"Cũng thế, chỉ với sát na ngắn ngủi đọng trên lá non, hạt sương đã
biểu hiện sự tinh khiết tuyệt đích của cái đẹp toàn vẹn trong phút giây hiện
tại. Còn chúng ta, quãng đời chớp mắt trăm năm, chúng ta làm gì để thăng hoa?
Thương thay! Chúng ta thường quẩn quanh mộng mị, thấy những gì trong mộng là
thật..."
Tác giả: Hạnh Chi
Trong những trang kinh tả cảnh giới đẹp đẽ trên cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, có đoạn: “Bỉ Phật quốc độ vi phong xuy động, chư bảo hàng thọ, cập bảo la võng, xuất vi diệu âm, thí như bá thiên chủng nhạc đồng thời câu tác…”. Ý nói, trong thế giới của Đức Phật đó gió thơm thổi nhẹ qua các hàng cây báu cùng các màn lưới báu giăng cao, phát ra âm thanh vi diệu tựa như muôn ngàn nhạc khí hợp tấu”. Đoạn kinh này là một, trong rất nhiều họa phẩm tuyệt tác ở kinh A Di Đà mà người thưởng ngoạn không chỉ chiêm ngưỡng màu sắc, còn rung động với bao âm thanh hài hòa, từ tự thể cảnh giới đó cất lên.
Sáng nay, khi thiền hành dọc con đường nhỏ trước giảng đường, tôi
chợt bắt gặp phần nào, cảnh giới đó.
Sáng sớm, trời còn mờ sương có lẽ chưa phải là thời gian thích hợp
để thong thả thiền hành đối với nhiều người. Nhưng tôi, một kẻ quen sống với
giác quan thứ sáu, là thường làm những gì chợt cảm thấy muốn làm, hay nên làm,
mà không sợ hãi, so đo hơn thiệt. Cũng may, giác quan này thường cho tôi biết
sự thật, dù đôi khi là những sự thật rất đau lòng!
Sáng nay, biết là còn sớm, nhưng khởi niệm muốn thiền hành khi phố
xá vắng người nên tôi đi vớ, mặc thêm áo, quàng thêm khăn và mở cửa bước ra
ngoài. Đường vắng đến độ đôi dép tôi mang rất êm mà vẫn nghe thấy nhịp chân
mình bước. Tuy tôi giữ tâm vào hơi thở đều nhưng vẫn nghe mơ hồ đâu đây, tiếng
gió thơm thổi qua các hàng cây báu. Đúng thế, gió nhẹ hửng đông đang thổi qua
hàng cây ven đường, vi vu, trầm bổng như tiếng tụng Lăng Nghiêm; và trên giậu
tường vi, long lanh bao hạt ngọc trời đính trên lá biếc, khác gì các màn lưới
báu nơi cõi nước tịnh của giáo chủ Tây Phương! Tôi dừng lại trước giậu hoa,
chăm chú nhìn những hạt sương mong manh trong suốt, khẽ uốn mình qua lại trên
thân lá, như chưa từng bao giờ thấy những hạt sương thoát tục đến thế. Dù kim
cương được tôn vinh là đẹp nhất trong mọi loại đá quý cũng không thể đẹp bằng
những hạt sương tôi đang chiêm ngưỡng vì những hạt kim cương mà nằm đây thì
không thể mang vẻ thảnh thơi, tự tại được; chúng sẽ là mục tiêu của bao sự
tranh giành, cướp giựt, đưa đến sân hận, oan khiên! Những hạt sương trên giậu
tường vi đẹp như kim cương nhưng không lo sợ ai tranh cướp, đập nát cả. Hạt
sương đến khi đủ duyên, đi khi hết duyên, và phút giây nào hiện hữu thì hoan hỷ
mang thông điệp của đại-thừa Kim-Cang-Kinh, vô ngôn mà bất tận.
Tôi khẽ nhấn ngón tay trên một chiếc lá non. Hạt sương theo sức
nhấn, lăn nhẹ theo, rồi đậu giữa lòng bàn tay, tròn trịa, vẹn toàn, không rơi
vãi đi đâu chút nào! Với tôi, trong phút giây tinh khôi đầu ngày, hạt sương
long lanh trên tay đang thị hiện cảnh giới trang nghiêm khi đại chúng đồng ngồi
nghe pháp tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán (*)
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán (*)
Tôi lặng người vì xúc động, tưởng như đang được nghe Đức Thế Tôn
dạy ngài Tu Bồ Đề, trong đoạn 28, kinh Kim Cang, rằng, ví như có vị Bồ Tát đem
bảy thứ ngọc ngà châu báu chất đầy khắp hoàn vũ mà bố thí, thì công đức vị ấy
cũng không hơn công đức của một người chợt hiểu ra, các pháp đều vô ngã; nhất
là, khi người ấy chấp nhận sự thật đó một cách thảnh thơi và hoan hỷ.
Khi tôi rời giậu tường vi, tiếp tục kinh hành thì ánh dương cũng
vừa hé rạng. Trên đường trở về chùa, tôi biết những hạt sương trên lá đang tan
dưới ánh mặt trời. Sương dẫu tan thành lệ nhưng là những hạt lệ tưới tẩm đất
mầu để cây lá xanh tươi hơn. Hạt-ngọc-trời trao tặng thế gian như vậy. Nhưng
những hạt ngọc nhân gian tặng nhau để trang điểm cho những gì họ ngỡ là sẽ thủy
chung, sẽ bất tử, lại thường vỡ nát dưới lăng kính của những tỵ hiềm, ích kỷ,
dối gian, sân hận. Những hạt ngọc đó khi tan thành lệ mới là lệ trầm kha bi
thảm, lệ chảy đời này chưa đủ, còn luân hồi tìm nhau kiếp khác để tiếp tục vay
trả và đổ lệ đầm đìa như tinh thần sám pháp Lương Hoàng Sám từng chỉ dạy. Tại
sao nhân gian thường khó đi suốt kiếp với nhau bằng sơ tâm yêu thương, ngọt
ngào thuở ban đầu? Có lẽ bởi nhân gian không can đảm trực diện và quán chiếu lẽ
vô thường của các pháp.
Những gì tưởng đang sở hữu, đang nắm bắt, thật ra, bản chất chỉ là
giấc mộng không thật, chỉ là bọt nước, là bóng nắng, là hạt sương, là điện chớp
“Như mộng huyễn bào ảnh. Như lộ diệc như điện”. Nếu quán được và chấp nhận được
như thế thì sự còn, mất của người thân, sự thủy chung hay phản bội của người
thương, sự gắn bó hay hời hợt của bằng hữu …v.v sẽ đi qua đời ta như những cơn
gió thoảng. Ta có nắm bắt được gì đâu mà rơi lệ khóc than vì còn, vì mất? Thử
hứng một hạt sương buổi sáng. Hứng bằng tất cả sự ân cần giữa lòng bàn tay, ta
thấy gì trước khi ánh mặt trời rực rỡ phương đông rọi tới? Ta thấy sự chuyển
hóa. Hạt sương long lanh chuyển hóa. Cái đẹp đó sẽ chuyển hóa. Như chính chúng
ta sẽ chuyển hóa. Sương sẽ tan thành lệ. Ta sẽ tan thành bụi. Với tỷ lệ tương
đối, có lẽ thời gian hiện hữu ngắn ngủi của hạt sương cũng chẳng kém chi một
kiếp người, như ta thường tin rằng trăm năm ở trần gian chỉ bằng một ngày trên
tiên giới; hoặc như đời sống của bông hồng dài hơn đời bông sứ, nhưng bông sứ
lại xót thương đóa quỳnh hương, mang tất cả hương sắc tặng đời chỉ vẻn vẹn
trong một đêm trăng tỏ! Vạn hữu thầm lặng mà vẫn hiển lộ bố-thí-ba-la-mật, cho
hết lòng mà không chờ nhận lại.
Cũng thế, chỉ với sát na ngắn ngủi đọng trên lá non, hạt sương đã
biểu hiện sự tinh khiết tuyệt đích của cái đẹp toàn vẹn trong phút giây hiện
tại. Còn chúng ta, quãng đời chớp mắt trăm năm, chúng ta làm gì để thăng hoa?
Thương thay! Chúng ta thường quẩn quanh mộng mị, thấy những gì trong mộng là
thật. Đúng, tất cả là THẬT TRONG MỘNG, nhưng vừa khi thức tỉnh thì ngay giấc
mộng cũng không còn, huống chi là những gì trong mộng ảo! Có lẽ chúng ta đều
biết như thế. Biết nhưng không chấp nhận vì cái tâm mong cầu luôn vẽ ra bao
cảnh trí trong mộng nên nhân gian khó thoát những sợi giây vô hình, cuốn ta mê
thiếp qua bao giấc mộng ngắn, dài của kiếp người, xô đẩy tới lui giữa tam độc
tham, sân, si chập chùng vay, trả. Một hành giả có lần bộc bạch cùng thiền-sư
Tăng Xán: Con khổ quá! Xin Thầy dạy cho con pháp môn giải thoát. Thiền-sư nhìn
học trò, vừa thương hại, vừa nghiêm giọng hỏi: Ai trói buộc ngươi?
Câu hỏi, nhưng cũng là câu trả lời thấm thía, đáng cho chúng ta
suy ngẫm.
Hạnh Chi
(Độc-Cư-Am, tháng giêng 2009)
(*) Kệ kinh Kim Cang
(Độc-Cư-Am, tháng giêng 2009)
(*) Kệ kinh Kim Cang
0 Kommentare:
Đăng nhận xét