Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Tám Căn Cứ Lười Biếng


tám căn cứ giải đãi nêu trên là những điều thiết thực, mà người tu dễ bị gạt. Bởi bị lừa gạt nên xuôi thuận chiều ăn ngủ mà không tiến đạo. Trái lại, nếu một phen biết chuyển tâm niệm như đã giải thích trên thì nó sẽ giúp ta tiến lên đến đạo giải thoát...

 

 

 

Hoà Thượng Thích Thanh Từ

 

Trong Tăng Chi Bộ Kinh (VIII, IX-80), Phật dạy: Chúng sanh có tám căn cứ lười biếng. Thế nào là tám?
1. Ta có việc sẽ làm (bởi vì có việc sẽ làm nên ưng nằm nghĩ để mai làm).
2. Ta có việc đã làm (vì đã làm mệt nên nghĩ cho khỏe).
3. Ta có việc sẽ đi (mai sẽ đi đâu nên nghĩ để đi)
4. Ta có việc đã đi (đi đường dài mệt nằm nghĩ cho hết mệt).
5. Ði khất thực được thức ăn không như ý (ăn thiếu ưng nằm nghĩ để khỏi đói).
6. Khất thực như ý (ăn no tu không được, để hết no sẽ tu).
7. Bệnh ít ít (có chút ít bệnh, nghĩ cho khỏe).
8. Bệnh nhiều mới khỏi (Bệnh mới khỏi nên dưỡng cho mau bình phục sẽ tu).
Trái lại, Phật dạy nên biết chuyển đổi quan niệm sẽ thành tinh tấn. Chuyển đổi quan niệm thế nào?
1. Nếu ngày mai có việc sẽ làm ta nên khởi nghĩ: Mai ta có việc phải làm, nay phải ráng tu để mai tu không được.
2. Nếu làm xong việc ta nên khởi nghĩ: Hôm qua bận việc, nay đã làm xong ráng tu bù lại hôm qua tu ít.
3. Ngày mai có việc đi đâu ta nên khởi nghĩ: Mai sẽ đi không tu được, nay ráng lo tu.
4. Khi đã đi qua con đường dài ta nên khởi nghĩ: Ðã đi không tu được, đi xong phải ráng tu.
5. Khi nhận thức ăn (khất thực) không như ý ta nên khởi nghĩ: Ăn ít bụng nhẹ dễ tu.
6. Khi nhận thức ăn (khất thực) như ý ta nên khởi nghĩ: Ðược cúng dường đầy đủ ráng tu để khỏi thiếu nợ thí chủ.
7. Khi bệnh chút ít ta nên khởi nghĩ: Bệnh còn ít ráng tu để bệnh nhiều tu không được.
8. Khi bệnh nặng đã hết nên khởi nghĩ: Bệnh lâu không tu được nay khỏi bệnh ráng tu bù lại.

Bình:

Xin nhắc lại, tám căn cứ giải đãi nêu trên là những điều thiết thực, mà người tu dễ bị gạt. Bởi bị lừa gạt nên xuôi thuận chiều ăn ngủ mà không tiến đạo. Trái lại, nếu một phen biết chuyển tâm niệm như đã giải thích trên thì nó sẽ giúp ta tiến lên đến đạo giải thoát.
Chúng ta vẫn còn nhớ gương đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cùng Ngài Di Lặc đồng thời tu. Ðức Bổn Sư do tinh tấn mà nay đã thành Phật, trái lại đức Di Lặc vẫn còn làm vị Bồ Tát và sẽ thành Phật ở tương lai xa tít.
Vì thế, tinh tấn rất thiết yếu cho người tu tập các hạnh lành, bởi lẽ đó mà được sắp vào hàng thứ ba trong sáu pháp Ba la mật.

Lưới Ái

Trong Tăng Chi Bộ Kinh (VIII, II-17), Phật dạy: Nam nhân bị nữ nhân trói buộc bởi tám điều kiện:
1. Nhan sắc
2. Tiếng cười
3. Tiếng nói
4. Giọng ca
5. Nước mắt
6. Quần áo
7. Vật tặng
8. Xúc chạm.
Trái lại, nữ nhân cũng bị nam nhân trói cột như thế.

Bình:

Ðọc bài kinh trên chúng ta thấy lòng từ bi của Phật thương chúng ta đáo để. Ngài không ngại gì chỉ ra những lẽ thật mà tất cả chúng ta đều lầm mê. Bởi lầm mê nên bị ân ái trói cột, và trói cột mãi mãi không có ngày buông tha! Kết quả chỉ chấp nhận tất cả khổ đau, không có một chút hạnh phúc an lạc chân thật. Tuy như thế mà chúng ta vẫn điên đảo si mê, để rồi phải chịu khổ đau vĩnh kiếp!
Tám điều kiện Phật nêu trên là những nguyên nhân tạo thành sợi dây cột chúng sanh trong vòng khổ đau phiền lụy. Sợi dây này không gì khác hơn là sợi dây "ái nhiễm". Sợi giây ấy tuy vô hình, nhưng nó trói cột rất chặt và cũng khó cắt đứt. Nó có sức thu hút rất mạnh như "nam châm hút kim loại". Vì thế Phật dạy: "Tỳ Kheo phải lánh xa nữ sắc, như người đội cỏ khô, sợ không dám gần lửa..." Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: "Người tu hành phải tránh xa nữ sắc (nam sắc) như tránh xa rắn độc, lửa dữ. Rắn độc, lửa dữ giết người chỉ trong một kiếp, nữ sắc (nam sắc) giết người nhiều kiếp!".
Lại nữa, trong Kinh Pháp Hoa, phẩm An Lạc Hạnh, Phật dạy: "Chỗ thân cận của người tu hành là chẳng nên gần gũi Quốc vương, Vương tử, Ðại thần v.v... Cho đến chẳng nên ở nơi thân người nữ cho là tướng có thể sanh tư tưởng dục nhiễm, mà vì nói pháp. Nếu vào nhà người chẳng cùng gái nhỏ, gái trinh, gái góa v.v... chung nói chuyện, lại cũng chẳng gần người bất nam (chẳng phải nam, chẳng phải nữ) để làm thân hậu.
Chẳng riêng mình vào nhà người. Nếu lúc có nhân duyên cần riêng mình vào thời chuyên một lòng niệm Phật. Nếu vì người nữ nói pháp thời chẳng hở răng cười, chẳng bày hông ngực, nhẫn đến vì pháp mà còn chẳng thân hậu, huống lại là việc khác..."
Ðây là những điều thiết yếu mà Phật dạy người tu phải răn dè, cẩn thận trong khi giao tiếp với nhau mới khỏi gây ra những hiểm họa khó tránh.
Vậy ai là người có chí xuất trần muốn ra khỏi sanh tử, phải y theo lời Phật dạy trên để thúc liểm thân tâm, trau dồi trí tuệ cho sắc bén hầu cắt đứt sợi dây triền phược của luyến ái, chứng quả Niết Bàn, an lạc. 

0 Kommentare:

New Comments

Chia Sẻ

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites