"trong các Kinh Viên Giác, Kim Cang đã dạy, tập nhìn cuộc đời như
mộng huyễn, tâm hồn an nhiên, không bám víu hay dính mắc, không ưa ghét,
giận hờn, lo sợ, được như thế thì dù rơi vào địa ngục cũng còn lối
thoát..."
(Tiếp theo)
Thích Trí Siêu
8. Vấn đề
của thân
Vô thường
Thân thể con người rất mong manh
yếu ớt, đụng nhẹ một chút là rách da chảy máu, đụng mạnh thì gãy xương
mất mạng. Bên trong thân thể ngoài lục phủ ngũ tạng, gân cốt, máu thịt
còn có vô số tế bào và đủ loại vi trùng, vi khuẩn. Chỉ cần một tế bào
biến chứng là có thể ung thư, kháng thể yếu một chút thì vi khuẩn hoành
hành, vi trùng xâm nhập. Khí hậu nóng lạnh bất thường thì cảm cúm nhức
mỏi. Bản chất của thân là vô thường, biến đổi từng giây phút để đi tới
tàn hoại. Nhờ vô thường nên đứa bé mới lớn lên, nhưng cũng vì vô thường
mà con người trở nên già, bệnh, rồi chết. Nhờ vô thường nên một trẻ sơ
sinh cũng có thể bệnh và chết trước khi thành người lớn.
Do vô thường nên tất cả chúng ta
đều có ba cái án treo, đó là: tai nạn, bệnh tật và cái chết. Ba cái này
có thể xảy đến với chúng ta một cách bất ngờ, không hẹn ngày giờ.
Khổ
Có thân là có khổ! Vì có thân
nên ta phải lo cho nó ăn uống, ngủ nghỉ, tắm rửa, phải đi làm kiếm tiền
thuê nhà cho nó ở tránh mưa nắng, mua quần áo cho nó mặc đỡ lạnh. Chưa
kể những phụ nữ phải bỏ ra hàng giờ trang điểm cho nó trước khi rời khỏi
nhà. Khi thân bị bệnh thì đau đớn khổ sở, người vô phước không có tiền
thì đành nằm chịu trận cho cơn đau hành hạ, người có tiền thì đi bác sĩ,
nhà thương nhưng chưa chắc khỏi bệnh. Có người sạt nghiệp sau một cơn
bệnh nặng. Chẳng cần chờ có bệnh mới khổ, ngay cả khi thân khỏe mạnh
cũng khổ, bởi vì có thân là có cảm thọ: ngồi lâu thì ê, đứng lâu thì
mỏi, đi nhiều thì mệt, nằm lâu thì tê, phải luôn luôn thay đổi tư thế
cho đỡ khổ!
Bệnh
Trong ba cái khổ: già, bệnh,
chết, thì bệnh là cái mà ta có thể tránh được. Tôi nói "có thể" chứ
không chắc, vì bệnh có nhiều loại và nhiều nguyên nhân. Bệnh là một thân
quả tức nghiệp quả của thân. Nếu đời trước thường sát sinh, đánh đập,
não hại người khác về thể xác thì đời nay gặp quả báo bệnh hoạn, ốm yếu,
đây là bệnh nghiệp. Tất cả bệnh đều do nghiệp mà thành nhưng có những
nghiệp nhân đã tạo từ đời quá khứ và nghiệp nhân được tạo trong kiếp
hiện tại, khi nhân chưa cho ra quả thì còn cơ hội chuyển nghiệp. Khi ta
gieo một hạt táo vào lòng đất đâu phải nó mọc ra trái táo ngay! Hạt táo
phải nẩy mầm từ từ lớn thành cây rồi vài năm sau mới có trái. Trong suốt
thời gian trồng táo cần phải có sự bón phân, tưới nước, trừ sâu, nắng
mưa điều hòa, những thứ này gọi là tăng thượng duyên, thì cây táo mới
cho ra quả. Nếu gieo hạt táo mà bỏ mặc không chăm sóc, gặp thêm trời hạn
hán, nghịch duyên thì hạt táo sẽ khô hoặc cây táo sẽ chết không thể cho
ra quả được. Nhân phải gặp đủ duyên mới cho ra quả, có nhân mà không đủ
duyên hoặc nghịch duyên thì quả không thành.
Chúng ta không thể tự hào mình khỏe
mạnh không bao giờ bệnh, bởi vì trong kiếp luân hồi vô thỉ không nhiều
thì ít đều phạm sát sinh, không giết người thì hại vật nên trước sau gì
cũng bị bệnh trả quả và khi đó uống thuốc tiên cũng không khỏi. Nhưng
khi quả chưa trổ ra bệnh thì ta phải khôn ngoan tu hành, tạo duyên để
hóa giải nghiệp bệnh như sám hối, giúp đỡ người già yếu bệnh tật, giữ
gìn vệ sinh, tập luyện cho thân thể khỏe mạnh, ăn uống vệ sinh cẩn thận,
không rượu chè hút sách, v.v... Nghiệp quả có thể diễn tả theo phương
trình toán học như sau: N*D = Q, N là nhân, D là duyên, Q là quả. Khi đã
tạo một nhân N, nếu ta cứ sống bình thường khi gặp đủ duyên D sẽ cho ra
quả Q. Nhưng ngày nào chưa ra quả Q thì ta vẫn có thể tác động trên
duyên như thêm vào một duyên mới D1 thì kết quả sẽ thay đổi: N*D*D1= Q1.
Bệnh đương nhiên là kết quả của
nghiệp, hoặc đời trước hoặc ngay trong đời này. Có nhiều người nhờ phước
lành hoặc bệnh nghiệp chưa chín mùi nên thân thể khỏe mạnh, ít bệnh tật
liền phung phí sức lực, ăn uống bậy bạ, uống rượu hút thuốc, chơi bời
lung tung, làm việc quá sức, đây là đang tạo nhân bệnh trong kiếp hiện
tại, đến khi bệnh nghiệp quá khứ trổ ra cộng thêm thân thể suy nhược thì
vô phương cứu chữa.
Anh Hai là một thể thao gia, hàng
ngày thường chạy bộ, chơi quần vợt, không hút thuốc, uống rượu, cờ bạc
trai gái, và biết làm phước bố thí kẻ nghèo. Nhưng bỗng nhiên anh bị ung
thư máu (leucémie) phải vào nhà thương và điều trị hóa học
(chimiothérapie). Cách ba ngày bác sĩ chích thuốc vào tủy của anh, mỗi
lần như vậy là một cực hình, thân thể anh đau đớn run lên bần bật nhưng
nhờ có một thân thể khỏe mạnh, cường tráng nên sau ba tháng anh khỏi
bệnh. Đa số những người bị ung thư, nhất là ung thư máu, đều khó sống
sót khi bị điều trị hóa học bởi vì cơ thể không đủ sức chịu đựng sự tàn
phá của thuốc. Bệnh ung thư bộc phát bất ngờ không dự đoán trước được
mặc dù anh là một thể thao gia, ta có thể gán đó là bệnh nghiệp, nhưng
nếu anh vô phước không có tiền vào nhà thương thì anh sẽ chết, nếu được
điều trị mà lúc bình thường anh trác táng thân thể suy nhược thì thuốc
cũng vật anh chết. Kết luận, anh Hai tuy phải trả nghiệp nhưng nhờ có
phước và trong hiện tại biết tập luyện thân thể nên kết quả được thay
đổi, anh đã thoát chết.
Đối với luật nhân quả có người
hiểu lầm cho rằng bệnh là do nghiệp nên khỏi cần chữa trị, trả hết
nghiệp thì bệnh sẽ hết, khỏi cần uống thuốc hay tập luyện thân thể. Có
bệnh mà không chữa là một nhân duyên đưa đến chết yểu và chết oan. Nếu
con bạn bị tai nạn mất máu mà bạn đứng đó nói rằng nó bị tai nạn như vậy
là do nghiệp rồi không tìm cách cầm máu hoặc chở đi nhà thương thì nó sẽ
ra sao? Nếu nghiệp hết thì máu sẽ tự động ngưng chảy, phải vậy chăng?
Nếu bạn đã làm hết sức mình và bác sĩ cũng làm đủ mọi cách mà không cứu
được nó thì lúc đó ta mới có thể đổ tại nghiệp!
Có những người, chắc chưa nếm mùi
bệnh khổ, đau đớn, rên la, quằn quại, liệt giường liệt chiếu, sống dở
chết dở, nên đã ví Ta Bà là Tịnh Độ. Đây một là hạng điếc không sợ súng,
hai là bồ tát lớn đã chứng ngộ không sợ sinh tử, đau nhức. Sinh ra ở cõi
này có thân là có khổ, nhất là bệnh khổ. Khi nghe tin Hòa thượng này,
Thượng tọa nọ bị bệnh nặng, nhiều người hỏi ngây thơ: "Quý thầy đó tu
cao như vậy mà còn bị bệnh hả?" Họ tưởng "tu cao" là không còn bệnh,
hoặc "tu cao" là có nội công thâm hậu như trong phim chưởng. Không ai
tránh khỏi bệnh tật, ngay cả đức Phật và các vị A La Hán cũng vậy. Đức
Phật đã bị bệnh kiết lỵ trước khi nhập niết bàn.
Suy tư
1)
Ta đã làm gì để gây ra bệnh này?
2) Bệnh này giúp ta hiểu được gì?
3) Bệnh này cho ta bài học gì?
4) Nhờ bị bệnh mà ta làm được lợi ích gì cho mình và người?
2) Bệnh này giúp ta hiểu được gì?
3) Bệnh này cho ta bài học gì?
4) Nhờ bị bệnh mà ta làm được lợi ích gì cho mình và người?
Nghiệp lực
Trong Phật giáo có danh từ
nghiệp (karma). Nghiệp có nghiệp nhân và nghiệp quả. Khi làm một hành
động tốt sẽ cho ra kết quả lành gọi là phước nghiệp. Nếu đời trước làm
nhiều việc ác qua thân, miệng, ý thì đời nay cái nghiệp đó trổ ra quả
báo hoạn nạn đau khổ, gọi là tội nghiệp. Thi sĩ Nguyễn Du có nói: "Đã
mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa", vì
nghiệp là do chính mình tạo nên không thể than trời trách đất đuợc.
Trong ngôn ngữ bình dân, nghiệp mang hai nghĩa là hành động và quả báo.
Ngoài nghiệp nhân và nghiệp quả còn có một loại gọi là nghiệp lực, tức
là sức mạnh của nghiệp. Chúng ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi, tạo
nhiều điều ác, chịu bao nhiêu đau khổ mà không cưỡng lại được cũng vì
nghiệp lực. Khi mới sinh ra ta đâu có biết hút thuốc là gì? Lớn lên giao
du với bạn bè hút sách rồi đâm ra nghiện ngập, mỗi ngày phải hút ít nhất
vài điếu hay vài bao. Nếu không hút thì có một động lực nào đó sai khiến
ta phải đi tìm thuốc để hút. Động lực vô hình này chính là nghiệp lực!
Sau khi chết, cái gì dẫn ta đi đầu thai chỗ này chỗ kia? Cũng chính
nghiệp lực dẫn ta đi đầu thai địa ngục hay thiên đàng. Điều trớ trêu ở
đây là chính ta tạo nghiệp rồi sau đó trở thành nô lệ cho nghiệp lực, để
nó nắm đầu sai sử.
Tu hành là cố gắng vuợt thoát
khỏi sự chi phối của nghiệp lực, ta có thể gọi đó là diệt nghiệp, giải
nghiệp hay chuyển nghiệp đều được. Điều đầu tiên là phải ý thức xem mình
có bị nghiệp lực sai sử hay không? Làm sao biết đuợc? Mỗi khi ta bị một
cái gì thôi thúc, điều khiển mà không cưỡng lại được đó là dấu hiệu đang
bị nghiệp lực lôi kéo! Tôi không muốn hút thuốc nữa mà nó
cứ muốn hút, tôi không muốn ăn nhiều sợ mập nhưng nó cứ
thèm ăn hoài, tôi không muốn nổi giận nữa vì nổi giận đã làm tôi mất
việc nhưng nó vẫn cứ nổi giận! Nhiều lúc tôi biết không
nên hành động như vậy nhưng đụng chuyện thì nó cứ làm tôi
hành động như vậy!
Nghiện
Nghiện hay ghiền là một hình
thức của nghiệp lực. Khi nghiện một cái gì thì ta bị cái đó sai sử, lôi
kéo, thu hút. Nghiện có rất nhiều loại vì lục trần (sắc, thanh, hương,
vị, xúc, pháp) có bao nhiêu thứ thì nghiện có bấy nhiêu loại. Có người
nghiện ăn, nghiện nói, nghiện ngủ, nghiện hút thuốc, nghiện rượu, nghiện
đồ ngọt, nghiện cờ bạc, nghiện máy vi tính (computer), nghiện làm việc
(workaholic), v.v... Những thứ nghiện này không được liệt kê là phiền
não, nhưng thực tế nghiện (dépendance, addiction) là một loại phiền não
vì nó gây khổ đau.
Trong ngũ dục, năm thứ ham muốn,
có đề cập đến tiền, sắc đẹp, danh vọng, ăn, ngủ nhưng đó là nói tổng
quát, vì ham muốn chưa nặng bằng nghiện. Chúng ta cần phân biệt rõ giữa:
cần (need), thích (desire), và nghiện (addiction). Sống ở đời ai cũng
cần tiền, cần tình dục, cần chức tước, cần ăn uống, cần ngủ nghỉ, nhưng
nếu vượt lên trên trạng thái của cần một bậc thì trở thành thích: thích
tiền, thích danh, thích sắc dục, thích ăn ngủ, v.v... đó là rơi vào ngũ
dục. Khi ham thích đến mức lệ thuộc không có không được thì đó là
nghiện. Rơi vào ngũ dục là phàm phu, rơi vào nghiện thì chẳng khác thú
vật. Người tu tập sống thiểu dục nghĩa là ở trạng thái cần, đói cần ăn,
khát cần uống, mệt cần ngủ, v.v... Sinh ra đời chúng ta đã là kẻ
nô lệ rồi, nô lệ thể xác, nô lệ hoàn cảnh, nô lệ vật chất, nô lệ
tình cảm, nô lệ vọng tưởng, bởi thế hãy cố gắng đừng mang thêm nhiều ách
nô lệ khác nữa!
Cảm thọ
Cảm thọ là một uẩn (skandha)
trong năm uẩn cấu tạo con người, vì thế ai cũng có cảm thọ. Trong kinh
Nhiều Cảm Thọ[23]
(Bahuvedaniyasutta) đức Phật có giảng về nhiều loại cảm thọ tùy trường
hợp và đối tượng. Nhưng tựu chung ta có thể chia làm hai, ba hoặc năm
loại cảm thọ. Hai loại cảm thọ là: thân thọ và tâm thọ. Ba loại cảm thọ
là: khổ, lạc, xả. Năm loại cảm thọ là: khổ, ưu, lạc, hỷ, xả.
Cảm thọ dễ chịu (lạc thọ), khó
chịu (khổ thọ) thuộc về thân thọ. Cảm thọ buồn (ưu), vui (hỷ) thuộc về
tâm thọ. Cảm thọ bình thường (xả thọ) thuộc cả thân lẫn tâm. Thân thọ là
cảm thọ phát xuất từ thân như đói khát, nóng lạnh, đau nhức, hoặc no đủ,
êm ấm, khoái lạc thể xác. Tâm thọ còn được gọi là "tình thọ" vì cảm thọ
này phát xuất qua tình cảm: được ai yêu thương quý mến thì ta vui sướng,
bị người chê bai, ghét bỏ thì ta buồn khổ.
Có cảm thọ là có khổ. Đối với
khổ thọ thì ta sợ hãi tránh né. Đối với lạc thọ thì ta thèm khát, bám
víu, đi tìm. Đối với xả thọ thì ta nhàm chán đi tìm sự kích thích.
Trong cuộc sống, mọi người đều
loanh quanh tránh né khổ thọ và tìm cầu lạc thọ. Trong số lạc thọ, không
gì ngoài việc ăn uống và nhục dục. Dù là triệu phú được ăn cao lương mỹ
vị, no nê cách mấy đi nữa, chỉ sau vài giờ là bụng lại đói. Có tiền,
giao hoan, vui đùa xác thịt ngày này sang ngày khác cũng không bao giờ
thỏa mãn, giống như người khát uống nước muối, càng uống càng khát.
Khoa học thường được đề cao như
là cứu tinh của loài người, nhưng khoa học đem lại gì nếu không chỉ là
tiện nghi vật chất, đáp ứng nhu cầu cảm thọ khoái lạc cho thân xác, kích
thích lòng ham muốn tiêu thụ.
Người tu hành cần phải tập làm
chủ cảm thọ. Khi gặp khổ thọ về thân thì kiên nhẫn chịu đựng, tâm không
lo buồn (ưu). Khi gặp lạc thọ thì biết ý thức sự may mắn hạnh phúc của
mình và không chạy theo bám víu tìm kiếm nữa. Khi có xả thọ thì biết
quán chiếu để biến xả thọ thành sự bình an hạnh phúc của tâm hồn.
Đòi hỏi của thể xác
Thân là chủ của tâm hay tâm là
chủ của thân? Có lẽ đa số sẽ nghĩ tâm là chủ của thân, tâm nghĩ trước và
thân làm theo sau. Nhưng trên thực tế nhiều khi ngược lại, tâm làm đầy
tớ cho thân, khi thân đói quá thì tâm suy nghĩ trộm cắp để nuôi thân,
thân bị nóng lạnh thì tâm phải lo mua quạt, mua sưởi. Thân xác có những
đòi hỏi của nó mà ta không thể cưỡng lại được như ăn uống, ngủ nghỉ, bài
tiết, tình dục, nóng lạnh, v.v... Khi đó tâm trở thành đầy tớ phục vụ
cho ông chủ thân! Chẳng cần chờ đến lúc đói khát, nóng lạnh, hàng ngày
chúng ta phải lo đi làm, kiếm tiền để làm gì? Có
phải để nuôi thân không? Ai là chủ, ai là tớ?
Tình dục
Vì có thân xác, có cảm thọ nên
người ta mới đi tìm tình dục. Tình dục (sexualité) là sự ham muốn nhục
dục hay khoái cảm xác thịt. Loài vật có giống đực và giống cái, con
người có nam và nữ do thể xác và bộ phận sinh dục khác nhau, nên thu hút
và kích thích lẫn nhau. Đây là điều bình thường và tự nhiên của tạo hóa.
Ở đời nguời ta lấy vợ lấy chồng
cũng không ngoài mục đích thỏa mãn tình dục (và tình yêu). Phong tục xã
hội chế ra hôn nhân cưới gả cũng để hợp thức hóa tình dục. Giới cấm tà
dâm được chế ra để bảo vệ hạnh phúc gia đình hay để hạn chế tình dục bừa
bãi? Ở Việt Nam xưa kia cưới gả không cần tình yêu, chỉ cần môn đăng hộ
đối là đủ. Ở Tây phương ngày nay, hôn nhân mà không có tình dục (mariage
non consommé) thì có quyền ly dị, vì tình dục quan trọng hơn tình yêu.
Không ăn không uống thì chết, khi
đủ ăn, đủ uống thì người ta nghĩ đến tình dục. Sự đòi hỏi tình dục có
thể làm người ta mất nhân phẩm, xuống thấp ngang với thú vật.
Tình dục không phải là một vấn đề
quan trọng đối với người thường, nhưng nó là một trở ngại lớn cho những
ai muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi, vì nó làm con người trở thành nô lệ
cho khoái cảm. Trong đạo thường dùng chữ sắc dục chứ không nói về tình
dục. Sắc dục nghe thanh hơn tình dục nhưng cả hai gần như đồng nghĩa, vì
cái này đưa đến cái kia. Sắc dục là ham muốn sắc đẹp, đàn ông ham muốn
đàn bà đẹp, nhưng ham muốn đàn bà đẹp để làm gì? Để ngắm, để trưng rồi
thôi ư? Sắc đẹp của người khác phái là sự hấp dẫn mạnh nhất, đức Phật có
nói trong phẩm Sắc: "Ta không thấy một sắc nào khác, này các tỳ kheo,
xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các tỳ
kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông" ..."Ta
không thấy một sắc nào khác xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như
sắc người đàn ông" ... (Tăng Chi bộ kinh I).
Sinh ra ở đời ai cũng có tình dục,
vì có chủng tử ái dục trong tâm, có cảm thọ và bộ phận sinh dục nơi
thân. Muốn giải thoát sinh tử ta cần phải siêu việt tình dục, không còn
thèm khát, ao ước sắc dục. Vượt qua bằng cách nào? Bằng cách đè nén
chăng? (xem chương Vấn đề tình cảm). Tu hành không phải đè nén như lấy
đá đè cỏ, đè nén gây ra mâu thuẫn nội tại và nhiều khi sinh bệnh. Tình
dục cần được hiểu và chuyển hóa để trở thành một năng lượng giúp ta thêm
sức mạnh và niềm vui sống. Nguồn gốc của tình dục nằm nơi tâm, nên phải
từ tâm mà giải quyết. Ta đã có quan niệm gì, ý nghĩ gì về tình dục, sắc
dục? Trong kinh dạy phải coi sắc dục như rắn độc, đó là kinh nói nhưng
trong thâm tâm ta nói gì, nghĩ gì, phải thành thật với chính mình. Vì Ý
đã nghĩ như thế nào mới hiện hành ra nơi Tình và Thân. Tình dục tuy là
một vấn đề nhưng không nên quan trọng hóa làm nó trở thành một cái gì
ghê gớm, tội lỗi phải đề phòng xua đuổi.
Có hai điều làm tâm bị dính mắc, đó
là ưa và ghét. Khi ưa cái gì tâm thường nghĩ đến cái đó và khi ghét cái
gì tâm cũng nghĩ đến luôn. Tốt nhất là không ưa không ghét, đối cảnh
vắng lặng, "bình thường tâm thị đạo". Giống như chuyện một chú tiểu đi
tu từ nhỏ chưa bao giờ thấy đàn bà con gái. Một hôm có việc thầy dẫn chú
xuống núi đến một làng nọ. Đi ngang thấy một cô gái đẹp đang giặt đồ bên
bờ sông, thầy sợ chú bị cám dỗ nên nắm tay kéo chú đi nhanh và bảo chú
đừng nhìn, coi chừng đó là "con cọp" ăn thịt người. Nhưng chẳng may, chú
đã nhìn thấy "con cọp" rồi. Thầy sợ chú bị dính nên căn dặn thêm: "Con
cọp đó dễ sợ lắm, bề ngoài thấy hiền nhưng bên trong đầy nanh vuốt ăn
thịt người lúc nào không hay". Nghe thầy nói vậy nhưng chú lại thấy nó
có vẻ dễ thương làm sao, suốt dọc đường hình ảnh "con cọp" cứ lởn vởn
trong đầu chú. Về đến chùa chú cố gắng xua đuổi con cọp đó ra khỏi đầu
nhưng càng đuổi nó càng hiện và cuối cùng chú tương tư "con cọp" luôn.
Thấy chú biếng ăn, bỏ ngủ, lơ là tụng kinh niệm Phật, thầy gọi chú vào
hỏi nguyên do thì chú thú thật là chú nhớ con cọp quá và muốn xuống núi
để thấy lại nó! Câu chuyện tiếp tục ra sao thì để bạn đọc tưởng tượng
lấy. Nếu tôi là thầy của chú, tôi sẽ cho chú thấy sự thật, cho chú đứng
lại nhìn cô gái và nói cho chú biết đó là một người nữ, khác phái chứ
không phải con cọp. Sau đó cho chú thấy những cô gái khác đẹp hơn để
cuối cùng tự chú nhận thấy một người con gái không có gì đặc biệt, cũng
bình thường như bao nhiêu người khác mà thôi. Tâm không động
(vắng lặng) vì thấy cảnh bình thường.
Địa ngục
Trong các tôn giáo đều có nói
đến địa ngục, đó là nơi mà tội nhân phải đọa vào sau khi chết để chịu
những hình phạt ghê gớm. Địa ngục có hay không? Nếu có thì ở đâu? Ở dưới
lòng đất hay ở một nơi nào trong không gian vũ trụ?
Trước khi trả lời những câu trên
thì ta cần xác định lại chữ địa ngục (enfer, hell), vì có những người vô
thần, vô đạo không tin có địa ngục. Địa là đất, ngục là ngục tù, nghĩa
đen là ngục tù ở trong lòng đất, nghĩa bóng là nơi mà ta phải khổ
sở đớn đau vì bị trừng phạt. Nếu nói theo nghĩa đen thì phải nhờ
tới khoa học, nhờ các nhà bác học địa chất thám hiểm xem có ngục nào
trong lòng đất không? Nhưng nếu đứng trên nghĩa bóng thì chúng ta có địa
ngục trần gian, đó là những nhà tù, trại cải tạo và chiến trường, là
những nơi người ta đánh đập, chém giết, tra tấn, hành hạ lẫn nhau. Do đó
ta không cần phải chết đi mới biết có địa ngục hay không. Đạo Phật nói
"Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức", ngay cả cảnh giới địa ngục cũng
không nằm ngoài tâm. Khi tâm của ta đang sân hận, giận tức, muốn ăn tươi
nuốt sống kẻ thù, muốn mắng chửi, đánh đập người làm ta khổ thì đó là ta
đang sống trong địa ngục (vivre l'enfer, go through hell), hay nói cách
khác là địa ngục đang hiện hữu ngay nơi ta. Mỗi khi bị thất tình lục
dục, cảm xúc dày vò, tâm hồn bứt rứt thì đó cũng là đang sống trong địa
ngục. Khi cơn dày vò nguôi ngoai, tâm hồn trở lại bình thường, an ổn thì
ta thoát ra khỏi địa ngục. Ra vào địa ngục là như thế đó! Những người
may mắn biết thế nào là đạo đức, biết học đạo, biết tu tâm sửa tánh, tập
làm chủ thân tâm, học từ, bi, hỷ, xả, thì những người này mau thoát ra
khỏi địa ngục.
Trong kinh Phật, ngoài kinh Địa
Tạng, có kinh Trung A Hàm thứ 30[24],
phẩm Địa Ngục cũng tả rõ về cảnh giới địa ngục. "Trong địa ngục Đinh
Sắt, ngục tốt đánh tội nhân văng lên bàn sắt nóng, căng thân thể tội
nhân ra, dùng đinh đóng tay, đóng chân, đóng vào tim. Toàn thân bị đóng
hết thảy 500 cái đinh. Họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết, nhưng vì
tội lỗi cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được", ..."Trong địa
ngục Khát, ngục tốt bắt tội nhân nằm lên bàn sắt nóng, căng thân thể ra
dùng móc sắt nóng cạy miệng tội nhân ra, lấy nước đồng sôi rót vào miệng
đốt cháy cả môi lưỡi, từ yết hầu cho đến bụng, cháy suốt cả thân, không
chỗ nào không cháy. Họ đau đớn vô cùng, kêu la thảm thiết. Nhưng vì tội
lỗi cũ chưa hết, nên tội nhân không thể chết được".
Ở trần gian chỉ cần đóng một cái
đinh vào tim cũng đủ chết, nhưng ở địa ngục bị đóng tới 500 cái đinh mà
không chết. Thêm nữa thời gian ở địa ngục rất lâu, một ngày một đêm ở
địa ngục dài bằng mấy ngàn năm ở trần gian, do đó tội nhân phải tiếp tục
sống để cảm thọ sự đau đớn. Tại sao có thể như vậy được?
Anh Ba hồi xưa là Trung tá Không
quân, sau năm 1975, anh bị bắt đi cải tạo và hành hạ đánh đập đủ thứ.
Sau này được vợ con bảo lãnh sang Mỹ, tuy không còn ở trong tù nhưng lâu
lâu anh vẫn nằm chiêm bao thấy mình còn ở trại cải tạo và đang bị tra
tấn dã man. Đau đớn, rên siết đến mức kinh hoàng quá làm anh thức giấc
mồ hôi chảy đầm đìa, tim đập mạnh, hơi thở hổn hển. Giả sử những lúc
đang bị ác mộng như vậy mà anh không tỉnh dậy nổi thì sao? Thì anh sẽ
tiếp tục "sống" trong cảnh địa ngục và sống mãi như thế cho đến khi nào
anh được thức giấc. Khi thức giấc thì tức khắc anh thoát ra khỏi sự tra
tấn. Làm sao thức giấc được? Thức giấc được là vì thời gian của giấc mơ
(ác mộng) kia có hạn, và vì anh còn cái thân tứ đại là mạng căn chính.
Nhưng nếu không còn thân xác nữa thì anh sẽ vĩnh viễn sống trong cơn ác
mộng cho đến khi nào nó phai nhạt nhường chỗ lại cho một cơn mộng khác
thì lúc đó anh mới thoát cảnh cực hình.
Lâu lâu tôi ngủ trưa và có lúc
bị "mặt trời đè", tôi cảm thấy như mình đã thức rồi mà không thể mở mắt
hay nhúc nhích tay chân gì được hết. Lúc đó tôi muốn kêu to lên nhờ ai
xung quanh đến lay tôi hoặc đập mạnh vào người để tôi tỉnh dậy nhưng vô
hiệu. Tôi phải cố gắng vùng vẫy cựa quậy vài phút thì mới bừng tỉnh và
mở mắt ra được. Tôi mở mắt ra được là nhờ còn thân xác này, nói theo
cách khác là tâm hay thần thức của tôi còn có chỗ nương vào để biểu hiện
(manifester). Nhưng một khi chết đi, thần thức rời khỏi xác thân thì
không còn chỗ nương để có cơ hội thoát khỏi cảnh ác mộng? Và như thế sẽ
phải sống trong ác mộng đó cho đến khi nào sức mạnh của nó phai nhạt thì
ta mới thoát được. Sức mạnh của ác mộng chính là nghiệp lực, nếu nghiệp
nặng (tội ác quá nhiều) thì thời gian sống trong ác mộng hay địa ngục sẽ
rất dài (mấy ngàn năm), nếu nghiệp nhẹ thì cơn ác mộng sẽ chấm dứt sớm
hơn.
Có những trường hợp ngoại lệ là
khi ta đang ở trong ác mộng, kêu la, hoảng hốt mà bên cạnh có một người
nào biết đánh thức ta dậy hoặc lấy tay tát vào mặt vài cái cho ta thức
giấc thì coi như người đó đã cứu ta ra khỏi địa ngục. Cũng vậy, nếu
trong lúc sống ta có nhân duyên với Phật Pháp, biết niệm Phật A Di Đà,
hoặc Quan Thế Âm Bồ Tát thì khi lâm vào cảnh giới trung ấm hay địa ngục,
ta hoảng sợ biết kêu cứu đến các ngài thì do luật cảm ứng ta sẽ được
đánh thức ra khỏi địa ngục. Vì địa ngục là một cảnh giới của tâm, trong
đó ta không có xác thân tứ đại như bây giờ mà có một loại "ý sanh thân",
tức một cái thân đúc kết từ tâm ý, giống y như cái thân của anh Ba đang
bị đánh đập trong giấc mơ. Đặc biệt một điều là cảm xúc của những loại
"ý sanh thân" này rất nhạy, cường độ của nó gấp trăm lần nên khi bị đánh
đập thì đau đớn kinh khủng, và nếu sợ thì sợ kinh hồn. Đương nhiên khi
bị đâm chém thì nó cảm thấy đau đớn, sợ hãi nhưng không bao giờ chết, vì
đâu phải là xác thịt!
Có cách nào thoát khỏi chăng?
Như vừa nói ở trên, chúng ta phải tập ăn ở đạo đức, tu hành, biết nương
tựa Tam Bảo, chư Phật và Bồ Tát. Ngoài ra nên thường suy tư quán chiếu
như trong các Kinh Viên Giác, Kim Cang đã dạy, tập nhìn cuộc đời như
mộng huyễn, tâm hồn an nhiên, không bám víu hay dính mắc, không ưa ghét,
giận hờn, lo sợ, được như thế thì dù rơi vào địa ngục cũng còn lối
thoát. Vì con đường ra hay vào địa ngục không phải bắt đầu sau khi chết
mà đã bắt đầu ngay từ bây giờ. Trong lúc sống nếu ta khổ đau vì thương
ghét, buồn giận, lo âu thì không có lý do gì sau khi chết lại được sung
sướng hạnh phúc, bởi vì khổ đau hay sung sướng bắt nguồn từ trong tâm,
còn sống hay chết chỉ là sự tàn hoại thay đổi của thân xác, không ngăn
cản được giòng tâm thức trôi chảy bất tận.
(còn tiếp)
0 Kommentare:
Đăng nhận xét