạo nên cá tính đặc thù của mỗi người.
Như
vậy căn cứ vào những nghiệp Thiện hay Ác mà chúng ta gây ra mà có
tính xác quyết cho việc chúng ta sẽ đi về đâu sau khi xả báo thân...
Phần
giải đáp thắc mắc đã khép lại khoá tu học Đàn Pháp Dược Sư vào
lúc 17:30 giờ ngày 03.11.2013.
Trước
khi kết thúc Thượng Toạ Thích Từ Trí đã thay mặt Thầy Trụ Trì
Thích Thiện Sơn và BTC tán thán về sự nỗ lực và hăng say của các Phật
tử trong suốt hai ngày tu học. Đồng thời Thượng Toạ cũng bày tỏ
lòng mong mỏi các Phật tử hãy cùng nhau đoàn kết, tinh tấn và dõng
mãnh hơn nữa trong việc tham gia thường xuyên các khoá tu học do chùa
Phật Huệ tổ chức. Bởi đây chính là cơ hội để giúp cho chúng ta tự
khẳng định chính mình trên bước đường tu học, giác ngộ và giải
thoát...
Rằng ai muốn biết nhân xưa
Xét xem hoàn cảnh bây giờ chịu đây
Muốn biết quả báo sau này
Xét điều tội phước ta nay đang làm.
Ghi chép từ khoá Tu Đàn Pháp Dược Sư 02-03.11.2013 - Thiện Lợi
0 Kommentare:
Đăng nhận xét